Góc nhìn kinh tế

Buồn này ai có… "mua"!

28/05/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 28/05/2020 | 06:00

STO - Buồn vì đàn heo bị thiệt hại do bệnh dịch tả heo châu Phi. Buồn vì giá heo hơi liên tục giảm mạnh, có lúc chỉ bằng phân nửa giá thành. Và, khi giá heo hơi liên tục tăng đến ngưỡng 10 triệu đồng/tạ (100kg) người nuôi heo càng buồn hơn vì không những không có heo để bán, mà muốn tái đàn cũng không dễ.

Sau khi quyết định cách ly xã hội để phòng tránh việc lây lan dịch Covid-19 trong cộng đồng được nới lỏng, cùng với đó là hầu hết các tỉnh, thành đã công bố hết dịch tả heo châu Phi cũng là lúc giá heo hơi bắt đầu tăng trở lại. Ngay cả khi Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành các giải pháp, trong đó có cả việc cho nhập thịt heo đông lạnh, nhằm kéo giá heo hơi về mức 7 triệu đồng/tạ thì giá heo hơi trong nước cũng chỉ giảm nhẹ được vài ngày, sau đó tăng trở lại. Từ mức chỉ bằng phân nửa giá thành chăn nuôi, giá heo hơi trên cả nước như chiếc lò xo sau thời gian bị dồn nén bật tăng mạnh mẽ, có lúc lên đến 10 triệu đồng/tạ.

Sau 2 trận dịch Covid-19 và dịch tả heo châu Phi, nhiều trại heo giờ trống huơ trống hoác vì chủ trại không còn vốn để tái đàn. Ảnh: TÍCH CHU

Những tưởng giá heo hơi tăng mạnh sẽ là niềm vui, là cơ hội để tái đàn một cách nhanh chóng, nhưng trái lại, nó càng khiến cho người nuôi heo buồn thêm, bởi muốn bán thì lại không có heo, muốn tái đàn thì thiếu vốn, không có đủ con giống và cả nỗi lo không biết dịch bệnh sẽ quay lại lúc nào. Ngay trên địa bàn tỉnh, những trại nuôi heo lớn mà người viết từng quen biết, sau thời gian bị dịch tả heo châu Phi tấn công, rồi đến dịch Covid-19 làm giá heo hơi giảm mạnh đến nay gần như đang thoi thóp.

Cách nay khoảng 1 tuần, có dịp gặp kỹ sư Quách Văn Tây – Chủ tịch Hội Chăn nuôi tỉnh Sóc Trăng mới biết tình hình của các hội viên hiện nay là rất bi đát. Theo ông Quách Văn Tây, từ đầu năm đến nay, mặc dù đã lên lịch tổ chức họp ban chấp hành và toàn thể hội viên nhiều lần nhưng vẫn chưa thực hiện được vì ai cũng buồn bã, lo lắng tìm phương cách trả nợ và phục hồi nghề nuôi. Ngay cả những trại nuôi heo gia công cho các công ty có vốn đầu tư nước ngoài cũng hết sức khó khăn và chỉ mới bắt đầu có lãi trở lại trong thời gian gần đây. Câu chuyện buồn càng buồn hơn được ông Quách Văn Tây chia sẻ với người viết bằng con số trên 80% hội viên chăn nuôi đang lâm cảnh nợ nần, thiếu vốn, thiếu nguồn giống nên chưa thể khôi phục sản xuất, dù giá heo hơi hiện đang cao ngất ngưởng.

Hai cú đấm chí tử lần này (dịch tả heo châu Phi và dịch Covid-19) gần như làm knock-out người nuôi heo của tỉnh, kể cả chăn nuôi trang trại và quy mô nông hộ, nhỏ lẻ. Có trại chăn nuôi heo được đánh giá là quy mô và hiện đại nhất cấp khu vực trên địa bàn tỉnh cũng không dám mạo hiểm với dịch tả heo châu Phi nên đành nhượng lại cho một đối tác nước ngoài để bảo toàn nguồn vốn. Cũng theo ông Quách Văn Tây, do lo sợ dịch tả heo châu Phi có thể tái xuất hiện bất cứ lúc nào, nên các doanh nghiệp FDI cũng rất thận trọng trong việc chọn lựa trang trại làm đối tác nuôi gia công. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá heo hơi không giảm do nghề nuôi heo bây giờ cũng lắm rủi ro (nhất là rủi ro dịch bệnh) không thua kém gì nghề nuôi tôm nước lợ.

Giá heo hơi đang rất cao nhưng phần lớn người nuôi heo thì “lực bất tòng tâm” nên chỉ biết đứng nhìn cơ hội trôi qua trước mắt mình, bởi hầu như tất cả vốn đầu tư đã trôi theo dịch tả heo châu Phi và dịch Covid-19. Có trang trại trước đây được ngân hàng định giá tài sản 6 tỉ đồng, nhưng hiện nay, nếu bán được với mức giá trên, chủ trang trại còn lại khoảng 1 tỉ đồng. Điều này cũng đồng nghĩa với cảnh cửa vào nguồn vốn ngân hàng của họ gần như đã đóng lại. Trong khi việc tìm vốn khôi phục sản xuất đã khó, thì việc tìm con giống cũng khó không kém dù giá con giống đã tăng gần gấp đôi so với trung bình trước khi có dịch. Không những giá con giống cao, mà số lượng cũng rất hạn chế, nên muốn tái đàn, người nuôi đôi khi phải đặt trước vài tháng mới có đủ con giống theo yêu cầu.

Ngay cả trại gà lấy trứng nuôi theo công nghệ cao cũng lao đao vì giá trứng giảm mạnh trong suốt thời gian dài. Ảnh: TÍCH CHU

Nỗi buồn của người nuôi heo lan sang cả người nuôi gia cầm, mà chủ yếu là nuôi gà thịt và gà trứng công nghiệp, khi giá cả 2 sản phẩm trên cũng giảm mạnh suốt thời gian dịch và hiện vẫn chưa lấy lại mức cân bằng vốn có. Một số trang trại nuôi gà công nghiệp (lấy thịt và lấy trứng) đã tạm ngưng hoạt động, số khác dù vẫn đang hoạt động nhưng hỏi ra mới biết đã cho các doanh nghiệp FDI thuê lại để thu hồi vốn đầu tư, còn họ thì đã chuyển sang nghề khác. Có thể nói, việc khôi phục nghề chăn nuôi nói chung và nuôi heo nói riêng hiện đang rất khó khăn đối với người chăn nuôi, nếu như các chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ, các ngân hàng không đến được với họ kịp thời.

TÍCH CHU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: