• Văn hóa - Thể thao

Dấu ấn của đội ghe ngo nữ

18/09/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 18/09/2017 | 06:00

STO - Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo từ lâu đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa - thể thao truyền thống đặc sắc, hấp dẫn của đồng bào Khmer Nam bộ. Khi xưa, hình ảnh “phái yếu” như cô gái Khmer tham gia thi đấu trên “đường đua xanh” là điều cấm kỵ. Tuy nhiên, hơn chục năm trở lại đây, việc cấm nữ tham gia đua ghe ngo đã được xóa bỏ, hình ảnh các "nữ tướng" đua ghe ngo tung dầm cán đích đã góp phần làm cho nét đẹp văn hóa của lễ hội càng thêm đa dạng, phong phú hơn.

Ngày xưa, ghe ngo là môn thể thao độc quyền của cánh nam giới. Quanh năm, chiếc ghe ngo được cất tại chùa, bảo quản rất cẩn thận và chỉ được đồng bào Khmer dùng để tham gia các ngày lễ quan trọng như Oóc om bóc. Theo quan niệm của người Khmer, chiếc ghe ngo luôn là bảo vật thiêng liêng của phum sóc, nữ giới không được bước ngang hay đến gần vì gây ảnh hưởng đến vị thần phù hộ, làm “vẩn đục” đi biểu tượng linh thiêng. Do đó, phụ nữ không bao giờ dám “bén mảng” đến gần chiếc ghe ngo. Đó là điều cấm kỵ nhất đối với phụ nữ Khmer. Để có được một cuộc chuyển biến như vậy, có thể thấy được sự đổi thay trong nhận thức và hành động của đồng bào Khmer, xem đó là một điểm nhấn quan trọng trong việc thể hiện “bình đẳng giới” trong cộng đồng đồng bào Khmer Nam bộ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Thạch Kim Sêng - nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chia sẻ: “Đua ghe ngo nữ được tổ chức vào năm 2003. Lúc đó, Sở Thể dục Thể thao (cũ), Ban Dân tộc tỉnh cùng với các vị sư sãi, Achar và Ban Quản trị chùa có đội ghe ngo trong tỉnh đã thống nhất tổ chức giải đua ghe ngo nữ lần đầu tiên. Năm đó, chỉ có hai địa phương là TX. Sóc Trăng (nay là TP. Sóc Trăng) và huyện Long Phú, với 4 đội ghe tham gia tranh tài. Kể từ đó, đua ghe ngo nữ được đưa vào thi đấu trong các dịp lễ hội Oóc om bóc hàng năm và một số sự kiện văn hóa - thể thao quan trọng trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long”.

Chị em có dịp so tài trên "đường đua xanh".

Từ việc không cho ghe ngo nữ được đua trên đường đua xanh vào dịp lễ hội Oóc om bóc hàng năm được “gỡ bỏ”, bắt đầu các giải đua truyền thống mừng Ngày giải phóng miền Nam 30-4; Ngày hội văn hóa - thể thao - du lịch Khmer Nam bộ; giải Đại hội TDTT đồng bằng sông Cửu Long hay giải toàn quốc đều có các tay bơi nữ tham gia tranh tài. Tuy tốc độ bơi không thể sánh được với ghe ngo nam nhưng hình ảnh những cô gái Khmer cầm chrovar (chiếc dầm) thi đấu trên đường đua luôn thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả.

Tiếp xúc với những tay bơi nữ tiên phong ngày đó, chúng tôi mới thấy hết được sự đam mê của họ đối với môn thể thao dân tộc. Là người cầm còi chỉ huy cho ghe ngo nữ chùa Tứk Prăy, thị trấn Long Phú (Long Phú) từ khi đội ghe ngo chùa thành lập vào năm 2003, bà Thạch Thị Quyên bộc bạch: “Đàn ông thi đấu được thì chị em phụ nữ chúng tôi cũng tham gia thi đấu được. Phải có nam, có nữ mới tăng thêm phần sinh khí của lễ hội, tạo sự vui tươi, náo nhiệt và sôi động hơn”. Cũng theo bà Quyên, những ngày đầu tập bơi, đêm nào bà cũng mất ngủ. Đến khi chính thức bước xuống ghe, cảm giác hồi hộp và tự hào cứ đan xen vào nhau.

Còn chị Sơn Thị Tuyết - đội ghe nữ chùa Đơm Pô, xã Đại Ân 2 (Trần Đề) cho rằng: “Hồi đó đi vận động khó lắm, do mấy ông chồng không cho đi, bắt phải ở nhà mần ruộng. Mấy ổng đi được thì tụi tui cũng phải đi được chớ. Với lại, hồi đó chị em vẫn còn rất sợ khi đến gần chiếc ghe ngo, họ sợ bị “quở”… vì theo truyền thống, chẳng chị em nào dám “bén mảng” đến gần chiếc ghe ngo, huống chi là ngồi lên để cầm dầm thi đấu”. Cùng đam mê môn thể thao dân tộc như bà Quyên hay chị Tuyết, “nữ tướng” chỉ huy thuyền Thạch Thị Hol ở ấp Bưng Chông, xã Tài Văn (Trần Đề) tâm sự: “Lúc đấu, tôi cũng hơi lo, bởi ghe ngo dài gấp mấy lần thuyền rồng, đòi hỏi thổi còi phải có nhịp theo từng giai đoạn để báo hiệu cho các thành viên trong đội. Đến khi thấy đội mình bơi được và giành chiến thắng trước đối phương, ai nấy đều vui mừng”.

Một khi “nghiệp bơi” đã ngấm vào “máu”, thì mỗi lần đến mùa giải, tâm trạng của chị em cũng háo hức đợi chờ từng ngày, từng giờ chẳng kém cánh mày râu. Có nhiều gia đình, cả mấy chị em đều cùng nhau góp sức tập luyện, cùng dắt nhau đi thi đấu, vì danh dự của địa phương, nhà chùa. Chính vì thế, lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng lần thứ III - Khu vực đồng bằng sông Cửu Long sắp tới, với sự góp mặt của các đội ghe ngo nữ, chắc chắn ngày hội đua sẽ tăng thêm phần hấp dẫn và sinh động hơn. Và đây không chỉ để giữ gìn bản sắc truyền thống của dân tộc mà còn là dịp để chị em phụ nữ thể hiện tài năng, thi đấu giao lưu học hỏi kinh nghiệm trên tinh thần “thể thao - cao thượng”.

Pon Lư

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: