Những giải pháp chăn nuôi thân thiện với môi trường

15/02/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 15/02/2020 | 06:00

STO - Chăn nuôi là ngành góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và là cơ hội làm giàu cho nông dân. Để phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, ngành chức năng của tỉnh đã triển khai nhiều mô hình sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường để nông dân áp dụng.

Để chăn nuôi phát triển bền vững, đáp ứng được những yêu cầu cấp thiết của cuộc sống thì công tác xử lý môi trường trong chăn nuôi phải được thực hiện tốt và triệt để. Chính vì thế, thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh và các địa phương đã triển khai, áp dụng hiệu quả những công nghệ đã được nghiên cứu để chuyển giao vào thực tế sản xuất. Trong số đó, mô hình ứng dụng công nghệ khí sinh học (biogas) được nhiều hộ chăn nuôi (từ nhỏ lẻ đến quy mô lớn) áp dụng và đem lại hiệu quả cao.

Hiện nay, chất thải trong chăn nuôi được nông dân xử lý hiệu quả hơn. Ảnh: Thiện Hải

Bằng việc thực hiện Dự án “Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp” do Ngân hàng Phát triển châu Á tài trợ trên địa bàn tỉnh, nhiều hộ chăn nuôi của tỉnh đã được hỗ trợ xây dựng công trình biogas. Theo đó, dự án hỗ trợ 5 triệu đồng/công trình đối với các hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo, gia đình phụ nữ là chủ hộ; 3 triệu đồng/công trình đối với các đối tượng khác. Tùy theo số lượng gia súc mà có kích cỡ công trình khí sinh học biogas khác nhau, ở hộ gia đình thường thì có thể tích từ 7m3 đến 9m3, còn ở trang trại chăn nuôi và lò mổ gia súc có quy mô vừa thường có quy mô 50m3.

Chia sẻ về hiệu quả mô hình này, ông Nguyễn Văn Mum, ở xã Hồ Đắc Kiện (Châu Thành) cho biết: “Trước đây khi chưa lắp đặt hầm biogas, chất thải của đàn bò tôi xả ra ao, mương nên bốc mùi khó chịu. Từ hơn 1 năm qua, công trình biogas được xây dựng, tôi tiết kiệm chi phí mua gas rất nhiều, chất thải trong chăn nuôi cũng được xử lý tốt hơn, không gây ô nhiễm môi trường”.

Cùng với mô hình trên, việc ứng dụng đệm lót sinh học cũng được nhiều nông dân ở các địa phương như: TX. Ngã Năm, Long Phú, Châu Thành… áp dụng. Biện pháp này góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải vật nuôi gây ra vì đệm lót sinh học giúp tiêu hủy mùi hôi của chất thải chăn nuôi, khí độc trong chuồng, tạo môi trường sống tốt cho con người và vật nuôi. Đệm lót được làm từ vật liệu rẻ tiền có sẵn như: trấu, mùn cưa... nên có mức đầu tư thấp. Theo nhiều hộ chăn nuôi, việc sử dụng đệm lót sinh học giúp giảm công dọn chuồng, giảm đáng kể mùi hôi, cải thiện được môi trường cho hộ chăn nuôi và cộng đồng, gia súc, gia cầm khỏe hơn và giảm bệnh tật.

Ngoài các mô hình trên, hiện nay, việc ủ phân hữu cơ, xử lý nước thải sau biogas bằng hệ thống tưới; xử lý chất thải chăn nuôi bằng biện pháp nuôi trùn quế… cũng cho kết quả tốt và phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay. Đặc biệt, gần đây, ở một số địa phương như: Cù Lao Dung, TX. Ngã Năm, Châu Thành… đang phát triển mô hình nuôi ruồi lính đen. Đây là loài côn trùng không gây hại, ấu trùng ruồi lính đen được làm thức ăn cho chăn nuôi heo, gia cầm, thủy sản và xử lý chất thải trong nông nghiệp. Sau khi ruồi lính đen đẻ trứng sẽ chết, không ảnh hưởng đến môi trường sống của con người. Do đó, việc nuôi ruồi lính đen kết hợp với chăn nuôi gà, vịt đang là một giải pháp giúp nông dân ở nhiều địa phương tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận trong chăn nuôi.

Việc áp dụng những mô hình, giải pháp xử lý chất thải trong chăn nuôi nhằm khắc phục và hạn chế vấn đề ô nhiễm môi trường là điều cần thiết. Làm tốt công tác này, việc xử lý chất thải chăn nuôi không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ môi trường mà còn giúp nông dân khai thác những lợi ích thiết thực, áp dụng vào những mô hình sản xuất mới, hiệu quả, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Thiện Hải

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: