Cách nào "đánh thức" 60 tỷ USD trong dân?

26/08/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Hànộimới
  • Chủ Nhật, 26/08/2018 | 06:00

Theo thống kê của các tổ chức quốc tế, tại Việt Nam, số tiền tích lũy trong dân lên tới 60 tỷ USD, tỷ lệ cao so với nhiều quốc gia khác. Trong bối cảnh nhiều lĩnh vực kinh tế thiếu vốn, doanh nghiệp vẫn phải loay hoay tìm nguồn, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để có thể "đánh thức" được số tiền khổng lồ này nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế?

Phát triển các hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp sẽ góp phần huy động được các nguồn vốn nhàn rỗi. Ảnh: Thái Hiền

Không ít ý kiến cho rằng, để huy động nguồn vốn trong dân ngoài việc triển khai nhiều chương trình cho vay hấp dẫn từ các ngân hàng, hình thức huy động vốn dài hạn khác là phát triển thị trường chứng khoán, thúc đẩy trái phiếu doanh nghiệp là giải pháp cần được ưu tiên. Theo ông Ketut Kusuma, chuyên gia cao cấp về thị trường vốn Ngân hàng Thế giới, nếu nhìn vào từng nhà đầu tư, có thể thấy doanh nghiệp bảo hiểm có đầu tư gián tiếp, trực tiếp, có chứng khoán doanh nghiệp, có trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh. Như vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào huy động được nguồn vốn nhàn rỗi trong các hộ gia đình để họ yên tâm khi đầu tư vào các kênh khác nhau như cổ phiếu, trái phiếu, gửi ngân hàng. Nếu huy động được tối đa dòng tiền này sẽ bảo đảm nguồn vốn dài hạn, đáp ứng nhu cầu vay của người dân.

Câu chuyện về huy động vàng và ngoại tệ nhàn rỗi trong dân vào phát triển kinh tế, "để tiền đẻ ra tiền" không phải là vấn đề mới. Nhưng một lượng vốn không nhỏ chưa phát huy được, trong khi đất nước còn rất nhiều công trình, dự án đầu tư đang "khát vốn", thì vẫn là câu chuyện cần xem xét. Trước hết, phải nhìn nhận một thực tế là trong số 60 tỷ USD được dự đoán đang nằm trong dân hiện nay, chiếm tỷ lệ lớn là vàng và USD. Dưới góc độ của người dân, Tiến sĩ Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nhận định: Nếu không làm rõ được hiệu quả kinh doanh vốn của người dân thì khó huy động được vàng của dân để làm động lực phát triển kinh tế. Bởi tâm lý mua vàng và ngoại tệ tích trữ vẫn là thói quen của nhiều người Việt Nam. Mặc dù tình trạng vàng hóa hay đô la hóa nền kinh tế đã giảm bớt, nhưng không có nghĩa người dân đã bán hết USD và vàng để chuyển sang tích trữ tiền VND, đặc biệt là với đối tượng người cao tuổi thường có tâm lý tích trữ để đề phòng các vấn đề về sức khỏe.

Cho đến nay không có con số chính xác nào về lượng vàng hay USD trong dân, nhưng các tổ chức đều dự đoán con số này là không nhỏ. Chính vì vậy, trước đây, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) từng kiến nghị huy động 500 tấn vàng trong dân vào sản xuất - kinh doanh, nhưng thời điểm đó còn nhiều ý kiến trái chiều. Còn đối với USD, sau một thời gian dài áp dụng chính sách không lãi suất với người gửi tiền USD, đã đến lúc cần có mức lãi suất phù hợp cho loại ngoại tệ này. Tuy nhiên, giải pháp trên vẫn chưa được tính đến trong bối cảnh nhà điều hành là Ngân hàng Nhà nước tiếp tục muốn duy trì chính sách chống đô la hóa. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này đã đạt được một số kết quả nhất định trong lộ trình chống đô la hóa những năm vừa qua, nhất là từ khi giảm trần lãi suất USD về 0%. Quy định về trần lãi suất tiền gửi USD được kết hợp đồng bộ với điều hành tỷ giá trung tâm và các giải pháp thị trường ngoại tệ đã góp phần ổn định tỷ giá, kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, số vàng trong dân hiện nay rất nhiều, nếu không sử dụng để phục vụ phát triển kinh tế là một điều lãng phí và tiềm ẩn nhiều nguy cơ vàng hóa nền kinh tế. Tuy nhiên, để làm cách nào lấy được số vàng này ra là cả một quá trình và không dễ thực hiện. Cơ quan duy nhất có thể huy động được là Ngân hàng Nhà nước. Nếu chứng chỉ vàng được phát hành ở Ngân hàng Nhà nước thì chắc chắn niềm tin sẽ cao hơn bởi rủi ro vỡ nợ, mất thanh khoản sẽ bằng 0. Chỉ những đất nước có bạo động thì mới không thể thu hút được bằng cách làm này. Vấn đề ở đây là làm sao để người dân hiểu được lợi ích cầm “vàng giấy” có tiền, có lãi suất thay vì cầm vàng thật không có lãi.

Do vậy, để huy động vàng trong dân thành công, để “hũ vàng” 500 tấn với giá trị hàng chục tỷ USD chảy vào nền kinh tế, các cơ quan quản lý, các nhà hoạch định phải giải quyết được 2 vấn đề. Đó chính là tâm lý và quyền lợi của người đang giữ vàng. Ngoài ra, nền kinh tế vĩ mô phải ổn định, tỷ giá VND so với các ngoại tệ mạnh không "trượt" quá nhanh... sẽ là lời giải cho câu chuyện thu hút nguồn vốn nhàn rỗi trong dân vào phát triển kinh tế.

Hà Linh/Báo Hànộimới

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: