Tạo nguồn thức ăn cho gia súc từ chiếc máy ép bắp, cám

01/04/2017 13:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 01/04/2017 | 13:00

STO - Với ý định góp phần giải quyết đầu ra cho nguồn nguyên liệu bắp lai tại địa phương và thỏa mãn niềm đam mê với nghề cơ khí, anh Võ Thành Lư, ngụ ấp Chợ, thị trấn Cù Lao Dung (Cù Lao Dung) đã chế tạo ra chiếc máy ép bắp, cám thành thức ăn dạng viên cho gia súc.

Để tìm hiểu về chiếc máy ép đa năng này, chúng tôi vừa có chuyến đi thực tế để tận mắt chứng kiến. Đang loay hoay dọn dẹp mớ phụ tùng bày biện dưới nền ximăng trong nhà xưởng, anh Lư giới thiệu cho khách đến tham quan về chiếc máy ép được cả bắp và cám thành thức ăn dạng viên và bột đang trong giai đoạn hoàn chỉnh.

Chỉ tay về chiếc máy đang chạy để ép hạt bắp và cám, anh Lư rôm rả kể: “Chiếc máy này không chỉ nghiền nát hạt bắp thành dạng thức ăn bột mà còn ép bắp và cám thành dạng viên”.

Theo anh Lư, việc tạo ra nguồn thức ăn cho gia súc từ chiếc máy này cũng khá đơn giản. “Khi chuẩn bị đưa nguyên liệu vào máy để ép làm thức ăn cho gia súc, mình cân đối cám, bắp để trộn với cá, tép hoặc nước lã có liều lượng nhất định thì sẽ tạo ra lượng thức ăn dạng viên có độ dinh dưỡng cao cho gia súc”, anh Lư cho biết thêm.

Anh Lư bên sản phẩm sau khi ép từ chiếc máy mà mình chế tạo.

Nhìn chiếc máy khá đơn giản, nhưng việc chế tạo ra chiếc máy lại là cả quá trình. Trao đổi với chúng tôi, anh Võ Thành Lư tiếp lời: “Qua thời gian gián đoạn công việc từ nghề cơ khí trước đây, đến khi nhận thấy trên thị trường chỉ có máy ép cám mà chưa có máy ép và nghiền hạt bắp thành dạng viên, trong khi đó nguồn nguyên liệu bắp lai trên địa bàn huyện lại khá nhiều nhưng đầu ra cho loại nông sản này chưa ổn định. Tôi nghĩ tại sao mình không làm chiếc máy ép bắp để làm thức ăn cho trâu, bò, heo, dê…”.

Từ ý tưởng đó đến khi bắt tay thực hiện là nhiều công đoạn gian nan. Trong những lần trước, khi việc chế tạo thất bại, anh Lư đành đem mớ phụ tùng bán ve chai. Đến khi biết đến chương trình “Tài trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) sáng tạo” do Dự án Phát triển DNNVV phát động qua báo, đài, anh Lư đã đăng ký tham gia chương trình. Có thể xem đây là bước tiến góp phần giúp cho ý tưởng của anh Lư sớm thành hiện thực.

Thông tin thêm với chúng tôi, anh Lư nhớ lại: “Có được nguồn kinh phí tài trợ khoảng 49% từ Ban Quản lý Dự án phát triển DNNVV trong tổng kinh phí thực hiện chiếc máy trên 167 triệu đồng,  tôi tiến hành mua thêm máy tiện, máy cắt, máy khoan… để thực hiện sáng kiến “chế tạo máy ép bắp, cám thành viên”. Mặt khác, khi tham gia chương trình, tôi cũng thấy mình càng có thêm động lực để thúc đẩy hoàn chỉnh chiếc máy này”. Dùng tay xốc những viên thức ăn được chiếc máy nén ra, anh Lư bộc bạch: “Hiện nay, chiếc máy này đã ép được bắp và cám thành dạng viên. Tuy nhiên, vẫn mới hoàn chỉnh được 80% và hiện tôi vẫn đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành để kịp trưng bày và phục vụ bà con nông dân khi xưởng cơ khí được khai trương trong thời gian sớm nhất”.

Cũng theo anh Lư, khi trộn lẫn 100kg bắp và cám vào máy để ép trong 1 giờ đồng hồ, chiếc máy này có thể ép ra tương đương 100kg thức ăn dạng viên mà không hao hụt nguyên liệu. Với chiếc máy này, bà con nông dân có thể đem bắp đến xưởng để anh Lư ép gia công thành thức ăn cho gia súc. Không chỉ có những tiện lợi nêu trên, chi phí cho việc ép hạt bắp gia công mà anh Lư chia sẻ chỉ với 2.000 đồng/kg, riêng bà con nào không có sẵn nguyên liệu sẽ mua thức ăn thành phẩm với giá 8.000 đồng/kg, rẻ hơn từ 3.500 đồng đến 4.000 đồng/kg so với thức ăn hỗn hợp khác ngoài thị trường.

Nói về những dự định để đa dạng mặt hàng cơ khí tại nhà xưởng, ông chủ khoảng 40 tuổi xứ Cù Lao Dung này tâm tình: “Tôi dự định sẽ tiến hành  nghiên cứu, chế tạo thêm một số máy phục vụ sản xuất nông nghiệp, như: máy lên luống, máy xúc hộc mía... để giúp nông dân trồng mía giảm bớt nhân công trong lao động, góp phần hiện đại hóa ngành nông nghiệp ở nông thôn”.

Theo thông tin từ lãnh đạo Ban Quản lý Dự án Phát triển DNNVV tỉnh, thời gian qua, chương trình tài trợ DNNVV sáng tạo đã thu hút sự quan tâm đăng ký tham gia của nhiều doanh nghiệp và đã có nhiều sáng kiến được tài trợ từ dự án. Theo kế hoạch, thời gian tới, chương trình tài trợ DNNVV sáng tạo sẽ được Ban Quản lý Dự án Phát triển DNNVV tiếp tục triển khai để gia tăng hơn nữa cơ hội cho các doanh nghiệp có thể tiếp cận và hưởng lợi từ chương trình.

Bên cạnh đối tượng là các DNNVV trên địa bàn tỉnh như đã triển khai trong những năm qua, trong giai đoạn còn lại, Ban Quản lý dự án sẽ mở rộng đối tượng tham gia chương trình cho tất cả các doanh nghiệp bên ngoài địa bàn tỉnh nhưng có hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần tiêu thụ, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm có thế mạnh, đặc trưng của tỉnh, như: gạo, hành tím, thủy sản… hoặc là doanh nghiệp đầu tàu trong các lĩnh vực phổ biến của DNNVV tỉnh, như: cơ khí chế tạo, chế biến, tiểu thủ công nghiệp.

Thiện Hải

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: