Mô hình từ Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản tỉnh

09/09/2020 09:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 09/09/2020 | 09:00

STO - Sau gần 2 năm triển khai thực hiện, Dự án “Phát triển cây ăn trái đặc sản tỉnh” đã đem lại lợi ích thiết thực cho các địa phương mà người hưởng lợi trực tiếp là các nhà vườn trồng cây ăn trái. Theo đó, dự án đã triển khai hỗ trợ các mô hình sản xuất cho hợp tác xã (HTX) theo quy trình VietGAP, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch. Đồng thời, dự án cũng nâng cao kỹ thuật canh tác và tay nghề cho HTX cùng bà con nông dân thông qua các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp nhà vườn an tâm sản xuất.

Lãnh đạo Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản tỉnh đến tham quan mô hình cải tạo trồng mới cây ăn trái đặc sản tại huyện Châu Thành. Ảnh: THÚY LIỄU

Dự án triển khai các mô hình hỗ trợ nhà vườn

Ngay khi bắt tay vào việc thực hiện, Ban Quản lý dự án phối hợp phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, phòng kinh tế tại các địa phương trong vùng dự án rà soát địa điểm quy hoạch và xác định quy mô các vùng sản xuất cây ăn trái đặc sản ở các xã được chọn, triển khai và lựa chọn hộ gia đình là thành viên HTX tham gia thực hiện các mô hình sản xuất cây ăn trái đặc sản mang lại hiệu quả kinh tế. Qua đó, trong năm 2018, dự án thực hiện 4 mô hình với diện tích hơn 68ha/79 hộ, cụ thể là 1 mô hình trồng mới trên cây cam xoàn (1ha/1 hộ); mô hình cải tạo vườn cam xoàn (1ha/1 hộ), mô hình VietGAP trên cây vú sữa (32,7ha/37 hộ) và mô hình VietGAP trên cây xoài (34,22ha/40 hộ). Các mô hình trên thực hiện tại các huyện: Kế Sách, Mỹ Tú.

Nối tiếp các mô hình năm 2018, năm 2019 dự án đã triển khai thực hiện 28 mô hình. Các mô hình tập trung chủ yếu như: trồng mới, cải tạo vườn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất cây ăn trái đạt tiêu chuẩn VietGAP trên các loại cây cam, bưởi, nhãn, xoài, vú sữa, mãng cầu. Bên cạnh đó, để hỗ trợ các HTX và nhà vườn, dự án còn hỗ trợ 30% chi phí mua phân bón các loại, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư, thiết bị ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trên vườn cây ăn trái... Nhờ đó qua 2 năm (2018 - 2019) triển khai thực hiện, diện tích cây ăn trái đặc sản các loại tại các vùng dự án đã từng bước tăng dần, diện tích cây ăn trái toàn tỉnh năm 2017 là 29.493ha đến năm 2019 diện tích cây ăn trái tăng lên 31.370ha, đạt 95% mục tiêu dự án đề ra, đặc biệt phải kể đến là diện tích trồng vú sữa tăng từ 1.545ha lên 1.903ha. Dự án đã thực hiện được 30/80 mô hình, đạt 37,5 % so mục tiêu đề ra đến năm 2021.

Đưa chúng tôi ra tham quan vườn bưởi xanh tốt, đang độ cho trái, ông Huỳnh An Khương, ấp Kinh Giữa, xã Kế Thành (Kế Sách) - thành viên HTX Bưởi Thành Công, xã Kế Thành bộc bạch: “Tôi rất vui mừng và phấn khởi khi Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản tỉnh hỗ trợ hệ thống tưới phun tự động đặt trong khu vườn bưởi da xanh, diện tích hỗ trợ 1ha. Đây là hệ thống tưới tiết kiệm 3 trong 1 (tưới nước, tưới phân, phun thuốc bảo vệ thực vật). Sau gần 1 năm áp dụng hệ thống tưới cho vườn bưởi đã góp phần giảm chi phí đầu tư trong quá trình sản xuất, cụ thể giảm thuê mướn nhân công lao động, kèm theo đó lợi ích thiết thực hệ thống tưới đem lại là tiết kiệm lượng nước tưới trong các tháng mùa khô, nguồn nước ngọt khan hiếm do ảnh hưởng xâm nhập mặn và lượng phân, thuốc phun tưới trên cây đồng đều nhờ hòa tan trong nước và thông qua các béc phun tưới phân, thuốc thấm đều cả vườn bưởi, giúp cây hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn…”.

Phát triển mô hình dự án trong năm 2020

Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản tỉnh đã phối hợp các địa phương trong vùng dự án chọn điểm thực hiện các mô hình đã xây dựng kế hoạch từ đầu năm. Theo đó, đã chọn được 14 điểm trồng mới và cải tạo vườn bưởi cam, nhãn xoài, mãng cầu tại 2 điểm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trên vườn vú sữa, mãng cầu; 2 điểm sản xuất cây bưởi, vú sữa đạt tiêu chuẩn VietGAP tại các HTX trên địa bàn huyện Kế Sách, Cù Lao Dung và TX. Ngã Năm.

Trao đổi cùng chúng tôi, Phó Giám đốc Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản tỉnh Nguyễn Thành Phước cho biết: “Định hướng đến cuối năm, dự án sẽ tiếp tục theo dõi các mô hình trồng mới, cải tạo, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, VietGAP đã thực hiện trong vùng dự án. Đồng thời, phối hợp với chuyên gia đến từ các viện, trường tư vấn hướng dẫn các HTX, nhà vườn kỹ thuật canh tác, chăm sóc, quản lý sâu bệnh trên vườn cây ăn trái; tiếp tục chọn địa bàn triển khai, xây dựng tiêu chí và lựa chọn hộ gia đình là thành viên HTX tham gia thực hiện 27 mô hình trồng mới, cải tạo, VietGAP và ứng dụng hoa học kỹ thuật trên cây bưởi, cam, nhãn, xoài, vú sữa, mãng cầu. Khuyến khích hộ dân chuyển đổi các diện tích trồng cây kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái đặc sản nhằm tăng hiệu quả kinh tế hộ, trong quá trình sản xuất. Song song đó, Ban Quản lý dự án tăng cường phối hợp các sở, ban ngành và địa phương tổ chức xúc tiến thương mại, tạo mối liên kết giữa HTX, nhà vườn với doanh nghiệp nhằm tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch. Ngoài ra, dự án sẽ tìm thêm khâu đầu ra cho các loại trái cây đặc sản như xoài, nhãn, bưởi… cũng bằng cách kết nối doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường khó tính là Hoa Kỳ, châu Âu”.

THÚY LIỄU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: