GÓC NHÌN KINH TẾ

ATIGA và bài toán cạnh tranh cho ngành mía đường

03/12/2017 17:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 03/12/2017 | 17:00

STO - Câu chuyện tồn kho đường ngay lúc mới vào vụ sản xuất vốn đã không còn là chuyện lạ đối với ngành mía đường cả nước, nhưng chuyện thuế suất đường nhập khẩu sẽ về 0% vào năm 2018 đã và đang là thách thức, là nỗi lo của ngành mía đường cả nước.

Theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), đến năm 2018, đối với thị trường Việt Nam sẽ có 97% dòng thuế về 0% và chỉ có 3% dòng thuế được loại trừ khỏi cam kết về xóa bỏ thuế quan. Khi đó, nếu đường không phải là mặt hàng phải chịu thuế nhập khẩu trong khu vực (tức thuế suất 0%), đường sản xuất trong nước sẽ rất khó để cạnh tranh với đường nhập khẩu từ Thái Lan và thậm chí là cả Philippines nữa. Một khi điều này xảy ra, hàng chục nhà máy đường công suất nhỏ sẽ phải chấp nhận phương án M&A (mua bán, sáp nhập) nếu không muốn phải đóng cửa.

Nếu chính sách thuế và lộ trình theo ATIGA được thực hiện từ đầu năm 2018, cả người trồng mía lẫn nhà máy đường sẽ gặp khó trong cạnh tranh với đường nhập khẩu.

Trở lại với vấn đề ATIGA để thấy rằng, ngay từ khi hiệp định này có hiệu lực, ngành mía đường đã được cảnh báo là sẽ gặp khó. Tuy nhiên, từ đó đến nay, việc tái cơ cấu ngành mía đường vẫn chưa đủ sức để cạnh tranh một cách sòng phẳng với đường nhập khẩu từ các nước trong khu vực khi thuế suất nhập khẩu đường về 0%. Điều đó được thể hiện rõ qua việc đường nhập lậu vẫn đều đều tràn vào và đường tồn kho của các doanh nghiệp mía đường trong nước ngay cả khi vụ mới sắp bắt đầu vẫn còn ở mức cao.

Có thể nói, từ năm 2018 trở đi sẽ là thời điểm hết sức khó khăn của ngành mía đường trong nước và nếu như việc cải tổ ngành mía đường không nhanh, mạnh thì nguy cơ hơn phân nửa số nhà máy hiện có sẽ phải đóng cửa hoặc được mua bán, sáp nhập. Do đó, để có thể tồn tại và có lợi thế cạnh tranh trên sân nhà, dù muốn hay không, việc tái cấu trúc lại ngành mía đường cũng phải thực hiện. Mới đây, một nhà máy đường đã được Vinamilk mua lại càng minh chứng rằng, khả năng mua bán, sáp nhập những nhà máy đường quy mô nhỏ thời gian tới là hoàn toàn có thể xảy ra.

Để rộng thời gian cho việc tái cơ cấu, gần đây, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đã có động thái mang tính tình thế là vận động hành lang để đưa mặt hàng đường vào danh mục hàng hóa nhập khẩu thuộc phần 3% dòng thuế không bị xóa bỏ, nhằm bảo hộ các nhà máy đường để áp thuế suất 5% thay vì 0%. Kết quả các cuộc vận động trên đến nay vẫn chưa rõ ràng trong khi thời gian ATIGA có hiệu lực với ngành mía đường chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa.

Sóc Trăng cũng là một trong những tỉnh có vùng nguyên liệu mía đường lớn, với diện tích sản xuất hàng năm từ 7.000 đến 10.000 hécta.

Thời gian qua, chỉ riêng lượng đường nhập lậu từ Thái Lan vào Việt Nam qua khu vực biên giới Tây Nam cũng đã làm cho việc tiêu thụ đường sản xuất trong nước gặp khó. Nếu thời gian tới, thuế nhập khẩu đường vào Việt Nam về mức 0%, thậm chí là 5% như đề xuất kéo dài của Hiệp hội Mía đường Việt Nam nhưng với việc hạn ngạch bị gỡ bỏ, chắc chắn nhiều nhà máy đường trong nước sẽ phải đóng cửa vì không thể cạnh tranh với giá thành của đường Thái Lan. 

Theo VSSA, cả nước hiện có 40 nhà máy đường, với tổng công suất thiết kế khoảng 150.000 tấn mía/ngày, sản lượng trên 1 triệu tấn đường/năm; trong đó, có 22 nhà máy chỉ có công suất dưới 3.000 tấn và đây cũng là nỗi lo lớn nhất đối với ngành đường một khi tình huống xấu nhất xảy ra (thuế suất nhập khẩu đường từ ASEAN sẽ về 0% vào đầu năm 2018) sẽ có hàng triệu lao động trong ngành đường (nông dân và công nhân) bị ảnh hưởng.

Sóc Trăng cũng là một trong những tỉnh có vùng nguyên liệu mía đường lớn, với diện tích sản xuất hàng năm từ 7.000 đến 10.000 hécta, cùng một nhà máy sản xuất, công suất ép chỉ khoảng 2.500 tấn mía cây/ngày, nên chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng lớn từ ATIGA. Nếu chính sách thuế và hạn ngạch theo lộ trình của ATIGA được áp dụng ngay từ đầu năm 2018, chắc chắn giá thu mua mía từ các nhà máy đường buộc phải giảm xuống để có thể cạnh tranh với đường nhập khẩu, nên đối tượng thiệt thòi trước hết không ai khác chính là người trồng mía.

Một khi nông dân không đạt được mức lợi nhuận, họ chuyển sang cây trồng, vật nuôi khác có giá trị kinh tế cao hơn, kéo theo hệ lụy là các nhà máy đường không có nguyên liệu hoạt động buộc phải đóng cửa, sáp nhập hay bán. Đây là điều Nhà nước, người trồng mía và các doanh nghiệp mía đường đều không mong muốn, nhưng nhiều khả năng sẽ xảy ra, nhất là những nhà máy có công suất ép dưới 3.000 tấn mía/ngày như của Sóc Trăng.

Làm gì để doanh nghiệp và nông dân trồng mía có thể tồn tại và phát triển được với nghề đang là vấn đề cấp bách, nhưng xem ra vẫn rất khó để tháo gỡ khi thời gian còn lại là quá ngắn. Cũng có ý kiến cho rằng, nếu giá đường nhập khẩu quá rẻ, chúng ta cũng không nhất thiết phải sản xuất mía đường mà chuyển sang cây trồng, vật nuôi khác có giá trị và thị trường tiêu thụ cao hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh vẫn còn hàng loạt mặt hàng nông, thủy sản bấp bênh trong tiêu thụ, đề xuất trên tuy có phần hợp lý nhưng vẫn chưa phải giải pháp mang tính khả thi.

Tích Chu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: