Góc nhìn kinh tế

GRDP và lời giải cho 3 trụ cột

25/02/2021 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 25/02/2021 | 06:00

STO - Trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường, nhưng Sóc Trăng vẫn đặt mục tiêu phấn đấu đưa tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 đạt 6,5% trở lên. Điều đó cho thấy, lãnh đạo tỉnh trong nhiệm kỳ mới rất quyết tâm trong việc thực hiện mục tiêu kép là vừa chống dịch Covid-19 có hiệu quả, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với thực hiện tốt các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường.

Đối với mỗi quốc gia hay địa phương, GRDP là một chỉ số rất quan trọng, bởi nó chính là thước đo “sức khỏe” nền kinh tế của quốc gia hay địa phương đó. Và khi nói đến GRDP người ta luôn nhắc đến 3 trụ cột chính đóng vai trò quan trọng trong việc làm nên chỉ số này, đó là: tiêu dùng, đầu tư công và xuất khẩu. Hay nói một cách khác, muốn có được chỉ số GRDP như mục tiêu đề ra cần phải có lời giải cho sự tăng trưởng của 3 chỉ số trụ cột chính này.

Con tôm vẫn sẽ là chủ lực cho trụ cột xuất khẩu của tỉnh trong năm 2021.

Đối với đầu tư công, nếu không nói ra chắc hẳn mọi người đều biết, đối với một tỉnh nghèo, nguồn thu không đủ chi như Sóc Trăng thì chuyện đầu tư công phần lớn là nhờ vào sự hỗ trợ từ Trung ương hay các chương trình, dự án đầu tư nước ngoài là chính. Tuy nhiên, đây cũng chính là một trong những chỉ số rất quan trọng góp phần làm tăng GRDP. Do đó, một trong những giải pháp hiệu quả được tỉnh đề ra là bên cạnh việc điều hành công tác thu, chi ngân sách nhà nước có hiệu quả, tiết kiệm… thì việc khẩn trương triển khai kế hoạch vốn năm 2021 là hết sức quan trọng.

Theo đó, tỉnh sẽ tập trung mọi nguồn lực, giải quyết có hiệu quả những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm giải ngân vốn đầu tư theo đúng kế hoạch. Đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các công trình, dự án đã có chủ trương đầu tư; thực hiện đúng các quy định pháp luật về trình tự, thủ tục có liên quan đến việc triển khai các công trình, dự án. Theo dõi chặt chẽ tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc; đồng thời, đề xuất cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án có nhu cầu bổ sung vốn để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Xuất khẩu của tỉnh lâu nay được biết đến với thế mạnh chủ lực là thủy sản, kế đến là lúa gạo và gần đây có thêm một số mặt hàng công nghiệp khác. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, muốn đạt mục tiêu giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2021 là 1 tỉ USD thì ngoài việc hỗ trợ doanh nghiệp trong xúc tiến mở rộng thị trường, đào tạo, tuyển dụng lao động… thì bệ đỡ nông nghiệp phải được gia cố, phát huy một cách vững chắc và hiệu quả hơn. Đây thực sự là gánh nặng với riêng ngành nông nghiệp, mà trước hết là làm sao phòng chống hạn, mặn trong những tháng đầu năm thật tốt và đảm bảo cho sự thắng lợi của vụ tôm nước lợ năm 2021, bởi con tôm luôn chiếm từ 90% trở lên trong giá trị kim ngạch toàn tỉnh.

Sau những đợt khủng hoảng kinh tế, tài chính thế giới, thị trường đã có sự sàng lọc tự nhiên để đến đầu năm 2021 này có thể khẳng định một điều rằng, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm của tỉnh đều là những doanh nghiệp mạnh, thuộc tốp đầu của cả nước. Kinh nghiệm, tiềm lực tài chính, lao động và năng lực lãnh đạo điều hành của đội ngũ lãnh đạo của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản trong tỉnh chính là chỗ dựa, là niềm tin cho mục tiêu phấn đấu đạt 1 tỉ USD giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2021. Niềm tin đó càng được củng cố hơn khi ngay từ cuối năm 2020, các doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị khá tốt cho mùa tôm mới này.

Trụ cột cuối cùng và cũng rất quan trọng đối với chỉ số GRDP của tỉnh, đó chính là tiêu dùng. Đây không chỉ là thước đo về mặt giá cả, mà còn là thước đo “túi tiền” và sự chi tiêu của người dân. Thu nhập bình quân đầu người hàng năm của tỉnh gần đây đều có tăng lên đáng kể, nhưng do tác động từ thiên tai, dịch bệnh trong mấy năm gần đây, nhất là dịch Covid-19, nên thu nhập của một bộ phận người dân cũng bị ảnh hưởng không nhỏ, bởi đa số cư dân của tỉnh sống bằng nghề nông. Nếu thu nhập và việc làm của người dân không ổn định, người dân sẽ thắt chặt chi tiêu, khi đó tiêu dùng sẽ giảm, tác động trở lại chỉ số GRDP.

Điều này cũng chính là sự trăn trở của lãnh đạo tỉnh trong việc làm sao, song song với ổn định và phát triển sản xuất nông nghiệp, cần phải tạo ra được nhiều việc làm hơn để ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân. Và một trong những giải pháp căn cơ được lãnh đạo tỉnh lựa chọn chính là đột phá vào phát triển công nghiệp, như phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu tại Hội nghị tổng kết kết quả sản xuất tôm nước lợ năm 2020 và triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2021: “Chỉ có đột phá một cách mạnh mẽ và phù hợp với xu thế phát triển chung cho phát triển công nghiệp mới có thêm thật nhiều việc làm, mới tăng được thu nhập cho người dân và mới tạo ra động lực cho nông nghiệp phát triển hiệu quả và bền vững hơn”.

Với sự quyết tâm, cùng sự chuẩn bị chu đáo các giải pháp mang tính đột phá cho 3 trụ cột chính của GRDP và các lĩnh vực khác, chúng ta có thể tự tin vào việc hoàn thành mục tiêu kép là vừa chống dịch Covid-19 có hiệu quả, vừa đảm bảo cho sự phát triển kinh tế để hoàn thành mục tiêu GRDP đạt từ 6,5% trở lên ngay trong năm đầu nhiệm kỳ.

TÍCH CHU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: