• Văn hóa - Thể thao

Làng quê đợi ngày đưa nước

15/10/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 15/10/2017 | 06:00

STO - Lâu nay khi nhắc đến Sóc Trăng... những món ăn, rồi lễ đua ghe ngo có vẻ như chiếm nhiều dung lượng nhất trên các phương tiện truyền thông. Dù chỉ diễn ra trong 2 ngày 1 đêm nhưng không gian náo nhiệt trình diễn đèn nước lung linh, cảnh náo nhiệt của hội đua ghe trên kênh Maspéro đã để lại ấn tượng mạnh trong lòng của du khách. Nhưng như vậy thì có vẻ còn thiếu nhiều điều về mảnh đất này. Nếu muốn cảm nhận rõ hơn “cái hồn của lễ đưa nước, cúng trăng”, hãy đến với những làng quê Sóc Trăng thanh bình ít nhất là trước một tuần của “ngày đưa nước - cúng trăng”.

“Nước chưa đi”...

Vì chưa “đưa nước đi” nên đến Sóc Trăng những ngày này, nước trên đồng vẫn đầy, lúa mùa này cũng vừa được sạ xong và dặm lại chút ít. Đồng xanh mướt thật yên bình. Năm 2016 là năm đầu tiên Ban tổ chức Hội đua ghe ngo đưa nội dung trình diễn ghe ka hâu nên ở ngôi chùa nào còn lưu giữ được thân ghe đều dựng lại mui ghe, sanh sửa và trang trí cho ka hâu. Nếu chiếc ghe ngo được đặt tên theo hình dạng cong thì ghe ka hâu cũng có mũi và đuôi cong lại nên được gọi là ka hâu?

Ngày hội ghe ngo.

Đây là loại ghe lớn, có khi lên tới 12 người chèo. Các nhà chùa cũng dùng loại ghe này để các vị sư cả, các vị trong ban quản trị đi lại vì lúc trước, đây là một trong những phương tiện đường thủy thuận tiện. (*NV - Trong những tác phẩm văn chương, báo chí trước năm 1954, từ ghe hầu cũng được sử dụng nhiều để loại ghe lớn, nhiều người chèo dùng để di chuyển đường xa của những vị tướng lĩnh hoặc người giàu có).

... và chiếc ka hâu “từ nước Lào mang về”

Trong những chiếc ka hâu “xuống nước” trong lễ Oóc om bóc năm 2016 thì ka hâu chùa Botum Rengxây Tum Nup vẫn còn giữ khá đầy đủ... khung mái che, diềm cửa, khuôn bao cùng những hoa văn trang trí được chạm khắc tinh xảo từ xưa. Đây chính là điều thuận lợi nhất để các nghệ nhân phục hồi lại phần mui ghe về với hình dáng xưa một cách chính xác. Vậy nhưng, điểm độc đáo của chiếc ka hâu này lại nằm ở chỗ: nhà chùa vẫn còn giữ nguyên được “hồ sơ” của chiếc ka hâu này cùng với chiếc ghe ngo xưa vẫn giữ nguyên dáng độc mộc.

Đại đức Lâm Hiệp - Trụ trì chùa  Botum Rengxây Tum Nup giới thiệu cùng chúng tôi về lai lịch của chiếc ka hâu này: Theo tài liệu người xưa để lại thì chùa này đã trải qua 9 đời trụ trì và sư đây hiện là đời thứ 10. Vào thời kỳ vị trụ trì thứ 2 bàn giao lại cho vị trụ trì thứ 3 (Danh Phâng) thì đã có chiếc ghe ka hâu và ghe ngo rồi. Cả hai là một cặp ghe mà ông cả trước mua gỗ từ Champa sack (nước Lào) về đây. Hầu như toàn bộ ván dùng cho chiếc ka hâu của chùa đều là cây xưa. Ngoài việc sử dụng trong các dịp lễ lớn thì trong đời sống hàng ngày, nếu ai cần dùng để chở lúa thóc, gạch, cát... thì chùa đều cho bà con mượn dùng. Mục đích chính của chiếc ghe này trong ngày lễ thì ngoài tính trang trí, làm đẹp thêm cho lễ đua ghe ngo thì chùa nào tổ chức được ghe ka hâu đi kèm ghe ngo là một chỉ dấu để báo rằng - trong nội bộ nhà chùa cũng như bà con trong xóm làng đoàn kết, cuộc sống sung túc hơn mọi năm.

Đãi cốm dẹp ở Vũng Thơm.

“Vũng Thơm” cốm dẹp

Đến Sóc Trăng, chớ bỏ qua làng nghề làm cốm dẹp ở Vũng Thơm. Vì là dải đất giồng cao nên đây cũng chính là thời điểm những ruộng lúa nếp đến độ đỏ đuôi, đúng thời điểm để các chị, các mẹ ra đồng lựa những bông chắc mẩy về làm cốm dẹp – sản  vật không thể thiếu trong lễ cúng trăng – đưa nước. Đến Vũng Thơm, dù là ban ngày hay cả khi trăng đã lên cao... ta vẫn thấy thấp thoáng sau những bờ tre ánh lửa lấp loáng của bếp lò rang cốm, tiếng thậm thịch của nhịp chày, tiếng lép bép của nếp lựa reo trong từng ngõ xóm.

Đi chơi Oóc om bóc không chỉ là đến xem những đôi tay lực lưỡng với nhịp dầm đưa ghe ngo lướt băng băng trên sông, hay xem những chiếc đèn nước được trình diễn trong đêm trước ngày “đưa nước - cúng trăng”?! Hãy đến với những sóc, phum trước ngày đưa nước ít nhất là một tuần thì khi ấy, ta mới cảm nhận rõ hơn “tấm lòng thành kính” của những con người nơi đây với mặt trăng, với đất, với nước... cội nguồn đem đến những mùa vàng no ấm trong cõi nhân gian.

Cao Thành Long

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: