Phòng chống tốt bệnh dịch tả trên gà

24/11/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 24/11/2020 | 06:00

STO - Nguyên nhân của bệnh dịch tả trên gà là do siêu vi trùng thuộc nhóm Paramyxovirus gây bệnh cho gà ở mọi lứa tuổi, đặc trưng bởi hiện tượng xuất huyết, viêm loét đường tiêu hóa. Bệnh lây lan nhanh gây thiệt hại nghiêm trọng, có thể đến 100% trên đàn gà bệnh. Theo đó, virus dễ bị diệt bởi thuốc sát trùng thông thường nhưng có thể tồn tại nhiều năm trong môi trường mát...

Hộ chăn nuôi ý thức cao về phòng chống dịch tả trên gà

Đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh trao đổi tình hình chăn nuôi gà tại hộ ông Nguyễn Kiên Cường, ấp Thiện Tánh, xã Thuận Hưng (Mỹ Tú). Ảnh: THÚY LIỄU

Tham quan trại nuôi gà thả vườn của ông Nguyễn Kiên Cường, ấp Thiện Tánh, xã Thuận Hưng (Mỹ Tú) đúng lúc ông đang phun thuốc sát trùng quanh chuồng gà. Ông Cường bộc bạch: “Tôi nuôi gà tính đến thời điểm hiện tại gần 4 năm, bình quân xuất bán 2.400 con gà/năm/3 đợt nuôi, trừ chi phí lợi nhuận khoảng 40 triệu - 50 triệu/năm (giá gà năm 2019). Do nuôi gà với số lượng lớn nên để đảm bảo đàn gà tránh được các loại dịch bệnh, người nuôi cần phải tiêm phòng các loại vắc xin cho gà, nhất là đối với bệnh dịch tả trên gà rất thường gặp, nếu phòng ngừa bệnh cho gà không tốt sẽ dẫn đến tỷ lệ chết cao, gây thiệt hại về kinh tế cho hộ nuôi”.

Đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thăm trang trại chăn nuôi gà tại hộ ông Trần Thanh Phong, ấp Nam Hải, xã Đại Hải (Kế Sách). Ảnh: THÚY LIỄU

Ông Trần Thanh Phong, ấp Nam Hải, xã Đại Hải (Kế Sách) chia sẻ: “Mỗi năm tôi xuất bán ra thị trường khoảng 150.000 con gà thịt. Bởi số lượng đàn gà nuôi lớn nên việc phòng tránh các loại dịch bệnh trên gà rất quan trọng, nhất là bệnh dịch tả trên gà tỷ lệ chết 70 - 80%. Vì vậy, để bảo vệ đàn gà trước thời tiết ngày càng bất lợi và dịch bệnh gia tăng, nhất là bệnh dịch tả trên gà, tôi đã áp dụng nuôi gà bằng đệm lót sinh học, xây dựng chuồng trại nuôi theo hướng hở, trang bị quạt gió làm mát cho đàn gà, gặp thời tiết nóng sẽ bật quạt 24/24 giờ làm mát gà. Đồng thời, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin, thường xuyên sát trùng chuồng nuôi 2 lần/tuần”.

Biện pháp phòng trị bệnh dịch tả trên gà

Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Kế Sách Lương Minh Trí cho biết, bệnh dịch tả cúm gia cầm là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm thường xảy ra trên gà và bệnh thường ghép các dịch bệnh khác trên gia cầm tăng tỷ lệ chết đối với gia cầm dẫn đến thiệt hại kinh tế, đây là bệnh do virus nên không có thuốc đặc trị. Do vậy, biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất đối với loại dịch bệnh này là tiêm phòng vắc xin và chăn nuôi an toàn sinh học. Bệnh dịch tả có thời gian ủ bệnh trung bình từ 5 - 6 ngày và có thể thay đổi từ 2 - 12 ngày. Biểu hiện bệnh ở 3 thể, là thể quá cấp tính, thể cấp tính và thể mãn tính. Nếu gà mắc bệnh, với các triệu chứng như: gà hắc hơi, khó thở, ủ rũ, ăn ít sau bỏ ăn, thích uống nước, lông xù, xả cánh hoặc nằm một chỗ, gà tím tái, xuất huyết hay thủy thủng mồng và yếm gà, có nhiều dịch nhờn chảy ra từ mũi và mỏ, gà thở khò khè, gà bệnh hay bị sưng diều, tiêu chảy phân lẫn máu màu phân trắng xám mùi tanh, liệt chân, liệt toàn thân, gà chết đột ngột…”.

Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Mỹ Tú Phạm Minh Tú thông tin: “Biện pháp phòng trị bệnh dịch tả trên gà hữu hiệu là bà con áp dụng biện pháp tiêm vắc xin để phòng bệnh, theo lịch định kỳ của cơ quan chuyên môn. Tuy nhiên, do gà nuôi quanh năm nên bà con có thể mua vắc xin tại các cửa hàng thuốc thú y để tiêm theo khuyến cáo của đơn vị sản xuất. Bên cạnh tiêm vắc xin, bà con thực hiện nuôi an toàn sinh học, đó là cắt đứt ngăn chặn không cho mầm bệnh lây lan vào chuồng nuôi bằng biện pháp như: cùng vào cùng ra, có thời gian trống chuồng, gà nuôi nguồn gốc rõ ràng có kiểm dịch của cơ quan thú y, nếu nuôi gà lứa tuổi khác nhau phải cách ly ít nhất 2 tuần trước khi nhập đàn".

Theo ngành chức năng, việc vệ sinh dụng cụ chăn nuôi, chuồng trại, thường xuyên thay đệm lót chuồng và tạo độ thông thoáng cho nền đệm lót, giúp các vi sinh phân hủy chất thải trong chăn nuôi, tạo môi trường cho con gà phát triển tốt nhất là việc làm rất cần thiết. Đồng thời, cần lưu ý là nên hạn chế người ra vào khu vực chăn nuôi, có biện pháp phòng chống các loại côn trùng gây hại từ bên ngoài như ruồi, muỗi, chim… Theo dõi thường xuyên diễn biến tình hình đàn gà (lượng ăn uống cho gà giảm, gà chết bất thường...), hộ nuôi cần có sổ ghi chép theo dõi, nếu phát hiện bệnh, báo cơ quan thú y để lấy mẫu xét nghiệm, nếu mẫu xét nghiệm gà dương tính với bệnh dịch tả hoặc các bệnh truyền nhiễm, bắt buộc để công bố dịch, người dân phải tuân thủ hướng dẫn, xử lý ổ dịch của cơ quan thú y.

THÚY LIỄU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: