Tận dụng rơm rạ trồng nấm rơm có hiệu quả

08/01/2018 11:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 08/01/2018 | 11:00

STO - Hiện nay, mô hình trồng nấm rơm được người dân trên địa bàn huyện Mỹ Tú nhân rộng vì mang lại nguồn thu nhập đáng kể, cải thiện đời sống kinh tế gia đình. Ngoài ra, trồng nấm rơm là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu rơm rạ, góp phần bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Trường Quyển ở ấp Trà Coi A, xã Mỹ Hương (Mỹ Tú) trồng nấm rơm thu được lợi nhuận khá cao.

Trước đây, sau các vụ thu hoạch lúa, việc thu gom, xử lý rơm rạ chưa được người dân quan tâm nên tình trạng vứt bừa bãi hoặc gom lại và đốt, làm cho khói bụi bay mù mịt khắp nơi, gây ô nhiễm môi trường. Nhưng từ khi biết đến kỹ thuật trồng nấm rơm, sau khi thu hoạch xong vụ lúa, bà con nông dân trên địa bàn huyện Mỹ Tú đã tận dụng nguồn rơm rạ có sẵn để trồng nấm rơm và cho hiệu quả kinh tế khá cao.

Điển hình như hộ ông Nguyễn Trường Quyển ở ấp Trà Coi A, xã Mỹ Hương có 5 công đất trồng lúa, mỗi năm thu nhập được từ 20 - 30 triệu đồng. Từ khi gia đình ông trồng nấm rơm thì nguồn thu nhập tăng đáng kể. Ông Quyển cho biết: “Trồng nấm rơm hơi cực, nhưng hàng tháng đều có nấm rơm để bán nên thu nhập được ổn định hơn. Tính ra, mỗi vụ nấm rơm thu được lợi nhuận gần chục triệu đồng”. Cũng theo ông Quyển, mỗi năm, ông trồng 3 vụ nấm rơm, mỗi vụ phải mua thêm rơm của khoảng 5ha ruộng, với giá 40.000 đồng/công. Với 1ha ruộng, số lượng rơm có thể chất được 200m mô nấm; sau thời gian hơn 30 ngày, kể từ giai đoạn ủ rơm là có thể thu hoạch được 250 - 300kg nấm tươi”.

Tiếp lời của ông Quyển, bà Lê Thị Nương (vợ ông Quyển) chia  sẻ: “Mấy năm nay, nhờ trồng nấm rơm mà đời sống gia đình được cải thiện. Tất cả các chi phí sinh hoạt hàng ngày, tiền cho các con ăn học đều từ bán nấm rơm mà có. Chứ chỉ làm lúa không thì chắc không đủ chi tiêu”.

Còn ông Huỳnh Ngọc Sơn cũng ngụ tại ấp Trà Coi A cho biết: “Tôi trồng nấm rơm liên tục cũng được 6 năm rồi. Nghề này phụ thuộc vào lượng rơm, nếu có ít thì trồng ít, nhiều trồng nhiều. Nếu tính theo thời điểm này, nấm rơm được thương lái đến thu mua có giá trên 40.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí cũng còn lời được khoảng 6 triệu đồng/vụ”.

Có kinh nghiệm trồng nấm rơm lâu năm, ông Nguyễn Văn Hùng ở ấp Tân Mỹ, xã Mỹ Hương chia sẻ: “Nấm rơm có thể trồng được quanh năm, trồng ở đất ruộng, trong vườn cây, sân nhà… chọn địa điểm sao cho bằng phẳng, cao ráo không bị ngập úng là trồng được. Đối với nấm rơm, không cần dùng phân bón gì thêm, vì rơm rạ khi phân hủy đủ cung cấp dinh dưỡng cho cây nấm phát triển. Tuy nhiên, phải thường xuyên theo dõi nhiệt độ và ẩm độ, đây là khâu quan trọng nhất trong quá trình sản xuất”. Theo ông Hùng chia sẻ, để đảm bảo về năng suất và chất lượng, nên thu hái nấm khi nấm đang ở dạng hình trứng (trước khi nấm bung dù) là tốt nhất. Nếu như nấm mọc thành cụm dính vào nhau có thể tuyển chọn những cây nấm đủ tiêu chuẩn để hái, nếu khó tách tùy theo tỷ lệ nấm lớn nhỏ có thể hái cả cụm.

Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hương Nguyễn Văn Hài cho biết: “Mô hình trồng nấm rơm ở địa phương được người dân trồng tự phát từ nhiều năm nay và mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Hiện nay, mô hình được nhân rộng khắp trên địa bàn xã, tập trung nhiều nhất là ấp Trà Coi A và ấp Tân Mỹ. Cũng theo đồng chí Hài, để giúp cho bà con thuận lợi sản xuất, xã cũng đã hỗ trợ mua máy bơm nước. Ngoài ra, Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững Sóc Trăng (VnSAT-ST) vừa phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng tổ chức lớp tập huấn về kỹ thuật trồng nấm rơm cho 30 học viên ở ấp Tân Mỹ và đồng thời, thực hiện mô hình trình diễn tạo điều kiện cho học viên vừa học lý thuyết vừa thực hành.

Theo Ban Quản lý Dự án VnSAT-ST, dự án có kế hoạch hỗ trợ cơ sở hạ tầng và hàng hóa, thiết bị cho 5 tổ chức nông dân (TCND) về tận dụng phế phẩm từ lúa gạo, cụ thể như: hỗ trợ cơ sở hạ tầng, mỗi TCND 20.000 USD (trong đó, dự án hỗ trợ 80%, TCND đối ứng 20%); hỗ trợ hàng hóa và thiết bị, mỗi TCND là 10.000 USD (dự án hỗ trợ 30%, TCND đối ứng 70%). Riêng năm 2018, dự án sẽ tiến hành tập huấn 10 lớp kỹ thuật tận dụng phế phẩm từ lúa gạo và mở 10 mô hình trình diễn kỹ thuật.

Tuyết Xuân

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: