Sản phẩm chất lượng, an toàn chắc chắn có chỗ đứng vững

02/01/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 02/01/2019 | 06:00

STO - Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, năm 2018 có 8 chuỗi sản phẩm cung ứng thực phẩm an toàn với 26 sản phẩm, như: cải xanh, bắp cải, mồng tơi, rau dền, rau muống, xà lách, tỏi, hành tím… nâng tổng số chuỗi xác nhận trên địa bàn toàn tỉnh là 12 chuỗi; có 181ha được cấp chứng nhận VietGAP, trong đó cây ăn trái chiếm 61%, lúa 34%, còn lại là diện tích cây màu; thủy sản có 15 cơ sở đạt các chứng nhận VietGAP, ASC, BAP với diện tích gần 69.000ha. Lĩnh vực sơ chế, chế biến có 19 nhà máy, xí nghiệp đạt các chứng nhận theo yêu cầu của thị trường xuất khẩu, 11 cơ sở có chứng nhận HACCP và ISO 22.000 cho các sản phẩm thịt, gạo, đường, nấm, thủy sản; 5 cơ sở có chứng nhận GMP cho sản phẩm thịt, bánh pía, thủy sản.

Phát triển chuỗi thực phẩm an toàn…

Trong quá trình sản xuất nông nghiệp, thông qua hình thức sản xuất theo quy trình sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, một số hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) trồng lúa, cây ăn trái trên địa bàn tỉnh đã có doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh bao tiêu sản phẩm đầu ra, giá tốt như: HTX Nông nghiệp Đồng Tâm, THT Trồng mãng cầu gai Kiên Hòa, HTX Nông nghiệp Trinh Phú; về thủy sản có 13 HTX, THT được doanh nghiệp ký kết hợp đồng thu mua tôm nuôi nước lợ, diện tích 517ha, qua đó đã giúp nông dân an tâm về giá bán, ổn định vùng nuôi khi đáp ứng các nhu cầu canh tác theo yêu cầu của thị trường về thực phẩm (chất lượng, sạch, an toàn…).

Khách quốc tế đến Sóc Trăng và rất quan tâm đến sản phẩm nông nghiệp sạch. 

Giám đốc Công ty TNHH Cẩm Thiều (TX. Ngã Năm) Dương Minh Trung bộc bạch: “Xác nhận chuỗi cung ứng sản phẩm, giúp người tiêu dùng xác định rõ hơn là sản phẩm nào đạt tiêu chuẩn an toàn. Tuy nhiên, sản phẩm của người sản xuất khó liên kết với doanh nghiệp. Do đó, chúng tôi mong muốn được kết nối sản phẩm với nhà phân phối để sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng nhiều hơn”.

Chủ trang trại nuôi trồng thủy sản Ngọc Hường, xã Liêu Tú (Trần Đề) Võ Điền Trung Dũng nhìn nhận: “Qua 5 năm tham gia phân phối sản phẩm, tôi thấy sự liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm giữa doanh nghiệp, người dân ngày càng chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, hiện nay việc liên kết của nông dân với chợ chưa chặt chẽ, kể cả trong thương lái. Hàng hóa nào chỉ cần có giá cao, nông dân ùn ùn sản xuất vượt quy hoạch. Đơn cử trường hợp gần đây là con cá chạch quế, cá có giá cao, người dân rầm rộ thả nuôi, thậm chí ruộng lúa đang giai đoạn làm đòng, một số hộ vẫn phá bỏ lúa để làm ao nuôi cá, mặc dù chính quyền đã khuyến cáo không nên tiếp tục thả nuôi cá chạch quế. Kết quả, cá chạch quế chợ Bình Điền tiêu thụ không nổi, hộ dân than thở. Vấn đề khó là con heo, con gà, việc dán truy xuất nguồn gốc dễ; còn cá, tôm không thể dán truy xuất lên từng con nên cá, tôm vào chợ chủ yếu cạnh tranh về giá chứ không phải cạnh tranh chất lượng vì không thể nhận diện. Do đó, tôi đề xuất ngành chức năng liên tục kiểm tra chất lượng nông, lâm, thủy sản nhằm bảo vệ quyền lợi cho sản phẩm sạch an toàn. Từ đó tạo niềm tin của người tiêu dùng, người sản xuất trong sản xuất an toàn, loại bỏ hoàn toàn hàng hóa kém chất lượng”.

Để sản phẩm an toàn được vào siêu thị…

Ngoài chất lượng sản phẩm đã đạt các chứng nhận theo yêu cầu thị trường, các cơ sở sản xuất, hộ dân cần phải nắm bắt một số thủ tục để hàng hóa được tiêu thụ tốt hơn khi nhà phân phối yêu cầu. Phó Giám đốc Co.op Mart Sóc Trăng Đặng Ngọc Uyên Phương chia sẻ: “Ưu điểm của những sản phẩm xuất phát từ doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay là tính năng và số lượng sản phẩm có thể đáp ứng nhanh một phân khúc khách hàng nhất định. Tuy nhiên, do hạn chế về tiềm lực vốn và năng lực quản lý, sản phẩm của các doanh nghiệp ở quy mô này thường chưa ổn định về lượng và chất, cũng như công tác cải tiến mẫu mã, logistics, đầu tư quảng bá, khuyến mãi, hậu mãi để tăng nhận diện thương hiệu, tăng doanh số bán hàng. Trong khi đó, đặc tính rất riêng của kênh bán lẻ hiện đại so với truyền thống chính là nhà sản xuất phải đầu tư một cách xuyên suốt từ đầu vào đến đầu ra và các hoạt động trong, sau bán hàng”. 

Bên cạnh đó, dựa trên những quy định của Nhà nước, thủ tục đầu vào của Saigon Co.op chỉ yêu cầu các đơn vị sản xuất có chứng từ pháp lý cơ bản như: giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký thuế, hồ sơ công bố chất lượng, kết quả kiểm định chất lượng theo hướng dẫn của các thông tư, nghị định của Nhà nước. Nếu nhà cung cấp không phải là nhà sản xuất trực tiếp hàng hóa thì bổ sung hợp đồng phân phối, đại lý, hợp đồng gia công hoặc hóa đơn mua hàng với bên thứ ba. Nếu hàng hóa có nhãn hiệu độc quyền được bảo hộ tại Việt Nam thì phải có chứng thư nhượng quyền kinh doanh, phân phối trên lãnh thổ Việt Nam. Ngoài ra, hàng hóa có tính chất đặc biệt, đặc trưng thì cần có giấy phép lưu hành của các cơ quan quản lý chuyên ngành. Các chứng từ khác (nếu có) được khuyến khích bổ sung như giấy chứng nhận đạt các hệ thống quản lý chất lượng ISO, HACCP…; giấy chứng nhận đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao; giấy chứng nhận bảo hộ sở hữu trí tuệ, độc quyền nhãn hiệu… 

Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Phan Thanh Chiến cho biết: “Để góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm nông nghiệp, năm 2019, đơn vị sẽ xây dựng 15 chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn với 60 kênh phân phối gồm thịt, rau, thủy sản và các tác nhân trong chuỗi đều áp dụng quy trình sản xuất theo chuẩn an toàn. Đồng thời, tất cả sản phẩm chuỗi đều áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc…”.

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: