ST25 - gạo ngon nhất thế giới được vinh danh trong 10 sự kiện KHCN nổi bật

27/12/2019 08:40 GMT +7
  • Nguồn: Báo điện tử VOV
  • Thứ Sáu, 27/12/2019 | 08:40

ST25, gạo Việt Nam vừa được vinh danh ngon nhất thế giới là một trong 10 sự kiện khoa học công nghệ nổi bật trong năm 2019.

Chiều 26-12, tại Hà Nội, Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ Việt Nam công bố kết quả cuộc bình chọn 10 sự kiện Khoa học và Công nghệ nổi bật năm 2019 thuộc các lĩnh vực cơ chế chính sách, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên; nghiên cứu ứng dụng, tôn vinh nhà khoa học, hội nhập quốc tế. Đây là năm thứ 14 sự kiện bình chọn nói trên được Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức.

GS.TS Phạm Văn Đức Phó Chủ tịch Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Ông Nguyễn Thế Dũng - Giám đốc Nhà Văn hoá- Hội Nhà báo VN trao chứng nhận cho đại diện 10 sự kiện KH&CN nổi bật 2019.

Theo đó, giống gạo ST25 vừa được công nhận là “gạo ngon nhất thế giới năm 2019” là một trong 10 sự kiện nổi bật.

ST25 là giống gạo do nhóm các nhà khoa học tỉnh Sóc Trăng gồm Anh hùng lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua, tiến sĩ Trần Tấn Phương, kỹ sư Nguyễn Thu Hương lai tạo, phát triển. Các giống lúa ST, mà mới nhất là ST25 có các đặc tính vượt trội về phòng bệnh, kháng mặn; mang nhiều ưu điểm của giống gạo thuần Việt, hạt dài, trắng, trong, khi nấu cho cơm dẻo, ráo có mùi dứa. So với các giống gạo quốc tế, ưu điểm của ST25 là giống cao sản, có thể trồng từ hai đến ba vụ trong một năm.

Hiện hồ sơ xin công nhận ST25 là giống lúa mới đã được gửi tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các nhà khoa học và công nghệ - tác giả tạo ra ST25 mong rằng sau khi được bộ công nhận là giống mới, bên cạnh việc nhân rộng diện tích, xây dựng vùng trồng chuyên canh các địa phương và người nông dân cần canh tác đúng quy trình kỹ thuật để giữ chất lượng của loại gạo quý này nhằm sản xuất được gạo ngon với giá cao.

Ngoài ra, việc vệ tinh MicroDragon do Việt Nam thiết kế, chế tạo đã được phóng lên quỹ đạo tại Nhật Bản đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc tiến tới làm chủ công nghệ vệ tinh quan sát trái đất, viễn thông của Việt Nam, phục vụ thương mại.

Vệ tinh MicroDragon do các chuyên gia Việt Nam thực hiện việc nghiên cứu chức năng, thiết kế hệ thống; lựa chọn thiết bị, lắp đặt, lập trình… Nhiệm vụ của vệ tinh là chụp ảnh màu nước biển của vùng biển ven bờ của Việt Nam để đánh giá chất lượng, thành phần nước biển, phục vụ ngành đánh bắt thủy sản.

Vacxin cúm mùa tam giá dạng mảnh bất hoạt (IVACFLU-S) chính thức được lưu hành từ tháng 1-2019 cũng được điểm tên. Đây là vacxin cúm đầu tiên do Việt Nam tự sản xuất, có khả năng ngăn ngừa ba chủng virus cúm thông thường gồm A/H1N1/09; A/H3N2 và cúm B.

Từ năm 2003 khi dịch cúm gia cầm A/H5N1 xuất hiện và có dấu hiệu lan rộng ở Việt Nam, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra đại dịch. Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị sản xuất vacxin trong nước, trong đó có IVAC tập trung nguồn lực để nghiên cứu phát triển vacxin cúm phòng bệnh cho người.

Tháng 5-2018,Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học cấp Quốc gia đánh giá vacxin IVACFLU-S đạt yêu cầu an toàn và tính sinh miễn dịch, đáp ứng kháng thể bảo vệ đạt 60,3 – 86,6% (tương đương với các vacxin sản xuất ở các nước Châu Âu). Vacxin được bào chế dưới dạng dung dịch tiêm dùng cho người (ở độ tuổi từ 18 đến 60), quy mô và công suất sản xuất vacxin IVACFLU-S của IVAC khoảng 1,5 triệu liều/năm...

10 sự kiện Khoa học và Công nghệ nổi bật năm 2019:
1. Ban hành Nghị quyết số 52 về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
2. Hội thảo khoa học quốc gia “Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc- 40 năm nhìn lại”
3. Thiết kế, chế tạo, phóng thành công vệ tinh MicroDragon
4. Khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia và Cổng dịch vụ công quốc gia
5. ST25 - “gạo ngon nhất thế giới”
6. Viettel thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên tại Việt Nam
7. Trung tâm Giám định ADN hài cốt liệt sĩ chính thức hoạt động
8. Vacxin cúm mùa tam giá dạng mảnh bất hoạt (IVACFLU-S) chính thức được lưu hành từ tháng 1-2019
9. Giáo sư Phạm Hoàng Hiệp nhận Giải thưởng Ramanujan: ghi nhận những đóng góp của ông cho nền Toán học Việt Nam và thế giới
10. Lần đầu tiên Techfest Việt Nam được giới thiệu ra quốc tế

Vân Anh/VOV.VN

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: