Góc nhìn kinh tế

Hạ tầng, nguồn nhân lực và công nghệ

12/01/2021 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 12/01/2021 | 06:00

STO - Đó là 3 vấn đề lớn được các nhà khoa học, doanh nghiệp, hiệp hội và người nuôi tôm đặt ra, nhằm hướng đến mục tiêu đưa Sóc Trăng trở thành tỉnh trọng điểm chế biến, xuất khẩu của ngành tôm cả nước trong những năm tới.

Chia sẻ về vụ tôm năm 2020, ông Trần Văn Phẩm – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex) thẳng thắn nhìn nhận, đầu năm doanh nghiệp cũng rất căng thẳng nhưng đến giờ này có thể thở phào nhẹ nhõm để nói với nhau rằng: “Chúng ta đã thành công”. Về thị trường cho những năm tới không chỉ có người nuôi tôm mà doanh nghiệp cũng rất quan tâm. Hiện tại, dù vẫn chưa thể nói trước được tình hình thị trường sẽ như thế nào trong thời gian tới, nhưng nếu nhìn vào diễn biến thị trường gần đây chúng ta vẫn có thể an tâm phần nào về thị trường. Ông Phẩm dẫn chứng: “Thứ nhất là Covid-19 vẫn chưa đi qua nhưng tồn kho thế giới đã giảm khá nhiều và một trong những dấu hiệu đó là giá tôm hiện đang tăng rất cao. Và sau này, khi Covid-19 đi qua thì trong văn hóa tiêu dùng của thế giới con tôm vẫn chiếm một vị trí quan trọng, nên ngành tôm của tỉnh vẫn còn rất nhiều cơ hội để phát triển”.

Việc ứng dụng công nghệ vào nuôi tôm là cần thiết nhưng chỉ nên khuyến khích vùng nào, hộ nào đủ điều kiện để đảm bảo sản xuất hiệu quả.

Tuy nhiên, theo ông Phẩm, cả lĩnh vực chế biến lẫn nuôi trồng đều đứng trước những khó khăn rất cần Chính phủ, Tỉnh ủy, Ủy ban, các bộ, ngành hỗ trợ để vượt qua. Trước tiên đó là công nghệ, vì về lâu dài chỉ có công nghệ mới giải quyết tốt vấn đề lao động, không chỉ cho chế biến mà cho cả nghề nuôi, bởi công nghệ sẽ làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Thế nhưng cứ không phải có tiền bỏ ra mua công nghệ, máy móc về là có thể giải quyết được ngay. Đơn cử như trường hợp của Stapimex, cho dù hiện tại có thể đầu tư công nghệ cao cho chế biến để giảm số lượng lao động phổ thông, nhưng vẫn không thể thực hiện được vì không có đủ lực lượng cán bộ khoa học công nghệ và công nhân có trình độ tay nghề cao. Ông Phẩm trăn trở: “ĐBSCL nói chung và Sóc Trăng nói riêng muốn phát triển ngành nông nghiệp và chế biến, theo tôi phải cần rất nhiều lực lượng cán bộ khoa học công nghệ, nếu không đừng bao giờ nói đến câu “phát triển”. Vì vậy, nếu không có chính sách đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ ngay từ bây giờ thì chỉ trong vòng 5 năm nữa, không chỉ Sóc Trăng mà cả ĐBSCL, lĩnh vực chế biến và nuôi trồng sẽ gặp khó”.

Về vấn đề lao động, hiện chỉ tính trong Khu Công nghiệp An Nghiệp đã có khoảng 20 - 30 ngàn lao động đang làm việc. Nếu mọi người thức sớm một chút sẽ thấy rất nhiều xe ôtô của các doanh nghiệp tỏa đi rước công nhân từ những vùng nông thôn vào các nhà máy chế biến tôm, sản xuất da giày, may mặc… Nhưng chỉ cần ngày nào trời đổ mưa trong khoảng 4 - 5 giờ sáng là không thể rước đủ công nhân do điều kiện đi lại từ nhà ra trục đường chính để đón xe khó khăn. Ông Phẩm dẫn chứng thêm: “Trong nuôi tôm, cho dù mức thu nhập 10 - 20 triệu đồng/tháng, các kỹ sư cũng không muốn làm, nguyên nhân không phải ở vấn đề thu nhập mà điều kiện sống. Cho nên vấn đề lao động hiện cực kỳ khó, trong khi tại những vùng nông thôn sâu đời sống người dân vẫn còn khó khăn. Mọi người vẫn hay nhìn thấy các doanh nghiệp đăng tuyển 500 hay 1.000 lao động rất thường xuyên nhưng con số tuyển dụng được trên thực tế là không bao nhiêu”.

Để giải quyết vấn đề trên, ông Phẩm kiến nghị cần xây dựng những mô hình nuôi chuẩn, nuôi ứng dụng công nghệ cao và vừa, kể cả nuôi quảng canh cải tiến, vì một khi tất cả đều nâng lên nuôi công nghệ cao sẽ gặp khó ngay khâu đầu tiên là nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật và tay nghề cao phục vụ nghề nuôi không đáp ứng kịp. Thứ hai là vật tư đầu vào khi đó rất dễ bị đẩy giá lên cao do nhu cầu tăng mạnh, người nuôi sẽ không còn lời. Cho nên cần tổ chức lại sản xuất để tích hợp các bên có liên quan vào cùng một mô hình nuôi phù hợp, như: người nuôi, cán bộ kỹ thuật… bởi 1 kỹ sư mới ra trường mất khoảng 5 năm trở nên mới có đủ kinh nghiệm, kiến thức thực tế về nuôi. “Việc ứng dụng công nghệ vẫn cần được tiến hành ngay từ bây giờ, nhưng chúng ta cũng không nên căng thẳng quá việc phải tiến lên nuôi công nghệ cao, mà chỉ nên khuyến khích vùng nào, hộ nào đủ điều kiện thì tiến lên nuôi công nghệ cao, còn lại thì nuôi theo các mô hình vừa phải hay nuôi quảng canh cải tiến để khai thác hiệu quả tiềm năng nuôi tôm của tỉnh” – ông Phẩm đề xuất.

Không chỉ có vấn đề khoa học công nghệ và lao động, mà câu chuyện hạ tầng cơ sở, như: giao thông, thủy lợi, điện… cũng là một rào cản cần tháo gỡ đối với sự phát triển của ngành tôm. Chính điều kiện giao thông tại những vùng nuôi chưa hoàn chỉnh là một trong những nguyên nhân làm tăng chi phí đầu vào và giảm giá bán tôm khi thu hoạch. Chưa hết, đây còn là điều kiện thuận lợi cho các vật tư đầu vào kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái… len lỏi vào vùng nuôi, rất khó kiểm soát. Ông Phẩm bức xúc: “Ngay cả công ty chúng tôi còn bị nhầm sản phẩm kém chất lượng huống hồ là người nuôi nhỏ lẻ. Do đó, một trong những giải pháp để giảm chi phí theo tôi là chú trọng quy hoạch lại hệ thống giao thông cho vùng nuôi tôm và có lộ trình đầu tư đến nơi đến chốn. Ngoài ra, thủy lợi cũng rất quan trọng và chỉ có Nhà nước mới làm được. Điện cũng là vấn đề khó vì với xu hướng nuôi tôm công nghệ cao ngày một tăng sẽ kéo theo nhu cầu điện tăng rất mạnh. Cho nên nếu không có đủ điện sẽ không thể nuôi công nghệ cao, không thể cơ giới hóa hay tự động hóa được. Hay nói cách khác, không có điện không thể phát triển ngành tôm được”.

TÍCH CHU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: