Nuôi trùn quế góp phần giảm ô nhiễm môi trường

08/07/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 08/07/2018 | 06:00

STO - Sau thời gian phát triển rầm rộ, vài năm nay, phong trào nuôi trùn quế khá trầm lắng, nhưng hiện tại các địa phương đã “khởi động” lại mô hình nuôi trùn quế, mặc dù số lượng còn hạn chế, chỉ những người thật sự đam mê thì mới gắn bó lâu bền nghề này. Điển hình là hộ ông Thạch Ty, ấp Phước Quới, xã Phú Tân (Châu Thành) đã gắn bó với con trùn quế gần 7 năm nay và đã có nguồn thu nhập ổn định.

Đưa chúng tôi ra phía sau nhà, nơi có trại nuôi trùn quế, để thấy được những con trùn đỏ, lớn hơn sợi chỉ đôi ba phần, ông Ty phải dùng đèn pin rọi và đào lớp phân gia súc, gia cầm (thức ăn chính của trùn quế), cả một dề trùn bám đầy trên thân cây.

Ông Thạch Ty, ấp Phước Quới, xã Phú Tân (Châu Thành) bên chuồng nuôi trùn quế của gia đình.

Ông Ty bộc bạch: Trùn quế ưa bóng tối, chuồng trại càng tối chúng càng sinh sôi phát triển nhanh. Ngoài ra, trại nuôi phải đảm bảo độ ẩm luôn giữ mức ổn định từ 70% đến 75%, thức ăn phải đầy đủ, theo liều lượng vừa phải chứ không được quá nhiều, làm ảnh hưởng đến môi trường sống của trùn. Theo ông Ty, trước đây ông học nghề nuôi trùn quế ở tận Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh). Lúc bấy giờ, gia đình được hỗ trợ 1 con bò giống từ Chương trình Heifer và được đưa đi tập huấn kỹ thuật chăn nuôi trùn quế nhằm đảm bảo môi trường khi phân bò thải ra lấy đó làm nguồn thức ăn nuôi trùn và từ con trùn dùng làm thức ăn cho các loài gia cầm, thủy sản…

Thấy mô hình nuôi bò kết hợp nuôi trùn quế hay, nên sau khóa tập huấn và được Nhà nước hỗ trợ phần con giống, kể cả làm chuồng nên tôi mạnh dạn làm theo. Dù bước đầu khá bỡ ngỡ nhưng đã có kinh nghiệm học được nên tôi đã thành công và duy trì suốt gần 7 năm qua. Do trùn quế dễ nuôi, lại sinh sản nhanh nên chỉ sau 1 tháng nuôi là bán được sinh khối, với giá 20.000 đồng/kg, bình quân mỗi tháng thu về số tiền 2 triệu đồng. Ngoài lượng sinh khối bán hàng tháng, tôi còn thu gom lượng phân trùn để bán cho các điểm chuyên trồng rau sạch hay hoa kiểng, hàng tháng thu khoảng 300kg phân trùn, giá bán 4.000 đồng/kg” - ông Ty vui vẻ cho biết thêm.

Theo kinh nghiệm của những người nuôi trùn quế thành công thì con trùn quế có đặc điểm khác so với nhiều loài côn trùng, bởi lớp đầu tiên là trùn mẹ, kế đến trùn con, trứng và phân trùn nên khi thu hoạch cứ việc lấy trùn lớp trên mặt bán là được, không phải mất quá nhiều thời gian chọn lọc. Để nuôi trùn quế thành công, trước tiên người nuôi phải làm chuồng đảm bảo an toàn, tránh bị nước mưa tạt vào, chuồng phải tối và không bị bất cứ loài vật nào, như: ếch, nhái, rắn, rắn mối, chim, chuột… xâm nhập vào được bên trong chuồng, vì đây là các loài vật ăn trùn.

Điểm mấu chốt mà nhiều người nuôi trùn quế cần áp dụng đó là phải trộn đều trùn 1 lần/tháng, nhằm tạo độ tơi xốp, thông thoáng trong chuồng nuôi. Khi thời tiết nắng nóng, mỗi ngày tưới 1 lần nước hoặc tạo máy phun sương để giữ độ ẩm; còn những tháng mùa mưa thì không cần tưới nước trùn vẫn phát triển và sinh sôi tốt. Thường 3 ngày mới cho trùn ăn một lần, với diện tích mỗi chuồng nuôi 6m2, trùn ăn khoảng 100kg phân, pha nước theo tỷ lệ 1 phần phân, 2 phần nước nên chỉ cần 1 con bò thì lượng phân đã đủ cho trùn ăn quanh năm.

Cũng theo ông Ty, để trùn nuôi đạt năng suất không cần phải xây chuồng nuôi bằng ximăng tốn kém, chỉ cần làm nền đất bằng phẳng, che chắn xung quanh chuồng bằng cao su lên khoảng 5 tấc, sau đó dùng lưới thưa rào lại tránh các loài ăn trùn xâm nhập.

Cán bộ kỹ thuật Dự án “Hỗ trợ nông nghiệp cacbon thấp” Cao Tấn Đạt chia sẻ: “Mô hình nuôi trùn quế của ông Ty là một trong những mô hình khá thành công. Trên địa bàn huyện Châu Thành, mô hình của ông Ty được dự án thường xuyên nêu làm điển hình tại các cuộc hội thảo để người chăn nuôi bò biết đến. Đồng thời, để bà con Khmer tại một số địa phương chăn nuôi bò cùng với phát triển nuôi trùn quế, dự án còn mời ông Ty làm người hướng dẫn cách nuôi, bởi lấy kinh nghiệm thực tế tại chuồng nuôi của gia đình truyền đạt cho người dân nên người nghe dễ hiểu và dễ tiếp thu hơn. Ngoài ra, tại điểm nuôi trùn của ông Ty, nguồn giống tốt nên dự án thường lấy con giống để hỗ trợ cho các hộ nuôi và tuyên truyền hộ dân có nhu cầu thì đến mua tại mô hình, vừa đảm bảo chất lượng, vừa được truyền đạt kiến thức nuôi trùn hiệu quả. Bên cạnh đó, mô hình nuôi trùn quế thật sự là mô hình bảo vệ môi trường, tránh gây ô nhiễm nguồn nước, không khí bởi chất thải từ đàn gia súc, gia cầm nuôi tại hộ”.

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: