Triển vọng từ mô hình sản xuất lúa an toàn

22/03/2017 10:16 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 22/03/2017 | 10:16

STO - Châu Thành đang quyết tâm thực hiện thành công hơn nữa mô hình “Sản xuất lúa an toàn sinh học” và dự định tương lai sẽ mở rộng diện tích, nhằm đáp ứng nhu cầu của đơn vị bao tiêu sản phẩm, cùng với đó là mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân vì làm lúa theo hướng sinh học sẽ giảm được chi phí đầu tư nhưng năng suất lúa vẫn cao hơn bên ngoài.

Là nông dân lần đầu canh tác lúa theo hướng an toàn sinh học, ông Huỳnh Văn Vũ - Tổ trưởng Tổ hợp tác nông nghiệp ấp Đắc Thắng, xã Hồ Đắc Kiện (Châu Thành) bộc bạch: “Được ngành Nông nghiệp huyện chọn làm điểm triển khai mô hình sản xuất lúa an toàn sinh học, lúc đầu bản thân tôi và các thành viên trong tổ hợp tác cũng khá lo lắng vì trước giờ, bà con mình làm lúa theo cách truyền thống và những năm sau này có áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào đồng ruộng, cùng với đó là hệ thống kênh mương thủy lợi được hoàn chỉnh nên năng suất lúa tăng vượt bậc và khi thành lập tổ hợp tác này thì việc bán lúa không còn phải lo, do được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ lúa sau thu hoạch”.

Đồng ruộng sản xuất lúa an toàn đạt năng suất cao.

Cũng theo thông tin từ ông Huỳnh Văn Vũ, với những thuận lợi về khâu thủy lợi và sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước trong khâu tiêu thụ lúa, nên các thành viên trong Tổ hợp tác nông nghiệp ấp Đắc Thắng đều hạch toán được lợi nhuận sau mỗi vụ làm lúa. Trong vụ Xuân - Hè 2016 - 2017, tổ viên được nhận giống lúa mới mang tên “Jasmine 85” và được triển khai làm lúa theo hướng sinh học, bà con tổ viên chưa bao giờ nghe tới loại giống này, huống chi còn phải làm lúa theo kiểu sinh học nên nhận giống rồi ai cũng lo lắng không biết mình có trồng lúa đạt năng suất như đơn vị cung ứng lúa đề ra hay không.

Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Văn Vũ - Tổ trưởng Tổ hợp tác nông nghiệp ấp Đắc Thắng hồ hởi: “Rất vui là trong suốt quá trình canh tác lúa, ngành chuyên môn của huyện và đơn vị bao tiêu lúa luôn đồng hành cùng bà con tổ viên và làm lúa an toàn thật sự rất dễ, ít tốn công chăm sóc, chi phí đầu tư, phần lớn dùng các chế phẩm sinh học nên không sợ ảnh hưởng sức khỏe. Hiện nay, lúa đang giai đoạn thu hoạch, ước năng suất đạt 7,5 tấn/ha và giá bao tiêu 5.900 đồng/kg, trừ chi phí bỏ túi mỗi công 5 triệu đồng”.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Quách Phước Châu nhận định: “Việc làm lúa theo hướng an toàn sinh học đã mở ra cơ hội cho bà con nông dân không chỉ ở huyện Châu Thành mà còn có thể nhân rộng ở nhiều địa phương khác trên địa bàn toàn tỉnh và đây được xem là mô hình chuỗi liên kết giá trị hàng hóa để nâng cao chuỗi xuất khẩu, bảo vệ môi trường, sản xuất bền vững, có sự liên kết với doanh nghiệp”.

Ông Nguyễn Hoàng Cung - đại diện Hợp tác xã nông sản xanh Cần Thơ (đơn vị bao tiêu lúa trong mô hình) cho biết: “Với cam kết là đơn vị cung ứng gạo sạch cho các doanh nghiệp lớn xuất khẩu đi thị trường khó tính như châu Âu và đây là thị trường có tiềm năng rất lớn cho gạo Việt Nam. Chính vì vậy, chúng tôi đã dày công tạo lập uy tín với các doanh nghiệp về chất lượng gạo. Do đó, đơn vị phải đi rất nhiều tỉnh để xây dựng nguồn nguyên liệu và dự kiến ban đầu đơn vị triển khai tại huyện Châu Thành 100ha. Để tạo lòng tin với nông dân bằng những cam kết mà đơn vị đưa đến họ, chúng tôi quyết định thử nghiệm 26ha và sau khi thu mua lúa về qua kiểm tra hạt gạo xem nông dân mình có thực hiện đúng các bước kỹ thuật mà đơn vị cung ứng đã triển khai trong suốt quá trình canh tác chưa và chúng tôi hy vọng rằng tất cả mẫu gạo sản xuất tại mô hình đều đạt chuẩn theo yêu cầu xuất khẩu”.

Cũng theo thông tin từ ông Cung, ngoài hợp đồng ký kết giá thu mua, Hợp tác xã nông sản xanh Cần Thơ còn có cơ chế chính sách ưu đãi lớn bằng tiền, dành cho người dân sản xuất gạo đạt chất lượng tốt, ngược lại nếu sản xuất kém sẽ bị loại trừ khỏi hợp đồng. Chính vì vậy, đơn vị bao tiêu mong muốn mô hình sản xuất lúa an toàn tại huyện Châu Thành sẽ thành công để có thêm vùng nguyên liệu, vì tổng diện tích hình thành vùng 20.000ha và được phân chia tại các tỉnh trên cả nước. Nếu làm tốt, Hợp tác xã nông sản xanh Cần Thơ sẽ giao chỉ tiêu cho Sóc Trăng 5.000ha.

Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Ngô Thanh Toàn nhận định: “Mô hình sản xuất an toàn với giống lúa Jasmine 85 trong vụ Xuân - Hè tại Tổ hợp tác ấp Đắc Thắng bước đầu khá thành công và lãnh đạo huyện tâm đắc với việc sản xuất ra hạt gạo theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm và đây cũng góp phần lớn trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện đang hướng đến là sản xuất xanh, sạch. Việc ký kết hợp đồng sản xuất lúa an toàn trong vòng 3 năm cùng Hợp tác xã nông sản xanh mở ra cơ hội lớn cho huyện Châu Thành hướng người dân chuyển đổi dần việc sản xuất theo hướng sinh học. Dự kiến, vụ Hè - Thu sẽ mở rộng diện tích làm lúa an toàn lên 1.000ha trên địa bàn tất cả các xã, thị trấn và tập trung nhiều tại 2 xã điểm Phú Tân và Phú Tâm”.

Việc canh tác lúa theo hướng an toàn sinh học góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng và hướng đến việc nâng cao chất lượng, giá trị, an toàn, bền vững và đặc biệt là xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, chất lượng, an toàn sinh học là vấn đề cấp thiết mang tính lâu dài để cải thiện chất lượng lúa gạo của Việt Nam nói chung và của huyện Châu Thành nói riêng.

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: