GÓC NHÌN KINH TẾ

Không tăng mới lạ!?!

08/05/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 08/05/2018 | 06:00

STO - Trong khi không ít người còn đang đi tìm nguyên nhân cho sự tăng giá heo hơi để có thể đưa ra những dự báo về thị trường heo hơi thời gian tới, cũng có không ít người đưa ra nhận xét khá sốc: “Giá heo hơi tăng trở lại là chuyện bình thường, không tăng mới là lạ!”.

Giá heo hơi tăng liên tục là tín hiệu đáng mừng, nhưng để phát triển chăn nuôi hiệu quả và bền vững, ngành chăn nuôi cần tổ chức lại sản xuất theo chuỗi liên kết.

Cập nhật giá heo hơi từ đầu tháng 4 đến nay, người viết nhận thấy giá heo hơi liên tục tăng chứ ít khi giảm. Hiện tại, một số nơi, giá heo hơi đã vượt ngưỡng kỳ vọng của người chăn nuôi với mức giá cao nhất ghi nhận được lên đến 42.000 đồng/kg. Những dự báo còn cho thấy, khả năng giá heo hơi vẫn còn có thể tăng thêm trong thời gian tới do nguồn cung giảm mạnh, khả năng phục hồi chậm. Đây là một tín hiệu đáng mừng, vì chỉ cần giá heo hơi duy trì được ở mức 40.000 đồng/kg trở lên là nghề chăn nuôi heo có cơ hội phục hồi sau gần 2 năm trời chỉ có biết thua lỗ.

Khi giá heo hơi bắt đầu tăng trở lại thì cũng là lúc các nguyên nhân tác động làm tăng giá heo hơi cũng bắt đầu được lý giải để từ đó có những phân tích, đánh giá và đưa ra dự báo thị trường trong thời gian tới. Theo đó, một trong những nguyên nhân cơ bản giúp giá heo hơi phục hồi là do nguồn cung đang yếu trong khi nhu cầu tiêu thụ vẫn ổn định. Điều này được thể hiện rõ qua hàng loạt các trang trại nhỏ và vừa, các hộ chăn nuôi heo gia đình lần lượt “treo chuồng” vì không còn khả năng cầm cự sau hơn 1 năm triền miên thua lỗ. Lượng heo còn lại tập trung chủ yếu ở các công ty lớn hoặc các trang trại chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Trong suốt thời gian giá heo hơi giảm, các trang trại chăn nuôi gia công vẫn cầm cự được nhờ có sự giúp sức từ chuỗi liên kết với doanh nghiệp đầu vào và đầu ra.

Nhìn vào những phân tích trên sẽ thấy chuyện giá heo hơi tăng trở lại là hoàn toàn phù hợp theo quy luật cung – cầu của thị trường mà người chăn nuôi nào cũng biết. Tuy nhiên, vẫn có không ít những ý kiến phản biện khác cho rằng còn có một quy luật cung – cầu khác cũng quan trọng không kém đưa giá heo hơi trở lại đúng với giá trị đích thực của nó, bởi nếu không cả ngành chăn nuôi heo sẽ cùng “chết chìm” trong thua lỗ. Câu chuyện giữa người viết với một số nhà quản lý, nhà kinh doanh, nhà sản xuất lâu năm trong nghề chăn nuôi heo đã hé lộ thêm phần nào về nguyên nhân này.

“Giá heo hơi không thể ở mãi dưới giá thành, bởi như thế sẽ không còn ai nuôi heo nữa. Và một khi không có người nuôi heo, thì hàng loạt doanh nghiệp sản xuất con giống, thức ăn, thuốc thú y và cả những người giết mổ, mua bán thịt heo cũng sẽ "không còn đất sống". Đó cũng chính là lý do vì sao giá heo buộc phải tăng trong thời gian gần đây” - Một đại gia kỳ cựu trong lĩnh vực cung ứng vật tư đầu vào và chăn nuôi heo đưa ra nhận xét thẳng thắn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân đáng để suy nghĩ, bởi trong chuỗi giá trị sản xuất con heo nói riêng và hàng nông sản nói chung, chỉ cần có một mắt xích nào đó bị đứt rời ra sẽ kéo theo sự đổ vỡ của chuỗi liên kết.

Trở lại với nhận xét trên để thấy rõ hơn tính logic của nó. Rõ ràng trong chuỗi giá trị chăn nuôi heo và cả với những vật nuôi trên cạn hay dưới nước khác, thì phần lợi nhuận lớn nhất luôn nằm ở phân khúc dịch vụ (con giống, thức ăn, thuốc thú y, thu mua, giết mổ, kinh doanh sản phẩm thịt heo…), còn bản thân người chăn nuôi chỉ hưởng một phần nhỏ trong chuỗi giá trị này. Đó cũng là lý do vì sao các doanh nghiệp sẵn sàng bỏ ra số vốn lớn để đầu tư nhà máy, trang trại quy mô và hiện đại, cùng đội ngũ các nhà phân phối, bán lẻ… đông đảo. Với sự đầu tư lớn về tiền của, con người, khoa học công nghệ… các doanh nghiệp buộc phải tìm đường cho đầu ra sản phẩm của mình, mà đích đến không đâu khác chính là người chăn nuôi.

Vì vậy, người chăn nuôi không thể “chết”, hay nói một cách cụ thể hơn là không thể phá sản hoàn toàn được, bởi khi đó, các sản phẩm, vật tư đầu vào sẽ không có nơi tiêu thụ, nhà máy, doanh nghiệp cũng sẽ phải “đóng cửa”; còn những người mua bán, giết mổ cũng buộc phải chuyển nghề hoặc nhập khẩu thịt heo từ các nước về để kinh doanh. Cả 2 nhóm đối tượng đầu vào và đầu ra này của chuỗi giá trị con heo đều không mong muốn tình huống này xảy ra và muốn vậy, họ buộc phải tìm đủ mọi cách để người chăn nuôi “sống” dậy để chuỗi giá trị con heo không bị đứt gãy. Thực tế đã chứng minh, trong suốt hơn 1 năm giảm giá, phần lớn trang trại chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp FDI đều cầm cự được, nhờ chính sách liên kết chuỗi.

Nói như thế cũng không có nghĩa là người chăn nuôi mãi mãi sẽ không “chết”, mà vấn đề là ngành chăn nuôi nói chung và người chăn nuôi nói riêng cần có sự thay đổi nếu muốn phát triển một cách hiệu quả và bền vững. Sự thay đổi đó không gì khác hơn là khâu tổ chức lại sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị, để có thể cùng nhau chia sẻ rủi ro và lợi nhuận. Điều này là không mới, nhưng cũng chính là xu hướng phát triển cho ngành chăn nuôi nói chung, chăn nuôi heo nói riêng, nhằm tăng tính cạnh tranh và hội nhập một cách tốt nhất.

Tích Chu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: