Xây dựng chính phủ điện tử để phù hợp với xu hướng hội nhập

18/07/2018 14:57 GMT +7
  • Nguồn: Báo điện tử VOV
  • Thứ Tư, 18/07/2018 | 14:57

Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn cấp cao công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam 2018 (Vietnam ICT Summit 2018).

Sáng nay 18-7, tại Hà Nội diễn ra Diễn đàn cấp cao công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam 2018 (Vietnam ICT Summit 2018) với Chủ đề: Hướng tới Chính phủ số và Kinh tế số do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam, Ban nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân – Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính chủ trì thực hiện.

Tham dự diễn đàn có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cùng đại diện các nước, cơ quan nhà nước, địa phương và các đơn vị CNTT đầu ngành trên toàn quốc.

Thủ tướng phát biểu tại Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng khẳng định, việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số tạo ra phương thức mới trong trong hoạt động quản trị quốc gia của Chính phủ là cách tốt nhất để thúc đẩy tăng trưởng GDP cao hơn thông qua việc tạo thuận lợi và bình đẳng hơn cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận cơ hội phát triển.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cần đồng tâm hiệp lực để hành động thành công. Trước hết phải xây Chính phủ điện tử tiến tới Chính phủ số ở Việt Nam để phù hợp với xu hướng hội nhập và góp phần nâng cao chất lượng điều hành của Chính phủ cũng như năng suất lao động của Việt Nam.

Trên thế giới đang chuyển từ kỉ nguyên của điện tử hóa, tự động hóa, tin học hóa sang kỉ nguyên của số hóa, thông minh hóa và trí tuệ nhân tạo, những thành tựu khoa học công nghệ tạo nên kỉ nguyên mới, tác động sâu sắc đến mọi khía cạnh của sản xuất kinh doanh. Từ sản phẩm xu hướng thị trường và tiêu dùng, kĩ năng mô hình kinh doanh, cách thức quản trị cho đến sự vận hành của các chuỗi giá trị toàn cầu và cả trong sự tương tác giữa thị trường và nhà nước.

Cho rằng, hiện đã xuất hiện những mô hình kinh doanh hoàn toàn khác biệt so với truyền thống, Thủ tướng lấy ví dụ: có hãng truyền thông toàn cầu, nhưng không sở hữu quyền tác giả của một tin tức nào; hãng taxi toàn cầu, nhưng không sở hữu chiếc xe nào; khách sạn toàn cầu, nhưng lại không sở hữu một phòng khách sạn nào… những mô hình này đã và đang góp phần định hình nên một thời đại kinh tế mới, thời đại kinh tế số.

Chính vì vậy, diễn đàn cần thảo luận để tạo ra nhận thức chung sâu sắc hơn về các đặc trưng cơ bản của kinh tế số như những đặc trưng sự chia sẻ về giá trị gia tăng trên nền tảng ứng dụng công nghệ số.

Những đặc tính của sản phẩm như cấu trúc giá trị, qui mô và tính cá biệt, truy xuất nguồn gốc, phương thức phân phối và thị trường… để từ đó lựa chọn hướng đi phù hợp, phát huy các lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong phát triển kinh tế số.

Thủ tướng cũng cho rằng, việc hành động đầu tiên chính là thảo luận đầy đủ nhất những khái niệm, vấn đề mới của thế giới hiện nay về kinh tế số, chính phủ điện tử, chính phủ số. Những khái niệm này, ngay các cấp chính quyền cũng chưa thấu hiểu đầy đủ.

Năm 2000, Chính phủ đã bắt tay xây dựng nền Chính phủ điện tử gắn với quá trình đổi mới thể chế và cải cách hành chính và đã có những kết quả nhất định. Nhưng Thủ tướng nhận xét, tốc độ thực hiện rất chậm, kết quả còn rất hạn chế.

Chính vì vậy, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam cần có trách nhiệm nghiên cứu các kinh nghiệm của các nước trên thế giới cũng như thực tiễn xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam để chứng minh việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số tạo ra phương thức mới trong trong hoạt động quản trị quốc gia của Chính phủ là cách tốt nhất để thúc đẩy tăng trưởng GDP cao hơn thông qua việc tạo thuận lợi và bình đẳng hơn cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận cơ hội phát triển.

Đây cũng là phương thức hữu hiệu nhất giúp tăng cường sự công khai minh bạch, phòng ngừa hạn chế tham nhũng lãng phí trong hoạt động của chính quyền các cấp và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia vào các hoạt động nhà nước.

Thủ tướng nhấn mạnh, không thể chậm trễ hơn, ngay từ bây giờ Việt Nam cần rút ngắn khoảng cách, ứng dụng nhanh và hành động sớm theo tinh thần hiệu quả hơn.  

Có nhiều ý kiến cho rằng, cần xây dựng nền kinh tế - xã hội Việt Nam xoay quanh ba trụ cột chính đó là hạ tầng và dịch vụ số bao gồm hạ tầng cứng và hệ thống viễn thông làm nền tảng tạo ra hạ tầng mềm là dịch vụ số giúp tối ưu các hoạt động của nền kinh tế.

Tiếp theo là tài nguyên số, bao gồm hệ sinh thái dữ liệu và tri thức mở có ích cho việc dự toán, dự án, kịp thời ra quyết định mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cuối cùng là chính sách chuyển đổi số bao gồm các dịch vụ chính sách chuyển đổi từ Chính phủ điện tử sang Chính phủ số, chính sách đào tạo nhân lực số chất lượng cao, chính sách đầu tư kinh doanh số, chính sách an toàn thông tin, chủ quyền số và sở hữu trí tuệ.

Thủ tướng khẳng định, những vấn đề này cần phải thể chế hóa tạo nên hành lang pháp lý quan trọng để thực hiện chủ trương chính phủ số, chính phủ điện tử.

Theo Thủ tướng, việc xây dựng chính phủ điện tử phải gắn liền trách nhiệm người đứng đầu, đẩy mạnh CNTT trong cải cách hành chính, bảo đảm thực thi hiệu quả.

Thủ tướng và các đại biểu dự Diễn đàn. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Do vậy, Việt Nam đang thiết lập Ủy ban quốc gia về chính phủ điện tử do Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch trực tiếp chỉ đạo các thành viên khác của Ủy ban là phó Thủ tướng, các Bộ trưởng bộ liên quan, đồng thời có sự tham gia của khu vực tư nhân để phát huy hiệu quả hợp tác công tư trong triển khai nhiệm vụ này.

Với quyết tâm chính trị, thống nhất quan điểm “Hành động nhanh, kết quả lớn, đánh đâu chắc đấy. Nghĩ lớn, nghĩ tổng thể, những phải bắt đầu từ việc nhỏ nhất, nhưng hiệu quả lớn” Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Văn phòng Chính phủ chủ trì soạn thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện chính phủ điện tử giai đoạn 2018-2020.

Trong giai đoạn tới đây, Thủ tướng Chính phủ đề nghị, các bộ ngành tiếp tục nâng cao thể chế pháp luật nền tảng cho chính phủ điện tử.

"Tiêu biểu cho việc thành công là nhân tố con người, Chuẩn nguồn nhân lực 4.0 cả ở diện rộng và có kỹ năng cao là đòi hỏi cấp thiết trước mắt và lâu dài. Không chỉ quan tâm đến đào tạo giáo dục mà còn quan tâm đến môi trường sống, làm việc, thu nhập, bảo hiểm… cách thức đánh giá năng lực và triển vọng phát triển cho người lao động nhất là người tài. Muốn làm cách mạng thành công, trước hết phải xây dựng được lực lượng cách mạng. Nguồn nhân lực thông minh cộng với sự sáng tạo là đầu tầu cho sự phát triển kinh tế trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đề cập đến việc phát triển công nghệ, tập trung triển khai các giải pháp nền tảng công nghệ Chính phủ điện tử phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; dồn sức và đa dạng hóa các nguồn lực để phát triển Chính phủ điện tử, phát huy vai trò của doanh nghiệp, chú trọng nâng cao đội ngũ chuyên gia; nâng cao hiệu quả truyền thông về nhận thức và sự đồng thuận của người dân về chính phủ điện tử.

Mang đến Diễn đàn những kinh nghiệm của nước mình, ông Hannes Aston, đến từ Estonia đã chia sẻ, quốc gia nhỏ bé của ông đã bắt đầu từ con số không từ năm 1991 với ý tưởng cần phải có sự khác biệt trong công tác quản trị.

Kết quả, năm 2018,  Estonia đã trở thành một trong những nước hàng đầu trong số hóa, đứng thứ 2 trong Liên minh EU về chất lượng dịch vụ công.

Estonia đã dành từ 1% - 1,4% ngân sách hàng năm cho xây dựng chính phủ điện tử, giúp thu về thêm 2% GDP mỗi năm, 99% dịch vụ công của Estonia được cung cấp trực tuyến, biến mọi công dân thành công dân điện tử, mọi doanh nghiệp thành doanh nghiệp điện tử điện tử.

"Lợi ích của số hóa Chính phủ là niềm tin mạnh mẽ của người dân với Chính phủ, tạo thuận lợi cho công đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, Chính phủ số sẽ giảm tham nhũng, tăng chỉ số minh bạch vì có thể tham chiếu, so sánh trên hệ thống mạng. Một cuộc sống số cho tất cả công dân của Estonia rất rõ ràng. Đó chính là sự thay đổi thế hệ mới của Estonia. Nhiều người dân, họ không cần phải đi ra khỏi nhà mà làm việc từ xa để thực hiện trên mạng. Vì thế mà họ không gặp cảnh bị tắc nghẽn giao thông" - ông Hannes Aston cho biết. 

Đây lần thứ 8 Diễn đàn cấp cao công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam 2018 được tổ chức. Diễn đàn lần này có 3 chuyên đề chính như xây dựng chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số bằng cách xây dựng nền tảng chính phủ phi giấy tờ, chuyển đổi các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực thuế, hải quan, đăng ký kinh doanh, giấy phép chuyên ngành, hóa đơn điện tử.

Chuyên đề về kinh tế số trong lĩnh vực môi trường kinh doanh số, lựa chọn ưu tiên phát triển các ngành kinh tế số, các nền tảng mô thức kinh doanh mới và khởi nghiệp sáng tạo.

Chuyên đề về Hạ tầng số. Những nội dung này do các chuyên gia kinh tế, chuyên gia trong lĩnh vực CNTT, các bộ ngành thảo luận.

Lê Tuyết/VOV.VN

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: