Hiệu quả sử dụng vốn từ “Quỹ hỗ trợ nông dân” ở Trần Đề

18/08/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: K.Thoa
  • Thứ Sáu, 18/08/2017 | 06:00

Những năm qua, Hội Nông dân huyện Trần Đề đã phát huy hiệu quả nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân, giúp hội viên, nông dân xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần tăng thu nhập, nâng cao cuộc sống.

Trong các giải pháp hỗ trợ nông dân, nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân là một trong những giải pháp “căn cơ” giúp nhiều hội viên, nông dân vươn lên thoát nghèo. Theo số liệu từ Hội Nông dân huyện Trần Đề, trong 6 tháng đầu năm, đơn vị đã vận động Quỹ hỗ trợ nông dân trên 62 triệu đồng, nâng tổng Quỹ hỗ trợ nông dân của huyện hơn 1,2 tỉ đồng; qua đó đã giải ngân cho 3 dự án, với số tiền 108 triệu đồng, giúp 5 hộ hội viên, nông dân vay để nuôi bò lai sind và bò sữa; nâng tổng số có 38 hộ vay, với số tiền trên 915 triệu đồng, thực hiện 16 dự án nuôi bò lai sind, bò sữa, dê.

Từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân của huyện, nhiều hội viên, nông dân vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đồng chí Nguyễn Văn Săng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: “Để xây dựng nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân, ngay từ đầu năm, chúng tôi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của hội nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giai cấp nông dân Việt Nam, giai đoạn 2010 - 2020”. Bên cạnh đó, chúng tôi còn chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 61 huyện về xây dựng và phát triển Quỹ hỗ trợ nông dân huyện; vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp ủng hộ quỹ; huy động các nguồn vốn vận động, nguồn vốn ủy thác từ ngân hàng chính sách xã hội; phối hợp tốt với ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; đồng thời, tranh thủ sự hỗ trợ từ ngân sách UBND huyện, xã chuyển sang cho Quỹ hỗ trợ nông dân huyện. Đây là nguồn lực giúp Hội Nông dân huyện chủ động được nguồn vốn, tạo điều kiện cho hội viên nông dân phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Cùng với sự “trợ lực” từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân của Trung ương, của tỉnh, Quỹ hỗ trợ nông dân của huyện Trần Đề đang ngày càng phát huy hiệu quả. Qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế, giảm nghèo; điển hình như chú Võ Ngọc Hữu ở ấp Nam Chánh, xã Lịch Hội Thượng. Trao đổi với chúng tôi, chú Hữu cho biết: “Vào năm 2015 được Quỹ hỗ trợ nông dân huyện cho vay 25 triệu đồng, tôi mua một con bò về nuôi, một thời gian cho phối giống, sau đó đẻ được 1 con bê cái và hiện nay bò mẹ tiếp tục đang mang thai 7 tháng. Trong quá trình nuôi, tôi thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn do các ngành chức năng tổ chức nên biết cách chăm sóc đàn bò. Tôi thấy, nuôi bò ít rủi ro, mình có thể tận dụng phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò”.

Còn anh Lâm Bêl (38 tuổi) là 1 trong 8 hội viên nông dân của xã Lịch Hội Thượng, sau khi được vay 25 triệu đồng, anh dùng tiền mua bò và xây dựng chuồng trại. Gia đình có 3 công đất, anh Bêl dùng gần 1 công để trồng cỏ. Đàn bò được anh chăm sóc tốt, nên chỉ sau thời gian ngắn đã sinh sản. Anh Bêl chia sẻ: “Trước đây gia đình khó khăn, không có vốn làm ăn, nhờ được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân huyện nên gia đình mua bò về nuôi. Bây giờ, đàn bò là tài sản lớn của gia đình. Tôi không có ý định bán mà hướng đến việc nhân rộng để phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống”.

Trao đổi với chúng tôi về những giải pháp để nguồn vốn vay sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả, đồng chí Nguyễn Văn Săng cho biết thêm: “Trong quá trình cho vay, chúng tôi chú trọng đến khâu khảo sát, chọn đúng đối tượng; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát; tạo điều kiện cho bà con thực hiện tốt mô hình. Cùng với việc phát huy hiệu quả nguồn vốn, hội còn tổ chức các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ và cho vay từ các nguồn vốn khác để giúp nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống; hướng dẫn nông dân tham gia các hình thức kinh tế tập thể, xây dựng các mô hình phát triển sản xuất để nông dân sử dụng vốn vay một cách hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, hội phối hợp với trung tâm dạy nghề, phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về nuôi trồng, phòng trừ dịch bệnh, giúp nông dân có kiến thức áp dụng vào phát triển kinh tế hộ, đem lại hiệu quả của đồng vốn vay”.

Có thể khẳng định rằng, Quỹ hỗ trợ nông dân ở Trần Đề đã và đang phát huy hiệu quả thiết thực. Việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đã góp phần đổi mới, phát triển nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể ở nông thôn, tạo việc làm, thúc đẩy việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, xây dựng nông thôn mới ở Trần Đề ngày càng khởi sắc.

K.Thoa

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: