Góc nhìn kinh tế

Mơ về “ngày nông sản đặc sản Sóc Trăng”

16/09/2017 22:22 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 16/09/2017 | 22:22

STO - Sóc Trăng có không ít những loại nông sản được xếp vào hàng đặc sản, như: hành tím, artemia, nhãn xuồng cơm vàng Vĩnh Châu; gạo thơm ST, Tài nguyên Thạnh Trị; bưởi da xanh, nhãn tím Kế Sách; quýt đường, cam sành Mỹ Tú… Thế nhưng, người tiêu dùng trên cả nước lại ít khi biết đến những sản phẩm này, dù họ không ít lần sử dụng.

Hành tím Vĩnh Châu vẫn chưa thoát cảnh bấp bênh trong tiêu thụ dù chất lượng đã được khẳng định do thiếu một chiến lược quảng bá, tiếp thị, xúc tiến thương mại có hiệu quả.

Mãi cho đến khi xảy ra “sự cố giải cứu” hành tím ở vụ hành năm 2015, người tiêu dùng trên cả nước mới thật sự biết đến loại củ hành có màu sắc đẹp, độ thơm nồng cao mà từ trước đến nay mình vẫn hay sử dụng là sản phẩm của vùng ven biển TX. Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Và cũng từ đây, sản phẩm hành tím Vĩnh Châu mới được tiêu thụ một cách rộng rãi, không còn cảnh giải cứu, dù thị trường xuất khẩu ngày một teo tóp lại.

Trước đây, mỗi khi nhắc đến bưởi Năm roi, người tiêu dùng luôn nhớ đến cái tên Mỹ Hòa (TX. Bình Minh – Vĩnh Long), còn bưởi da xanh thì Bến Tre mới là số 1. Thế nhưng, trong những lần cùng HTX Bưởi Năm roi (nay là HTX Bưởi da xanh) Kế Thành (Kế Sách) tham dự các cuộc thi trái cây ngon, an toàn tại các kỳ hội chợ nông nghiệp ở Cần Thơ, mới thấy, bưởi Năm roi của HTX Kế Thành luôn nằm trong tốp đầu và không ít lần vượt lên chiếm ngôi đầu.

Bưởi da xanh Sóc Trăng được Công ty The fruit (Hà Lan) thu mua xuất khẩu đi nhiều nước nhưng người tiêu dùng trong nước gần như không biết đến.

Hay như gạo thơm ST, dù có lúc xuất khẩu lên đến 900 USD/tấn, nhưng vẫn rất ít người tiêu dùng biết nó là ST, bởi khi qua tay nhà phân phối, bán lẻ, nó đã được mang một cái tên khác. Ngay ở thị trường trong nước, gạo ST cũng được gắn cho khá nhiều tên và được bán với giá khá cao. Tại những thị trường lớn trong nước như TP. Hồ Chí Minh hay Hà Nội, lượng gạo ST được tiêu thụ khá mạnh, nhưng hoàn toàn không mang tên ST.

Các nhà khoa học trong tỉnh vẫn ngày ngày nghiên cứu, bổ sung quy trình sản xuất; người nông dân vẫn cần mẫn chăm sóc để những loại nông sản trên có được chất lượng, độ an toàn ngày một cao hơn. Bấy nhiêu đó cũng chưa đủ để nông sản đặc sản của tỉnh đến được nhiều hơn với người tiêu dùng đúng với tên gọi và xuất xứ của nó, bởi chúng ta vẫn còn thiếu một chiến lược tiếp thị, quảng bá và xúc tiến thương mại một cách bài bản, thường xuyên và hiệu quả.

Dù đạt nhiều giải cao tại các hội thi gạo ngon, nhưng gạo thơm ST vẫn chưa được biết đến nhiều tại những thị trường lớn trong nước.

Cứ nhìn vào một số loại nông sản đặc sản khác sẽ thấy, hầu hết từ thanh long Bình Thuận, nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều Lục Ngạn hay rau củ, hoa Đà Lạt… mỗi năm đều được tổ chức các hội nghị, hội thảo quảng bá, xúc tiến thương mại không chỉ trong mà còn vươn ra ngoài tỉnh. Những hoạt động đó đã giúp cho những mặt hàng nông sản đặc sản trên dù ở rất xa Sóc Trăng, nhưng người tiêu dùng trong tỉnh vẫn biết đến và chọn mua.

Nói như thế để thấy rằng, chúng ta không thiếu những mặt hàng nông sản có chất lượng, đảm bảo về số lượng, nhưng việc tiêu thụ vẫn còn bấp bênh theo mỗi mùa vụ một phần là do hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại chưa được đầu tư đúng mức. Một số nhà khoa học, doanh nghiệp và cả nông dân sản xuất giỏi đã từng ước ao có những ngày hội cho nông sản đặc sản của tỉnh được tổ chức ngay tại những thị trường lớn như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh để họ được dịp giới thiệu đến người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng cao do mình làm ra.

Ước mơ đó là hoàn toàn chính đáng và cũng rất cần được hiện thực hóa, bởi nó không chỉ giúp gỡ nút thắt trong khâu tiêu thụ, mà còn góp phần nâng cao giá trị cho những sản phẩm nông sản đặc sản của tỉnh. Những điều kiện cần hầu như đã có (giống, quy trình sản xuất, vùng sản xuất, chất lượng sản phẩm…), chỉ cần thêm điều kiện đủ (quảng bá, xúc tiến thương mại) để người tiêu dùng biết đến nhiều hơn tên gọi, xuất xứ cũng như phẩm chất của nông sản đặc sản Sóc Trăng thì việc hướng đến giá trị gia tăng và phát triển bền vững cho nông sản đặc sản Sóc Trăng như đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp là hoàn toàn có thể đạt được.

Giấc mơ về “ngày hội nông sản đặc sản Sóc Trăng” vẫn đong đầy trong mỗi cá nhân, tổ chức tâm huyết về một tương lai tươi sáng cho ngành nông nghiệp của tỉnh nói chung và một số mặt hàng nông sản đặc sản nói riêng. Và tất cả vẫn đang hy vọng, giấc mơ trên sẽ sớm thành hiện thực để vùng đất Sóc Trăng ngày càng được biết đến nhiều hơn không chỉ với những ngôi chùa cổ kính hay những vùng nuôi tôm nước lợ bạt ngàn, mà còn có cả những mặt hàng nông sản đặc sản nổi tiếng chỉ có riêng ở vùng đất ngọt, lợ, mặn này.

Tích Chu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: