Nâng cao chất lượng sản phẩm từ việc dán tem điện tử

26/04/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 26/04/2019 | 06:00

STO - Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đã dán tem truy xuất nguồn gốc trên bao bì sản phẩm. Việc ứng dụng công nghệ này đã tạo được hiệu ứng tích cực trong khâu giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

Trong quá trình sản xuất, sản phẩm trà mãng cầu của Công ty TNHH Cẩm Thiều ở TX. Ngã Năm luôn tuân thủ quy trình an toàn thực phẩm, nhưng để sản phẩm chinh phục được nhiều thị trường và khách hàng khó tính, công ty đã dán tem truy xuất nguồn gốc lên các sản phẩm. Anh Dương Minh Trung - Giám đốc Công ty TNHH Cẩm Thiều cho biết: “Việc dán tem truy xuất nguồn gốc đã được công ty chúng tôi ứng dụng hơn 1 năm qua. Thông qua việc dán tem điện tử, các thông tin về sản phẩm, nguồn gốc, thành phần, công dụng của sản phẩm được thể hiện đầy đủ khi khách hàng sử dụng điện thoại thông minh để kiểm tra”. Với những tiện lợi này, hiện nay sản phẩm trà mãng cầu, mứt mãng cầu và rượu mãng cầu của công ty được người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra chất lượng và tránh mua phải hàng giả, hàng nhái.

Các sản phẩm áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc sẽ góp phần ngăn chặn hàng nhái, hàng giả. 

Tương tự, Cơ sở Bảo tồn giống dược liệu Hòa An (Kế Sách) cũng đã triển khai việc dán tem truy xuất nguồn gốc cho các mặt hàng tinh dầu sả, tinh dầu mù u, bột vỏ bưởi… trong thời gian qua. Anh Dương Trọng Nhân - đại diện cơ sở chia sẻ: “Trước đây, tinh dầu sả của chúng tôi từng bị làm giả nên việc dán tem điện tử là điều cần thiết để chứng minh hàng thật và chất lượng để người tiêu dùng an tâm. Ngoài các sản phẩm đang được dán tem, sắp tới khi phát triển thêm các tinh dầu tràm và tinh dầu bạc hà, tôi cũng dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc để người tiêu dùng dễ dàng nhận biết”.

Việc ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc sản phẩm không còn xa lạ với nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh. Tùy theo điều kiện mà mỗi đơn vị có thể ứng dụng các dịch vụ truy xuất nguồn gốc khác nhau, nhưng điểm chung là thông qua việc dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc của doanh nghiệp, người tiêu dùng sẽ dễ dàng kiểm tra chất lượng, nguồn gốc sản phẩm bằng điện thoại thông minh. Hiện nay, dịch vụ VNPT-Check là một trong những giải pháp xác thực nguồn gốc hàng hóa được nhiều doanh nghiệp của tỉnh áp dụng. Khi doanh nghiệp sử dụng dịch vụ VNPT-Check sẽ được cấp mã tem điện tử và in tem điện tử trên sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp. Thông qua giải pháp này, các doanh nghiệp có thể quảng bá sản phẩm đến nhiều khách hàng hơn. Đối với người tiêu dùng, để sử dụng dịch vụ, chỉ với một chiếc điện thoại smartphone có kết nối mạng internet và cài đặt phần mềm VNPT-Check hoặc thông qua một số phần mềm hỗ trợ quét mã QR code như: Zalo hay Facebook… là có thể quét mã QR code trên sản phẩm để tra cứu thông tin chi tiết về sản phẩm, cơ sở sản xuất.

Trong xu thế hiện nay, việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc ngày càng trở nên phổ biến và đã trở thành một trong những yêu cầu đối với các mặt hàng thực phẩm tại nhiều hệ thống siêu thị, cửa hàng. Tem truy xuất nguồn gốc được xem là một công cụ hiệu quả để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Theo báo cáo của Trung tâm Kinh doanh VNPT Sóc Trăng, trong năm 2018, có gần 3 triệu tem được phát hành và có 50 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng cho các sản phẩm, như: gạo, mắm cá rô, trà mãng cầu, bánh pía, khô trâu…

Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản Phương Ngọc Tuyết cho biết, trong năm 2018, đơn vị đã hỗ trợ 30% kinh phí đối với 126.666 tem cho nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và hợp tác xã của tỉnh. Việc ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc, các sản phẩm sản xuất theo quy trình đạt chuẩn, có chất lượng tốt sẽ dễ tiếp cận với khách hàng hơn, làm tăng niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm. Do đó, trong năm 2019, chi cục sẽ tiếp tục hỗ trợ việc ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc để kiểm soát chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm, tùy từng đơn vị mà có thể chọn ứng dụng dịch vụ truy xuất nguồn gốc cho phù hợp.

Việc đầu tư vào ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc còn nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và hợp tác xã đối với mỗi sản phẩm bán ra thị trường, tăng tính chủ động trong việc quảng bá hình ảnh và giá trị của sản phẩm. Qua đó, góp phần bảo vệ thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm của tỉnh.

Thiện Hải

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: