Kết quả liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản

04/12/2017 13:25 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 04/12/2017 | 13:25

STO - Việc xây dựng cánh đồng lớn trong canh tác lúa gắn kết với sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh đã từng bước xây dựng được vùng nguyên liệu hàng hóa, góp phần nâng cao chuỗi giá trị hàng hóa, tăng giá trị kinh tế và khả năng cạnh tranh trên thị trường…

Thực hiện Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai kế hoạch đến các huyện, thị xã, thành phố; đồng thời, các địa phương đã xây dựng kế hoạch phát triển cánh đồng lớn phù hợp tình hình thực tế của địa phương. Tính đến nay, có 3 doanh nghiệp được UBND tỉnh phê duyệt Phương án “Cánh đồng lớn liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản giai đoạn 2015 - 2020” và 1 doanh nghiệp đăng ký xây dựng vùng nguyên liệu. Cùng với đó, nhờ làm tốt công tác kết nối giữa doanh nghiệp với các hợp tác xã, tổ hợp tác nên việc tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng liên kết ngày càng nhiều.

Liên kết tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng ngày càng nhiều.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh, tình hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ lúa trong vụ Hè - Thu năm 2017 đã có trên 60 doanh nghiệp, đại lý thu mua tham gia liên kết với nông dân, tổng diện tích có hợp đồng tiêu thụ là 33.181ha, tăng 5.606ha so với vụ Đông - Xuân 2016 - 2017. Tùy điều kiện cụ thể mà các doanh nghiệp thực hiện các hình thức liên kết khác nhau, như: cung cấp giống đến vụ mới thanh toán hoặc đầu tư trước vật tư đầu vào, tập huấn kỹ thuật và liên kết từ đầu vào đến bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Ông Kim Sai Huil - Giám đốc Hợp tác xã Phước An ở xã Phú Tân (Châu Thành) cho biết: “Giá bao tiêu sản phẩm khác nhau theo từng loại giống, thường đến gần cuối vụ (khoảng 10 ngày trước khi thu hoạch lúa) nông dân và doanh nghiệp thỏa thuận định giá thu mua; một số doanh nghiệp định giá mua trước; ngoài ra, một số công ty mua theo giá thị trường với hình thức thu mua chủ yếu là lúa tươi tại ruộng”.

Là xã viên của Hợp tác xã Phước An, ông Lao Đen chia sẻ: “Tôi tham gia hợp tác xã được 2 năm, cũng nhờ có sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp cũng như chính quyền địa phương trong việc sản xuất và tiêu thụ lúa, mấy vụ lúa gần đây có nhiều doanh nghiệp tìm đến để bao tiêu, chúng tôi cũng yên tâm sản xuất”.

Theo thông tin từ ông Kim Sai Huil, do các xã viên trong hợp tác xã có mối liên kết chặt chẽ và tạo được uy tín nên tuy mới thành lập khoảng 3 năm nhưng đã được doanh nghiệp tìm đến để thỏa thuận hợp đồng bao tiêu lúa. Đặc biệt, trong vụ lúa vừa rồi, hợp tác xã được ngành nông nghiệp hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất lúa theo hướng VietGAP và sau khi đánh giá quy trình sản xuất cũng như chất lượng thì hợp tác xã đã được trao chứng nhận sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Đây có thể nói là bước khởi đầu thuận lợi cho bà con áp dụng có hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật (3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm…) từ đó tạo ra sản phẩm sạch. Qua đó, góp phần tăng thu nhập nhờ tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành, lợi nhuận thu về được cao hơn so với trước đây.

Là địa phương triển khai thực hiện liên kết có hiệu quả, trong năm 2017, huyện Thạnh Trị có 40.431ha diện tích liên kết sản xuất lúa (chiếm 73%); trong đó, có 47 doanh nghiệp, công ty trong và ngoài huyện tham gia liên kết sản xuất cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm, với tổng diện tích hơn 14.000ha.

Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Trị Trần Trang Nhã cho biết: “Năm 2017, mối liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có chiều hướng phát triển so với cùng kỳ, để đạt kết quả này là nhờ có sự đồng thuận cao từ bà con nông dân. Bên cạnh đó, một số mô hình, điểm liên kết bao tiêu sản phẩm uy tín được các doanh nghiệp bao tiêu, từ hiệu ứng tốt trong liên kết “4 nhà” đã thúc đẩy diện tích bao tiêu trên địa bàn huyện ngày càng nhiều”.

Còn theo lãnh đạo Ban Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tỉnh Sóc Trăng (VnSAT-ST), để góp phần xây dựng liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm cũng như tạo điều kiện cho nông dân sản xuất lúa gạo an toàn và đầu ra sản phẩm thuận lợi, trong thời gian tới, dự án VnSAT-ST có kế hoạch đầu tư thiết bị chung hỗ trợ sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP; đồng thời, mở lớp tập huấn và xây dựng mô hình trình diễn sản xuất lúa VietGAP cho nông dân vùng dự án.

Với những kết quả đạt được từ khâu liên kết sản xuất cho đến khâu bao tiêu sản phẩm đã từng bước góp phần phát triển sản xuất lúa bền vững, tăng giá trị kinh tế và khả năng cạnh tranh trên thị trường; đồng thời góp phần xây dựng thương hiệu gạo cho tỉnh và doanh nghiệp, tạo động lực để phát triển và thúc đẩy việc nhân rộng mô hình sản xuất lúa theo hướng tập thể của các hợp tác xã, tổ hợp tác.

K.X

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: