Góc nhìn kinh tế

Cần cơ chế, chính sách riêng cho điện phục vụ nuôi tôm

04/09/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 04/09/2019 | 06:00

STO - Tại Hội nghị “Thúc đẩy đầu tư năng lượng tái tạo cho ngành tôm Việt Nam” do Hội Nghề cá Việt Nam phối hợp UBND tỉnh Bạc Liêu, cùng Ban Quản lý Dự án “Phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững và công bằng tại Việt Nam – SusV”, Dự án GRAISEA, Trung tâm ICAFIS, OXFAM tại Việt Nam, WWF tại Việt Nam tổ chức vào ngày 16-8 tại tỉnh Bạc Liêu, nhiều ý kiến đánh giá cao ý nghĩa cũng như tính hiệu quả của việc ứng dụng điện mặt trời vào nuôi tôm, đồng thời đặt ra không ít những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực này.

Mô hình điện mặt trời phục vụ nuôi tôm được các doanh nghiệp giới thiệu tại hội nghị.

Những năm gần đây, với sự phát triển của các mô hình nuôi tôm mới với mật độ và năng suất tôm cao đã kéo theo nhu cầu sử dụng điện ngày một tăng. Theo báo cáo của Tổng Công ty Điện lực miền Nam, trong vụ nuôi năm 2018, chỉ tính riêng 10 tỉnh khu vực phía Nam đã tiêu thụ hơn 1 tỉ kWh điện, tập trung lớn tại 4 tỉnh có diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm anh lớn, là: Sóc Trăng, Bến Tre, Bạc Liêu và Cà Mau, trong đó, Sóc Trăng là tỉnh tiêu thụ điện năng lớn nhất với gần 247 triệu kWh điện. Ông Nguyễn Văn Lý – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Nam nhìn nhận: “Việc cung cấp điện phục vụ nuôi tôm thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn do sự tăng trưởng nhanh của phụ tải so với khả năng đầu tư của ngành điện. Đây thật sự là vấn đề nan giải cần có sự phối hợp từ chính quyền, nhà đầu tư, khách hàng mới có thể giải quyết được”.

Một trong những giải pháp được đề xuất tại hội nghị lần này là đầu tư ứng dụng điện mặt trời vào nuôi tôm, vì theo đánh giá, tiềm năng phát triển điện mặt trời tại những vùng nuôi tôm của các tỉnh phía Nam là rất lớn và điều này cũng phù hợp với “Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” của Chính phủ. Cũng theo ông Lý, việc đầu tư ứng dụng điện mặt trời trong nuôi tôm sẽ giúp đáp ứng nhu cầu điện năng cho hệ thống tải tiêu thụ tại chỗ; đồng thời tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành, tiết kiệm sản lượng điện từ lưới điện, từ đó giảm áp lực về nguồn điện của ngành điện. Ngoài ra, người nuôi có thể tận dụng mặt nước, mặt đất để xây dựng công trình, bán điện dư cho ngành điện, giúp tạo ra giá trị gia tăng, giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm.

Sự phát triển của các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao kéo theo nhu cầu tiêu thụ điện năng cao gây thiếu hụt cục bộ tại một số vùng nuôi.

Dù có ý nghĩa thiết thực và hiệu quả, nhưng theo người nuôi tôm, rất khó để ứng dụng điện mặt trời vào nuôi tôm bởi vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc, mà dễ thấy nhất chính là quy định về giá bán điện giữa mô hình điện mặt trời áp mái và solar farm. Theo người nuôi tôm, nếu đầu tư điện mặt trời, họ rất khó bán điện với giá cao theo loại hình điện mặt trời áp mái, bởi hầu hết diện tích nuôi tôm là ngoài trời, chỉ có một số công trình nhỏ như: nhà quản lý, nhà kho… trong khi theo quy định, để được công nhận là điện mặt trời áp mái, hệ thống này phải được lắp đặt trên một công trình có sẵn. Một khó khăn về điện mặt trời cũng được người nuôi tôm phản ánh đó là chi phí đầu tư ban đầu cao, thời gian thu hồi vốn kéo dài, nhưng ngân hàng chỉ cho vay 70% đối với điện mặt trời áp mái trong thời gian 5 năm...

Do đó, các ý kiến đề xuất ngành điện cần có kiến nghị với Bộ Công thương và Chính phủ ban hành một cơ chế, chính sách đặc thù về điện nói chung và điện mặt trời nói riêng cho những vùng nuôi tôm. Cụ thể, các đại biểu kiến nghị cần có một giá điện duy nhất cho lĩnh vực nuôi tôm chứ không tính giá điện theo khung giờ cao điểm, thấp điểm, bởi trong một vụ tôm họ phải sử dụng điện thường xuyên, liên tục. Ngoài ra, do đã đầu tư vào công trình, trang thiết bị, vật tư đầu vào… rất lớn, trong khi chi phí đầu tư điện mặt trời lại rất cao nên phần lớn người nuôi tôm không có khả năng để đầu tư vào điện mặt trời. Vì vậy, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách ưu đãi về vốn, lãi suất mới có thể khuyến khích được người nuôi tôm mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực, nhằm chia sẻ khó khăn hiện tại với ngành điện.

Theo ông Lý, ngành điện sẽ tiếp tục kiến nghị mô hình điện mặt trời riêng cho vùng nuôi tôm. Đối với chủ trương chia khung giá điện theo cao điểm, thấp điểm theo ông Lý là nhằm hạn chế sử dụng điện vào giờ cao điểm để giảm áp lực tiêu thụ điện cho ngành điện. Tuy nhiên, các kiến nghị của đại biểu là rất hợp lý nên ngành điện sẽ tổng hợp để kiến nghị về bộ có hướng giải quyết. Để thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái, nhất là tại vùng nuôi tôm, hiện tổng công ty đã kiến nghị giữ nguyên mức giá mua điện 9,4cent đối với những hộ lắp đặt sau ngày 30-6-2019.

TS. Nguyễn Việt Thắng – Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam đề nghị Tổng Công ty Điện lực miền Nam, Bộ Công thương tiếp tục tìm giải pháp, nguồn vốn đầu tư để đưa điện đến được tất cả những vùng nuôi tôm, nhất là vùng nuôi công nghiệp và bán công nghiệp. Tới đây, Hội Nghề cá Việt Nam cùng với ngành điện sẽ có những đề xuất, kiến nghị Trung ương xem xét, ban hành một cơ chế, chính sách đặc thù riêng về điện cho những vùng nuôi tôm.

Tích Chu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: