Bất cập trong “liên kết” giữa HTX Nông nghiệp Evergrowth và bà con xã viên - Kỳ 2

05/05/2018 05:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 05/05/2018 | 05:00

Những trăn trở và kiến nghị của địa phương

STO - Trong bài viết kỳ đầu tiên, Báo Sóc Trăng đã đề cập đến vấn đề người chăn nuôi bò sữa phản ánh tình trạng HTX Nông nghiệp Evergrowth buộc thành viên phải mua cám do chính HTX sản xuất và việc chia lợi nhuận theo từng năm cho thành viên HTX chưa minh bạch nên thành viên bức xúc. Bài viết này sẽ đề cập những trăn trở của địa phương - nơi có số lượng bò sữa đã và đang phát triển.

Hộ chăn nuôi buồn rầu vì cuối năm lợi nhuận chia của HTX quá thấp.

Ngao ngán cảnh mua thức ăn

Mặc dù tỉnh đang triển khai các dự án hỗ trợ phát triển đàn bò sữa, nhưng chính “quy định” của HTX Nông nghiệp Evergrowth về việc giá thu mua sữa thấp, cũng như việc yêu cầu mua thức ăn (cám) do HTX sản xuất làm cho nhiều thành viên ngao ngán.

Mang tâm trạng buồn phiền, lo lắng trước thực trạng này, ông Chiêm L - Tổ trưởng Tổ hợp tác ấp Bắc Dần, xã Phú Mỹ (Mỹ Tú) bộc bạch: “Trước đây, tổ hợp tác do tôi quản lý có đến 41 thành viên tham gia. Tất cả mọi người đều rất vui vẻ, hào hứng gắn bó cùng con bò sữa. Tuy nhiên kể từ ngày giá sữa dần xuống thấp, nhiều người lâm vào cảnh quá khó khăn vì thu nhập chẳng đáng là bao, thêm vào đó là bị buộc mua cám của HTX để cho bò ăn nên sản lượng sữa sụt giảm. Khó chồng thêm khó, nào là giá sữa thấp, nào là sữa bò tươi vắt không được nhiều nên nhiều thành viên đã bán bò đi Bình Dương làm thuê. Đơn cử như hộ Lý Na Đ, Triệu Thị Kim N, Nhu Thị Na N…, phần thì đã bán bò nhưng vẫn ở tại địa phương đi làm thuê kiếm sống”.

Cũng theo thông tin từ ông L, hiện tổ hợp tác còn lại 34 thành viên, với hơn 100 con bò, trong đó số bò cho sữa tầm 30 con, giảm hơn 50% số bò so những ngày mới đi vào hoạt động. Ông L than vãn: “Nhiều lần họp, thành viên cũng đã phản ánh tình trạng bò ăn cám bị giảm sản lượng sữa và cám bò ăn khó nuốt thì HTX thông tin sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Thật tình mà nói, chúng tôi là người nuôi con vật trực tiếp nên hiểu rõ từng cử động của bò. Bò là nguồn thu nhập chính nên mình phải chăm sóc cẩn thận, bò phát triển tốt mới lấy được nhiều sữa. Thực tế rõ ràng là bò ăn cám do chính HTX sản xuất sữa bị sụt giảm nghiêm trọng. Thành viên kiến nghị HTX áp dụng phương pháp sản xuất cám thành dạng viên nhưng HTX cho rằng công nghệ đó khá đắt tiền nên không thể triển khai; thậm chí thức ăn theo từng đợt có mùi khác nhau đều được HTX Nông nghiệp Evergrowth giải thích trôi qua”.

Đang vệ sinh chuồng trại, ông L buồn rầu cho biết thêm: “Để phát triển sản xuất thì nông dân chúng tôi ai nấy cũng đều vay tiền ngân hàng, giống như ăn trước trả sau nên áp lực nợ nần lớn. Nếu giá sữa không có chuyển biến thì chắc chắn sẽ còn nhiều hộ dân bán bò để đi tìm kiếm kế sinh nhai khác, chứ làm sao cầm cự nổi khi giá sữa đã thấp, thức ăn cung ứng làm bò giảm sữa. Thêm vào đó, lợi nhuận do HTX chia chậm. Chẳng hạn năm 2015, tôi nhận số tiền chưa được 1 triệu đồng mà sản lượng sữa bò tươi của tôi bán tại HTX Nông nghiệp Evergrowth trên 10 tấn/năm. Đấy có phải quá thiệt thòi, trong khi HTX Nông nghiệp Evergrowth giữ lại tiền của thành viên bán sữa bình quân 2.400 đồng/kg sữa. Khi bà con thắc mắc thì HTX nói “vấn đề giữ tiền do Nhà nước quy định”. Tôi không hiểu lắm việc HTX nói thế có đúng luật hay chưa?”.

Nghe tổ trưởng Chiêm L bộc bạch về việc chia lợi nhuận không đáng bao nhiêu, anh Lý Phước Th xen vào bằng giọng bực tức: “Người dân tụi tôi quanh năm làm lụng, chữ nghĩa không biết nhiều, chỉ nghe đến cuối năm chia tiền lợi nhuận đã rất vui mừng. Nhưng lúc cầm tiền trên tay hầu hết đều buồn lòng, chả dám nói, dù biết số tiền HTX giữ lại “kha khá” nếu cộng dồn cả năm. Không ngờ thời gian cả năm ròng rã mà số tiền thực lĩnh chả được bao. Tôi băn khoăn là vì sao HTX Nông nghiệp Evergrowth không tiếp tục ký kết mua thức ăn thành viên do các đơn vị sản xuất bán, vì họ vẫn hưởng được phần trăm mà lại xây dựng nhà máy trực tiếp sản xuất. Ép thành viên phải sử dụng cám do chính HTX làm, liệu có phù hợp trong xu thế thị trường cạnh tranh, trong khi các đơn vị khác sản xuất bán ra thị trường để kiếm lợi nhuận, HTX chỉ sản xuất bán trong thành viên, vả lại, loại cám đó bò ăn còn giảm sản lượng sữa. Thành viên mua sản phẩm bên ngoài không được, vì nếu HTX Nông nghiệp Evergrowth phát hiện sẽ không mua sữa nửa tháng, thậm chí dọa cắt hợp đồng là quá vô lý”.

Gỡ khó cho hộ nuôi bò sữa

Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Ngô Thanh Toàn thông tin: “Đàn bò sữa trên địa bàn huyện hơn 300 con, trong đó có hơn 200 con đang giai đoạn cho sữa. Cũng như các địa phương khác, nông dân nuôi bò sữa ở huyện vẫn bán cho HTX Nông nghiệp Evergrowth và bà con gặp rất nhiều khó khăn về giá sữa HTX thu mua hiện tại. Việc hộ dân mua cám của HTX để bò ăn có nghe hộ phản ánh nhiều lần. Theo tôi thấy, bò ăn cám quả đúng rất khó, buộc lòng người nuôi phải thêm nước vào sẽ làm giảm hàm lượng dưỡng chất bổ sung cần thiết cho bò. Tôi nghĩ, với lợi thế là đơn vị đầu tàu của người nông dân thì HTX Nông nghiệp Evergrowth có thể ký kết hợp đồng mua thức ăn chăn nuôi của các doanh nghiệp, cung cấp đến thành viên chăn nuôi, thu về lợi nhuận thông qua chiết khấu nhưng HTX trực tiếp sản xuất vừa làm tăng áp lực cho HTX vừa bán sản phẩm đến thành viên họ không hài lòng. Đồng thời, giá sữa HTX Nông nghiệp Evergrowth mua của thành viên ở mức khá thấp. Do đó, địa phương mong muốn có thêm đơn vị thu mua mới để tạo tính cạnh tranh, góp phần tăng giá sữa, giúp người nuôi bò sữa tăng thu nhập. Có như vậy mới phát triển đàn bò nhanh và theo hướng bền vững, còn tình hình trước mắt người dân nuôi bò không mặn mà tăng đàn”.

Ông Chiêm L cho biết thêm: “Hiện tại bản thân tôi và nhiều thành viên vô cùng lo lắng, bởi nhà máy cám cung ứng thức ăn làm bò giảm lượng sữa mà HTX lại tiếp tục đầu tư nhà máy sữa, không biết khi ra thị trường cạnh tranh như thế nào với các đơn vị sản xuất có tiếng nhiều năm. Vấn đề này, ảnh hưởng lớn đến bà con nông dân trực tiếp cung ứng sữa và dân đã chán ngán việc HTX “ép” mua cám và chia lợi nhuận không đáng kể. Thêm vào đó là việc trừ tiền khá nặng lúc sữa nhiễm vi sinh 1 ngày, sụt giảm tiền thu mua sữa trong 2 tuần liền từ 10.200 đồng còn 7.000 đồng/kg. Đồng thời, ngán ngẫm không được thông tin cụ thể, rõ ràng việc chia lợi nhuận/năm của HTX, số tiền chia theo lợi nhuận, các dự án được đầu tư HTX sử dụng như thế nào… Hầu hết chúng tôi chỉ biết vắt sữa bán, không biết gì thêm”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Tú Trần Văn Tâm chia sẻ: “Huyện phát triển đàn bò sữa hơn 14 năm qua. Phần lớn hộ nuôi bò là đồng bào Khmer. Cũng nhờ nuôi bò sữa mà nhiều hộ thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, hiện tại giá sữa đã có sự chênh lệch lớn giữa HTX bán cho doanh nghiệp và trả lại hộ dân. Bên cạnh đó, người dân phản ánh thức ăn HTX cung cấp đến thành viên dạng cám, bò khó ăn và khi ăn làm sữa sụt giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến thu nhập hộ. Chính vì thế, trên địa bàn huyện đã có nhiều hộ bán bò đi Bình Dương làm công nhân, thậm chí có trang trại số lượng đàn bò 24 con cũng bán hết, lý do bị nhiễm vi sinh nên giá sữa mà HTX Nông nghiệp Evergrowth thu mua chỉ ở mức 7.000 đồng/kg kéo dài nhiều ngày liền. Tình trạng này gặp thường xuyên nên trang trại không chịu nổi, đành bán bò”.

“Đứng góc độ địa phương, tôi kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, yêu cầu HTX Nông nghiệp Evergrowth trích quỹ bình ổn giá sữa hỗ trợ thành viên, vì đây chính là nguồn tiền bán sữa do HTX trích lại của thành viên; HTX có giá thu mua sữa phù hợp. Bên cạnh đó, HTX Nông nghiệp Evergrowth không được độc quyền cung ứng thức ăn chăn nuôi và buộc thành viên phải mua cũng như buộc thành viên chỉ sử dụng dịch vụ thú y của HTX, không được liên hệ thú y tại địa phương” - Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Tú Trần Văn Tâm nhấn mạnh.

T.L

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: