Trái cây xuất khẩu phải sản xuất đúng quy trình kỹ thuật

19/10/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 19/10/2019 | 06:00

STO - Sóc Trăng với đặc điểm sinh thái đa dạng, có 3 vùng thổ nhưỡng: ngọt, mặn và lợ nên phát triển được nhiều loại cây ăn trái chất lượng, mang hương vị đặc trưng riêng so với các vùng khác ngoài tỉnh.

Diện tích trồng cây ăn trái trên địa bàn toàn tỉnh hơn 27.790ha, với các loại cây trồng như: bưởi, cam, quýt, xoài, nhãn, mãng cầu, mận, vú sữa… Trong đó, trái vú sữa tím của tỉnh đã xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và được khách hàng ưa chuộng. Để nối tiếp thành công của trái vú sữa cũng như các loại trái cây đặc sản tiềm năng như xoài, nhãn… thì đòi hỏi người sản xuất cây ăn trái phải luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật do doanh nghiệp đề xuất và ngành chuyên môn hướng dẫn. 

Là một trong những địa phương chuyên về nuôi trồng thủy sản và trồng các loại rau màu, đặc biệt là củ hành tím, TX. Vĩnh Châu còn biết đến là địa phương có loại nhãn rất ngon mang nét đặc trưng riêng của vùng quê biển. Để tạo vị thế cho trái nhãn Vĩnh Châu, địa phương đã quy hoạch vùng trồng cũng như hình thành hợp tác xã (HTX) mang tên gọi HTX Nhãn Vĩnh Châu. Ông Đinh Hoàng Vũ - Giám đốc HTX Nhãn Vĩnh Châu bộc bạch: “Nhãn Vĩnh Châu diện tích 200ha, được xem là một loại trái cây đặc sản của địa phương bởi chất lượng nhãn có mùi vị đặc biệt hơn so với cùng giống nhãn trồng tại các địa phương khác trong tỉnh. Nhãn dày cơm, mùi thơm dịu ngọt… Để trái nhãn được đi vào thị trường cao cấp và xuất khẩu, địa phương mong muốn được kết nối cùng doanh nghiệp để tìm đầu ra cho trái nhãn ổn định, tăng thu nhập cho nông dân”.

Lãnh đạo ngành nông nghiệp đến tham quan vườn xoài của HTX Nông nghiệp An Thạnh đạt chứng nhận VietGAP và có ký kết doanh nghiệp xuất khẩu. Ảnh: Thúy Liễu

Giám đốc HTX Nông nghiệp An Thạnh, xã An Lạc Tây (Kế Sách) Nghê Nam Vũ cho biết: “Diện tích của HTX hơn 38ha, chuyên sản xuất xoài cát chu, sản lượng gần 500 tấn/năm. Sau quá trình thành lập đi vào hoạt động, HTX đã được các ban ngành, đoàn thể các cấp hỗ trợ về mặt kỹ thuật cũng như canh tác theo quy trình VietGAP và được cấp chứng nhận VietGAP. Nhờ đó, HTX được doanh nghiệp ký kết thu mua xoài trong năm 2019, sản lượng bán cho doanh nghiệp hơn 13.000 tấn, giá doanh nghiệp mua xoài tại HTX cao hơn thị trường từ 4.000 đồng đến 5.000 đồng/kg. Tuy nhiên, để tiêu thụ hết lượng xoài sau thu hoạch, HTX mong muốn được nhiều doanh nghiệp đến kết nối tiêu thụ và kiến nghị tỉnh kêu gọi nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến các loại trái cây sấy khô, làm nước ép để trái cây của bà con nông dân và HTX sản xuất ra không còn lo lắng đầu ra…”.

Để trái cây có đầu ra tốt, theo ông Nguyễn Đình Mười - Phó Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T, trái cây Việt Nam rất tiềm năng, xuất khẩu đi vào một số thị trường khó tính. Bằng chứng là, trong nhiều năm qua đơn vị đã cung ứng sản phẩm cho phía đối tác họ đều hài lòng, chỉ có vấn đề là trái cây của ta kích cỡ nhỏ hơn so với các nước khác. Do vậy, ngoài việc canh tác theo tiêu chuẩn “sạch”, đạt chất lượng xuất khẩu, người canh tác cần chú ý đến việc tỉa thưa bớt trái trên cây, dành dinh dưỡng nuôi trái để trái to hơn. Bên cạnh đó, đơn vị lưu ý người dân về trái xoài, đối với xoài cát chu sẽ khó khăn trong việc cạnh tranh với các nước khác, trong khi đó, xoài cát Hòa Lộc được xem là trái cây độc quyền khi đi xuất khẩu. Nông dân muốn bán có giá khi “xuất ngoại” thì trước tiên trong quá trình sản xuất phải luôn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật của từng thị trường và luôn chú trọng đến người tiêu dùng, không vì lợi nhuận mà đánh mất những gì đã gầy dựng, đặc biệt phải giữ chữ tín.

Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Đại Thuận Thiên Nguyễn Hoàng Cung nhận định rằng, sản lượng trái cây của tỉnh Sóc Trăng rất có tiềm năng đáp ứng thị trường xuất khẩu nhưng chưa có sự gắn kết cùng doanh nghiệp, vì phía doanh nghiệp cần HTX làm tốt khâu sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, còn HTX đợi đơn hàng phía doanh nghiệp. Điểm nghẽn giữa doanh nghiệp và nông dân là chưa tin tưởng nhau.

“Chúng tôi khẳng định với nông dân rằng, một khi đã bao tiêu sản phẩm thì doanh nghiệp sẽ thu mua hết, bởi đơn hàng đã đặt và chúng tôi rất áp lực nên đòi hỏi sản phẩm phải sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật phía đối tác yêu cầu thì hàng hóa mới xuất bán thuận lợi. Vì vậy, bà con nông dân nên giữ ổn định chất lượng, sản lượng hàng hóa và có sản phẩm quanh năm sau khi tiến hành ký kết tiêu thụ cùng doanh nghiệp… Tới đây, nhu cầu của doanh nghiệp ngoài trái xoài, còn trái bưởi 5 roi. Bà con trồng bưởi muốn trái cây “xuất ngoại”, ngay từ bây giờ phải thay đổi tập quán sản xuất truyền thống bằng việc áp dụng khoa học kỹ thuật. Nhưng vấn đề quan trọng và then chốt ở đây là phải tạo ra hàng hóa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu...” - ông Nguyễn Hoàng Cung nhấn mạnh.

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: