Quản lý nghề nuôi chim yến để an toàn về môi trường, dịch bệnh

20/12/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 20/12/2018 | 06:00

Được xem là nghề mang lại giá trị kinh tế cao, nên gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã đầu tư từ hàng trăm triệu đồng đến hàng tỉ đồng để xây dựng nhà nuôi chim yến. Tuy nhiên, việc nuôi chim yến mang tính tự phát như hiện nay còn có mặt trái là gây ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh ở khu dân cư.

Một nhà nuôi yến ở Phường 5 (TP. Sóc Trăng).

Những năm gần đây, nghề nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh được nhiều hộ dân có điều kiện đầu tư và ngày càng phát triển về số lượng. Nếu vào năm 2008 chỉ có vài hộ nuôi thì tính đến tháng 9-2018, trên địa bàn tỉnh đã có 217 nhà yến, với quần thể chim yến ước tính khoảng 62.665 cá thể và phân bố tại các huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh. Thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho thấy, số lượng nhà nuôi yến hiện nay tập trung nhiều ở TP. Sóc Trăng, TX. Vĩnh Châu và huyện Kế Sách.

Theo đó, nhiều hộ có nhu cầu đã tận dụng nhà ở có sẵn để cải tạo, xây thêm tầng bằng bêtông, rồi che chắn bằng tôl hoặc làm cơ sở riêng để nuôi chim yến. Theo ước tính của ngành chức năng, trung bình 1 nhà yến đầu tư đúng kỹ thuật có quy mô vừa sẽ tốn từ 1 đến 2 tỉ đồng. Sau 3 năm hoạt động, nhà yến sẽ cho thu nhập khoảng 60 - 100 triệu đồng/năm và có thể đạt trên 1 tỉ đồng/năm. Nghề nuôi chim yến đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng chính vì sự phân tán và tự phát nên làm khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc quản lý và kiểm soát. Hiện nay, các nhà yến được xây dựng mang tính tự phát, có nhiều trường hợp nhà nuôi yến được xây tại khu vực dân cư đông đúc và cũng có hộ nuôi cách xa khu dân cư. Trong quá trình nuôi, từ sáng sớm, các chủ cơ sở mở máy phát tiếng kêu của chim yến để dẫn dụ đã gây bức xúc cho nhiều người dân sống lân cận. Các nhà yến nằm trong đô thị, khu đông dân cư thường phát âm thanh liên tục với tần số cao từ 60 đến dưới 70dBA. Ngoài ra, mùi hôi đặc trưng từ phân của chim yến cũng gây khó chịu, dễ phát sinh vi khuẩn gây bệnh cho người và chim yến nếu không có biện pháp quản lý phù hợp. Ở khu vực người dân sử dụng nguồn nước mưa để sinh hoạt sẽ bị ảnh hưởng bởi phân chim yến… Từ những bất cập này, đã có nhiều trường hợp người dân gửi đơn khiếu nại đến chính quyền địa phương.

Theo đánh giá của ngành chức năng, hiện nay nhà yến kết hợp nhà ở chiếm đến 68%, nhiều nhà yến ở khu đô thị, đông dân cư chưa phù hợp với quy định về điều kiện vệ sinh thú y và quy hoạch chăn nuôi gia cầm tại TP. Sóc Trăng. Ngoài ra, chưa có quy định cụ thể, quy chuẩn cho việc xây dựng riêng cho nhà nuôi chim yến, chưa có quy định đánh giá tác động môi trường cho loại hình nuôi này. Do đó, việc quy hoạch tổng thể về khu, vùng nuôi yến tập trung có hệ thống, chuyên nghiệp để nghề nuôi chim yến tại Sóc Trăng phát triển một cách hiệu quả và bền vững được xem là sự cần thiết trong thời điểm hiện nay.

Tại cuộc họp báo cáo kế hoạch “Khảo sát, điều tra, thống kê, đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp quản lý trong nuôi chim yến” do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức gần đây, đại diện một số sở, ngành và địa phương đều thống nhất cho rằng cần có quy hoạch vùng nuôi chim yến cụ thể để tránh tình trạng nuôi tự phát như hiện nay. Giải pháp này cũng giúp quản lý về môi trường và dịch bệnh vì chim yến là loại chim hoang dã, rất dễ mang những loại vi rút cúm gia cầm lây nhiễm sang người và các loại súc vật, động vật khác. Ngoài ra, cần có quy định về thời gian phát âm thanh, tần số phát để dẫn dụ chim yến mà không làm ảnh hưởng đến đời sống người dân xung quanh.

Con số 217 nhà yến được thống kê vừa qua hẳn sẽ không dừng lại trong thời gian tới, bởi Sóc Trăng được xem là tỉnh có quần thể chim yến tương đối lớn và điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nghề này. Chính vì thế, để nghề nuôi chim yến đi vào hoạt động nề nếp thì cần có cơ chế, chính sách phù hợp và có quy hoạch vùng nuôi cụ thể cho từng địa phương để đảm bảo được yêu cầu xây dựng, đầu tư phát triển trong thời gian tới, qua đó giúp giải quyết lợi ích kinh tế và tạo ra ngành nghề có hiệu quả kinh tế của tỉnh.

HẢI HÀ

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: