Nâng cao thu nhập từ các thành phẩm khóm Tắc Cậu

18/02/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Cần Thơ Online
  • Chủ Nhật, 18/02/2018 | 06:00

Ngoài sản xuất lúa, làm vườn, nông dân xã Bình An, huyện Châu Thành (Kiên Giang) còn sản xuất bánh, mứt khóm các loại phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Sản phẩm chế biến từ khóm có thu nhập cao gấp 2 - 3 lần so khóm nguyên liệu.

Ông Dư Mộc Hòa ngụ ấp An Thành, xã Bình An phơi khóm sau khi sơ chế. Ảnh: Phương Anh

Những năm gần đây, khóm Tắc Cậu được nhiều người biết đến và ưa chuộng. Ngoài bán khóm nguyên liệu, người dân xã Bình An còn chế biến các loại bánh, mứt khóm tăng thêm thu nhập. Nhà có 35.000m2 trồng khóm, gia đình chị Huỳnh Ngọc Thu ngụ ấp An Thành, xã Bình An vừa bán khóm nguyên liệu, vừa làm bánh, mứt khóm cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Bình quân, mỗi trái khóm bán cho thương lái từ 5.000 - 6.000 đồng nhưng khi dùng khóm nguyên liệu chế biến thành bánh mứt giá từ 230.000 - 250.000 đồng/kg.

Theo chị Thu, để làm một ký mứt khóm cần khoảng 10 trái khóm nguyên liệu, tính ra thu nhập cao lãi cao hơn gấp 3-4 lần. Mỗi năm, khoảng tháng 10 Âm lịch, vợ chồng chị Thu chuẩn bị khóm nhà và mua thêm khóm để làm bánh, mứt theo đơn đặt hàng. “Bánh khóm có hương vị ngon ngọt của khóm Tắc Cậu, cộng với cách chế biến thủ công của gia đình theo phương châm “lấy công làm lời” nên khách hàng biết đến ngày càng nhiều. Dịp Tết, tôi nhận cung cấp bánh, mứt khóm từ 250-300kg, lãi từ 30-40 triệu đồng” – chị Thu cho biết.

Tận dụng thời gian nhàn rỗi, vợ chồng ông Dư Mộc Hòa ngụ ấp An Thành, xã Bình An vừa trồng khóm, vừa chế biến khóm khô để bán. Theo ông Hòa, từ khi cầu Cái Lớn, Cái Bé xây xong, khách đi qua xã ngày càng đông đúc nên nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ khóm cũng tăng cao. Việc chế biến sản phẩm khóm nguyên liệu thành khóm khô giữ được thời gian bảo quản khóm lâu hơn và tiết kiệm được khóm nguyên liệu không đạt chuẩn bán cho thương lái để tăng nguồn thu.

Ông Hòa cho biết: “Khóm dạt thường là khóm không đẹp mã hay khóm bị chuột ăn thường có vị rất ngọt. Chúng tôi gọt vỏ, cắt thành miếng nhỏ, lát mắc, phơi khô vô bao bì bán cho tiểu thương trong huyện để làm đặc sản bán cho du khách là chính”. Hằng năm, ông Hòa làm khóm khô vào tháng 11 Âm lịch năm trước đến tháng 4 Âm lịch năm sau vì có nhiều nắng, khóm không bị ẩm và thơm, ngon hơn. “Mỗi năm tôi nhận chế biến từ 200 - 250 ký khóm khô, mỗi ký bán từ 150.000 - 160.000 đồng/kg, dịp Tết khách hàng mua để dùng và làm quà đông hơn. Gia đình tôi có thêm thu nhập từ 15-20 triệu đồng” - ông Hòa chia sẻ.

Theo ông Lục Đức Long, cán bộ nông nghiệp xã Bình An, hiện nay toàn xã có gần 30 hộ vừa trồng khóm vừa chế biến các sản phẩm từ khóm để cung ứng trực tiếp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Qua đó góp phần nâng cao mức sống, giữ vững tiêu chí thu nhập và đóng góp xây dựng các tiêu chí khác trong xây dựng nông thôn mới của xã.

Phương Anh/Báo Cần Thơ

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: