• Văn hóa - Thể thao

Ánh hào quang của hoa sen nơi đập nước

26/10/2017 05:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 26/10/2017 | 05:00

STO - Chùa Tum Núp có tên đầy đủ là Bô Tum Reng Sây Tum Núp, tọa lạc tại ấp Châu Thành, xã An Ninh (Châu Thành). Theo đại đức Lâm Hiệp - Trụ trì chùa Tum Núp, ngôi chùa này đã có lịch sử hàng trăm năm. Trước kia nơi đây có một mô đất rộng, xung quanh có nhiều ao hồ nên dân gian gọi là Tum Núp, nghĩa là đập nước. Trong tiếng Khmer, “bô tum” nghĩa là hoa sen, “reng sây” là ánh hào quang. Vì vậy, tên chùa có thể phỏng dịch là “Ánh hào quang của hoa sen nơi đập nước”.

Theo tư liệu, chùa Tum Núp được hòa thượng Thạch Ma xây dựng lần đầu với kiến trúc tre, lá đơn giản. Lúc bấy giờ, hòa thượng Thạch Ma tu tại chùa Peng Som Rấth, xã An Hiệp (Mỹ Tú), nay thuộc huyện Châu Thành. Khi đi khất thực qua vùng đất này, ngài nhận thấy nơi đây khung cảnh thanh tịnh, rất xứng hợp để làm nơi tu hành, vì vậy đã quyết tâm xây dựng ngôi chùa tại đây. Hai vị phật tử là ông Thạch Hai và bà Thị Pu đã hiến phần đất với diện tích hơn 38.000m2 để hòa thượng Thạch Ma xây dựng chùa. Thời Pháp thuộc, ngôi chùa được xây dựng mới với kiến trúc kiên cố. Dấu ấn của đợt xây dựng này vẫn còn với bộ cửa chính và 2 bộ cửa sổ gỗ tại chánh điện chùa, được chạm trổ tỉ mỉ với các họa tiết chằn yak, hoa lá đậm chất Khmer. Ngoài ra trong khuôn viên chùa còn có 3 tăng xá được xây dựng với kiến trúc pha trộn Khmer - Pháp nhưng rất hài hòa, tráng lệ. 

Chánh điện chùa Tum Núp.

Qua thời gian, ngôi chánh điện của chùa cũng xuống cấp khá nhiều. Từ khi đại đức Lâm Hiệp về làm Trụ trì chùa (năm 2004), đại đức đã trùng tu lại chánh điện. Công trình được xây dựng từ năm 2005 đến năm 2011 thì khánh thành. Ngoài các bộ cửa là cổ vật còn lưu lại từ thời Pháp thuộc, trong chánh điện này còn có 1 tượng Phật Thích Ca bằng đá trắng được thỉnh từ Miến Điện (Myanma) với kích thước tương đương người thật. Pho tượng Phật Thích Ca thờ tự chính trong chánh điện có kích thước khá đồ sộ với chiều cao từ đất lên đến đỉnh đầu khoảng 8m (tính luôn tòa kim cang thân tượng).

Sau khi trùng tu chánh điện, đại đức Lâm Hiệp lại bắt tay vào trùng tu sala của chùa từ năm 2013 đến năm 2016. Trong sala này bày trí nhiều tượng độc đáo, như: tượng Phật A Di Đà và bộ tượng 5 nhà sư sống động như người thật.

Đại đức Lâm Hiệp cho biết: “Chùa Phật giáo Nam tông Khmer chỉ thờ Phật Thích Ca. Bức tượng Phật A Di Đà này là do phật tử người Kinh cúng dường, điều này thể hiện sự gắn kết cộng đồng và giao lưu văn hóa của 3 dân tộc tại vùng đất này. Mỗi dịp lễ hội tại chùa Tum Núp, rất đông bà con người Kinh, người Hoa đến chung vui với bà con Khmer. Còn bộ tượng 5 vị sư chính là những vị đã tu tại chùa từ lúc còn nhỏ cho đến khi viên tịch trong suốt lịch sử của chùa. Đối với người Khmer, những vị tu như vậy vinh dự còn cao hơn được làm trụ trì chùa nữa. Trong 5 vị đó, có 1 vị hiện vẫn đang còn sống và vừa được đắp tượng gần đây”. 

Tại chùa Tum Núp hiện nay còn có chiếc ghe ngo và ghe ka hâu cổ cũng có tuổi đời hàng trăm năm. Đại đức Lâm Hiệp cho biết, trụ trì đời trước bàn giao lại 2 chiếc ghe này cho trụ trì đời sau và có ghi vào sổ. Còn về năm đóng ghe thì không xác định được do không có ghi chép lưu lại. Nhưng theo năm bàn giao như vậy, rõ ràng 2 chiếc ghe này phải được đóng ít nhất cách đó hàng chục năm rồi. Chiếc ghe ngo đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình và không còn được sử dụng vào các dịp lễ hội Oóc om bóc.

Tình trạng ghe ngo vẫn còn khá tốt, qua quan sát, chúng tôi thấy rằng ghe được đóng theo dạng thuyền độc mộc nhưng do lòng ghe khá cạn nên được ghép thêm 2 mảnh ván hai bên thân ghe cho cao thêm. Đại đức Lâm Hiệp cho biết, cả ghe ngo và ghe ka hâu này đều được đóng bằng cách đốn cây cổ thụ rồi xẻ đôi để đục rỗng phần trong làm thân ghe, vì vậy mỗi cây cổ thụ chỉ có thể đóng được 2 chiếc ghe ngo hay 2 chiếc ghe ka hâu (tùy chiều dài và độ lớn của cây). Từ năm 2016, chiếc ghe ka hâu được tôn tạo nhằm tham gia hội thi Lôi Protip và phục dựng ghe ka hâu tại lễ hội Oóc om bóc của tỉnh.

Với lịch sử hình thành và phát triển của mình, hiện nay, chùa Tum Núp còn lưu giữ những hiện vật và công trình kiến trúc có giá trị văn hóa cao. Đây là những sản phẩm du lịch độc đáo, đặc hữu mà chúng ta hoàn toàn có thể khai thác để giới thiệu cho khách du lịch, đặc biệt là đối với du khách nước ngoài thích tìm hiểu về văn hóa Khmer cũng như giai đoạn thời Pháp thuộc. 

Anh Thụy

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: