Xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long sẽ vào sâu hơn từ 10 đến 15 km

08/10/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Nhân Dân điện tử
  • Thứ Ba, 08/10/2019 | 06:00

Theo Viện Khoa học thủy lợi miền nam, từ cuối năm 2019 đến tháng 3-2020, xâm nhập mặn khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ vào sâu hơn từ 10 đến 15 km so với trung bình nhiều năm gây ảnh hưởng đến khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi.

Lực lượng chức năng sơ tán các hộ dân và vật dụng bị ảnh hưởng do nước lũ tại phường Tân Đồng (TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) đến nơi an toàn. Ảnh: NHẤT SƠN

* Sáng 5-10, tỉnh Bình Phước đã khẩn cấp sơ tán hàng chục hộ dân ở các phường Tân Đồng, Tân Thiện, Tân Xuân (TP Đồng Xoài) vì nước lũ dâng cao đột ngột. Chính quyền địa phương đã huy động 230 cán bộ, chiến sĩ và các ban, ngành, đoàn thể dùng bảy ca-nô và 12 xe chuyên dụng nhanh chóng tiếp cận hiện trường, giải cứu người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đến trưa cùng ngày, 53 hộ gia đình với 86 người đã được lực lượng chức năng giải cứu, đưa đến khu vực an toàn.

* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, ngày 5-10, ở khu vực Bắc Bộ và tỉnh Thanh Hóa có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to; riêng các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông. Dự báo, những ngày tới tại các khu vực trên mưa giảm dần.

* Ngày 5-10, theo báo cáo của Tổng cục Phòng chống thiên tai, tại huyện Thanh Chương (Nghệ An), mưa dông kèm theo lốc (ngày 3-10) đã làm một người chết, hai nhà bị tốc mái, 10 ha ngô bị thiệt hại. Sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương đã đến thăm hỏi, động viên gia đình có người chết, huy động các lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả.

Tổng cục Phòng chống thiên tai cũng đề nghị TP Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục khắc phục hậu quả triều cường, ngập lụt, ổn định đời sống nhân dân, phục hồi sản xuất, gia cố đê bao, bờ bao để bảo đảm an toàn trong kỳ triều cường sắp tới.

* TP Hồ Chí Minh yêu cầu các sở, ngành tập trung thực hiện các giải pháp hạn chế tình trạng ngập nước do triều; đề nghị các chủ đầu tư đang thực hiện các dự án trên địa bàn TP khẩn trương, thực hiện nghiêm các phương án dẫn dòng; khắc phục nhanh chóng, kịp thời các vị trí hư hỏng làm ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước hiện hữu. Xây dựng phương án ngăn chặn tình trạng tràn bờ tại các khu vực thi công; đẩy nhanh tiến độ dự án nhằm sớm đưa dự án vào vận hành, khai thác và phát huy hiệu quả thoát nước, chống ngập cho khu vực.

* Sáng 5-10, triều cường đã tạm lắng xuống sau đúng một tuần gây ngập nặng ở TP Cần Thơ và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, khu vực này còn đối diện nhiều đợt triều cường mạnh từ nay đến cuối năm 2019 và đầu năm 2020. Đặc biệt, đầu năm 2020, triều cường sẽ xuất hiện vào các ngày 11 và 14-1, ngày 10 và 14-2. Trong đó, hai đợt triều cường cuối tháng 10 và tháng 11-2019 được dự báo sẽ xấp xỉ hoặc cao hơn đợt triều cường vừa qua, nhất là khi có gió mùa đông bắc cường độ mạnh lấn sâu xuống vùng biển phía nam.

* Triều cường dâng cao những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10 vừa qua đã làm vỡ nhiều đoạn đê bao, bờ bao trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của người dân, gây nhiều thiệt hại tại một số địa phương trong tỉnh, ước thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng.

* Hạt kiểm lâm huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, vừa phát hiện và xử lý một người dân tự ý bao chiếm trái phép 5,4 ha đất rừng phòng hộ. Vị trí bị chiếm dụng thuộc khu dân cư số 3, nằm ở khu vực đồi cát và phía sau Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo.

* Từ nay đến cuối năm, tỉnh Bạc Liêu tập trung tuyên truyền để nhân dân hiểu và tham gia thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đồng thời, tỉnh chuẩn bị mọi điều kiện để đến năm 2020, phấn đấu có từ 20 đến 34 sản phẩm OCOP cấp tỉnh được xếp hạng từ 3 sao trở lên, có 5 đến 10 sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá xếp hạng cấp quốc gia.

* Ngày 5-10, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) làm việc với UBND tỉnh Hà Tĩnh về công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Sau gần 5 tháng DTLCP xuất hiện tại Hà Tĩnh, đến nay, dịch đã phát sinh tại 12 huyện, thành phố, thị xã (hiện còn huyện Nghi Xuân chưa có dịch). Đến ngày 4-10, tổng số lợn mắc bệnh, chết, buộc phải tiêu hủy là 12.377 con (chiếm 3% tổng đàn lợn) với khối lượng 665 tấn. Hiện, các sở, ngành và địa phương đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch; lập hơn 200 chốt kiểm soát tại các đầu mối giao thông; sử dụng 100.000 lít hóa chất và hơn 1.000 tấn vôi bột khử trùng, tiêu độc vùng dịch, vùng nguy cơ cao và các khu vực liên quan... Đại diện Bộ NN và PTNT đề nghị tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch một cách đồng bộ, nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại gây ra do DTLCP.

* Ngày 5-10, Sở Xây dựng tỉnh An Giang cho biết, qua rà soát hiện có 22.455 căn nhà ở 11 huyện, thị xã, thành phố nằm ở ven sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh cần hỗ trợ di dời, trong đó có 6.457 căn thuộc vùng sạt lở cần di dời khẩn cấp. Trong điều kiện ngân sách địa phương còn khó khăn, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của các chương trình, chính sách như: Chương trình đầu tư xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ và Chương trình 1776/QĐ-TTg hỗ trợ di dân vùng thiên tai để giúp người dân di dời và có nơi ở mới an toàn hơn.

PV VÀ CTV/Báo Nhân Dân

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: