Thu nhập cao từ mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao

30/07/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 30/07/2017 | 06:00

STO - Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao ở Châu Thành đang mang lại hiệu quả và mở ra hướng phát triển nông nghiệp mới cho nông dân trên địa bàn huyện. Không giống như các loại dưa hấu được trồng theo hình thức thả dây bò xuống đất, dưa lưới được chăm sóc cẩn thận bằng cách để chúng bò theo mối dây đã giăng sẵn, nên trái dưa lúc nào cũng “sạch tinh tươm”.

Đưa chúng tôi tham quan nhà màng trồng dưa lưới áp dụng công nghệ cao do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành đầu tư sản xuất, cán bộ phụ trách kỹ thuật thông tin: “Để trái dưa lưới phát triển đồng đều, ngoài việc chăm chỉ cắt tỉa dây leo còn phải thường xuyên theo dõi lượng nước cung cấp hàng ngày cho cây vừa đủ theo từng thời điểm phát triển. Vấn đề quan trọng nhất đối với cây dưa lưới là việc thụ phấn trong giai đoạn ra hoa kết trái do trong nhà màng không có các loài ong bướm thụ phấn nên cần phải linh hoạt bằng cách thả một số con ong vào làm nhiệm vụ thụ phấn và thường xuyên theo dõi từng cây dưa xem chúng đã thụ phấn đồng đều hay chưa, để kịp thời can thiệp đảm bảo mỗi dây dưa đều có một trái”.

Dưa lưới được trồng trong nhà màng cho trái đạt chuẩn. 

Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành Nguyễn Văn Hận cho biết: “Nhằm phát triển thêm loại cây trồng mới, có giá trị kinh tế cao để triển khai đến người dân cũng như học hỏi công nghệ mới áp dụng vào sản xuất, đơn vị đã đi thực tế nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả kinh tế cao và tâm đắc với cây dưa lưới được trồng tại Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng cao của TP. Hồ Chí Minh.  Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã liên hệ trực tiếp với nơi trồng dưa lưới đề nghị họ hỗ trợ chuyển giao công nghệ và hướng dẫn kỹ thuật trong vụ mùa đầu tiên đưa dưa lưới về trồng tại Châu Thành”.

Cũng theo đồng chí Hận, dưa không trồng trực tiếp xuống đất, toàn bộ được trồng trong chậu với thành phần chính là mạt cưa trộn xơ dừa và thêm một ít phân chuồng, phân vô cơ nhằm tạo độ dinh dưỡng nuôi cây. Đồng thời, phải làm nhà màng, áp dụng các công nghệ tiên tiến, như: hệ thống tưới nước tự động, tưới nhỏ giọt và dưa lưới luôn cần nước lúc mới đâm tược lên tầm gang tay là phải tưới 20 lần nước/ngày bằng hình thức nhỏ giọt từ từ trực tiếp vào gốc, tới giai đoạn 25 ngày tuổi cây cần 3 lít nước/ngày. Khó nhất là giai đoạn tạo lưới cho trái, do lúc nhỏ trái trơn bóng như dưa hấu bình thường, khoảng 20 ngày bắt đầu lớp vỏ lên lưới cần canh thời điểm điều chỉnh ánh sáng vừa phải, tránh bị gập và cân đối lượng nước nhằm giúp lưới bao bọc quanh trái đẹp hơn. 

Thời gian thu hoạch dưa lưới là khá ngắn, chỉ hơn 30 ngày xuống giống là đã bắt đầu thu hoạch trái, với trọng lượng trái bình quân từ 1,2kg - 1,5kg. Đồng chí Hận cho biết thêm: “Toàn bộ diện tích làm nhà màng trồng dưa lưới 1.000m2, trong vụ đầu tiên do chưa có kinh nghiệm nên năng suất dưa chưa đạt theo yêu cầu, trọng lượng trái lớn nhỏ không đồng đều, thu hoạch đợt 1 được 2,5 tấn, giá bán 40.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí, lợi nhuận thu về hơn 50%. Tích lũy kiến thức qua vụ đầu canh tác, đơn vị tiếp tục xuống giống vụ 2 và đã tiến hành điều chỉnh lại lượng phân bón cung cấp cho cây và cải tiến thêm một số quy trình kỹ thuật trong suốt thời gian chăm sóc, nên trọng lượng trái đạt từ 1,4kg - 1,5kg, sản lượng tăng gần gấp đôi so đợt đầu.

Hiện tại, dưa đang giai đoạn thu hoạch, toàn bộ dưa được các doanh nghiệp thu mua đưa vào các siêu thị lớn tại TP. Hồ Chí Minh, giá bán bình quân 50.000 đồng/kg”. Thông qua mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng áp dụng công nghệ cao đã mở ra cơ hội cho bà con nông dân không chỉ trên địa bàn huyện mà có thể phát triển trên toàn tỉnh. Xét về lợi nhuận thì đây là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ rộng, không lo đầu ra nhưng chi phí đầu tư nhiều, bởi ứng dụng công nghệ cao nên cần phải thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật mới thu lại thành quả như mong đợi ban đầu.

Sản phẩm dưa lưới do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành thực hiện được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Sóc Trăng cấp xác nhận “Sản phẩm an toàn được xác nhận” đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Qua đó, nếu người dân muốn thực hiện mô hình trồng dưa lưới, đến trực tiếp Phòng Nông nghiệp huyện Châu Thành học hỏi kinh nghiệm.

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: