Cần kiểm soát chặt lực lượng tiếp thị vật tư nông nghiệp

24/10/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 24/10/2017 | 06:00

STO - Thời gian qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ; tuy nhiên, hiện nay thị trường cung ứng vật tư nông nghiệp có nhiều chủng loại, đa dạng về hình thức, kiểu dáng và chất lượng không ổn định… từ đó gây khó khăn trong công tác quản lý và nguy cơ ảnh hưởng cao đến hiệu quả sản xuất của người dân.

Theo thống kê của Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng, trên địa bàn tỉnh hiện có 31 công ty, doanh nghiệp và 744 đại lý, cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, với các chủng loại sản phẩm phổ biến, như: thức ăn, hóa chất, chế phẩm sinh học, sản phẩm cải tạo môi trường, thuốc thú y, giống thủy sản... Trong đó, có hơn 90% mặt hàng sử dụng trong nuôi trồng thủy sản do các doanh nghiệp ngoài tỉnh sản xuất hoặc nhập khẩu từ nước ngoài. Qua đó, thực hiện Quyết định số 266, ngày 7-2-2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Kế hoạch triển khai năm cao điểm kiểm tra chuyên ngành vật tư nông nghiệp, từ đầu năm 2017 đến nay, đoàn liên ngành thanh tra đột xuất cấp tỉnh và cơ sở đã tổ chức gần 500 lượt kiểm tra, phát hiện 107 trường hợp vi phạm, xử phạt nộp ngân sách với số tiền hơn 1,4 tỉ đồng.

Các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp.

Theo các cơ quan chức năng, qua công tác kiểm tra, các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp đã vi phạm chủ yếu là hàng hóa chưa đăng ký lưu hành, chất lượng không phù hợp với đăng ký, sai nhãn mác hàng hóa, thiếu thông tin bảo quản, sai hoặc ghi thêm công dụng, không có kệ để sản phẩm, niêm yết giá không đầy đủ hoặc không để giá, sử dụng chứng chỉ hành nghề hết hạn sử dụng, không lưu giữ hồ sơ liên quan đến sản phẩm hàng hóa đang kinh doanh…

Bên cạnh đó, nhiều cơ sở kinh doanh hiện nay không đăng ký khi tới mùa vụ thì bán hàng theo kiểu tạp hóa hoặc núp bóng với danh nghĩa hộ nuôi để phân phối sản phẩm; mặt khác, lợi dụng một số bộ phận ngư dân chưa nhận thức sâu về chất lượng đầu vào nên lực lượng tiếp thị đưa sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc mời gọi, thuyết phục người nuôi tiêu thụ sản phẩm giá rẻ; vẫn còn tồn tại một số hóa chất cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản được bán công khai để phục vụ các ngành khác, như: Cypermethrin, Enrofloxacin… vì vậy việc quản lý vật tư nông nghiệp còn gặp khó khăn.

Ngoài ra, việc thanh tra, kiểm tra trên địa bàn tỉnh hiện nay chủ yếu tập trung vào các đại lý, cơ sở phân phối lớn, việc kiểm tra các cơ sở nhỏ lẻ chưa thường xuyên; danh mục sản phẩm nuôi trồng thủy sản được phép lưu hành chưa khoa học, còn một lượng lớn sản phẩm chưa được công bố nên khó khăn trong kiểm tra, đối chiếu xác định tính pháp lý trong lưu hành. Luật Thanh tra năm 2010, Khoản 5, Điều 36 quy định: việc gửi kế hoạch trước khi thanh tra, thanh tra thường xuyên theo kế hoạch là chưa phù hợp, hạn chế hiệu quả công tác thanh tra… Đây cũng là một trong những vấn đề bất cập trong công tác quản lý trên địa bàn tỉnh.

Nông dân đắn đo trước "ma trận" sản phẩm vật tư nông nghiệp.

Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng Phạm Tấn Đạo cho biết: “Hiện nay, vật tư nông nghiệp được phân phối chủ yếu qua hệ thống bán hàng truyền thống từ các đại lý cấp 1, cấp 2; bên cạnh đó, còn phân phối thẳng xuống các cơ sở nuôi, do đó có tình trạng tiếp thị len lỏi xuống địa bàn nông thôn bán các sản phẩm vật tư nông nghiệp chưa đăng ký, không rõ nguồn gốc bằng các hình thức tinh vi như cho nợ trả chậm, tặng hàng khuyến mãi. Tuy nhiên, các sản phẩm của các đối tượng này bán có chất lượng không ổn định, gây khó khăn trong công tác quản lý, xuất hiện nguy cơ cao cho người sử dụng, làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất”.

Trước tình hình trên, theo ông Phạm Tấn Đạo, để việc quản lý vật tư nông nghiệp có hiệu quả, trong thời gian tới cần tăng cường kiểm soát lực lượng tiếp thị, công tác thanh tra phải được tổ chức theo hai chiều, từ tỉnh xuống cơ sở, từ cơ sở lên tỉnh; UBND các địa phương có vùng nuôi tôm cần bố trí kinh phí thực hiện công tác kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp. Ngoài ra, ngành nông nghiệp nên kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm ban hành danh mục các sản phẩm được phép lưu hành và Thanh tra Chính phủ xem xét lại quy trình thanh tra áp dụng cho thanh tra chuyên ngành.

K.X

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: