• Văn hóa - Thể thao

Tưng bừng lễ Lôi Protip ở Trần Đề

11/10/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 11/10/2017 | 06:00

STO - Hàng năm, sau lễ xuất hạ (Pinh bôr khe a súch - Chênh vesa), bà con Khmer ở các phum sóc lại tề tựu nhau để cùng tổ chức lễ Lôi Protip (thả đèn nước hay thả hoa đăng) truyền thống. Lễ được tổ chức vào ngày rằm tháng 9 âm lịch Khmer. Đối với đồng bào Khmer lễ Lôi Protip mang tính chất thiêng liêng, không chỉ để bà con hay các nghệ nhân trong phum sóc (nơi có ngôi chùa Khmer hay Sala Tean) có dịp thể hiện tài năng nghệ thuật trang trí mà còn thể hiện sự nhớ ơn tổ tiên, thần linh, thiên nhiên… đã giúp họ có cuộc sống bình yên, làm ăn phát đạt, mùa màng bội thu…

Năm nay, bà con Khmer ở xã Tài Văn, Thạnh Thới An, Viên An… của huyện Trần Đề lại tề tựu về ấp Hà Bô (Tài Văn) để tổ chức lễ Lôi Protip truyền thống. Lễ Lôi Protip được diễn ra vào tối 6-10, quy tụ hàng chục chiếc Protip đến từ các Sala Tean để khoe sắc, đua tài, cùng với ánh đèn lung linh, sắc màu rực rỡ được thiết kế theo mô típ ngôi chánh điện, ngôi am, tháp… thu hút hàng ngàn du khách đến chiêm ngưỡng. 

Theo ghi nhận của chúng tôi, khi mặt trời vừa lặn cũng là lúc những chàng trai bắt đầu khiêng chiếc Protip về ngôi Sala Tean. Diễu hành cùng với chiếc Protip là đội múa khỉ cùng với tiếng trống chhăy dăm rộn rã và các vị sư chúc phúc cho bà con. Anh Lâm Thanh, người dân địa phương chia sẻ: “Lễ Lôi Protip đã trở thành phong trào và nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng của bà con Khmer nơi đây từ lâu đời và duy trì cho đến hôm nay”.

Chiếc Protip được bà con và sư sãi diễu hành qua Sala Tean, ấp Hà Bô, xã Tài Văn (Trần Đề).

Trước đó, cùng với các lễ nghi Bunh Chênh vesa (lễ xuất hạ), tại các chùa Nam tông Khmer, trong tỉnh đồng loạt tổ chức lễ Lôi Protip tạo sinh khí rất vui nhộn. Các nghệ nhân của mỗi chùa có ý tưởng thiết kế mô típ khác nhau: chùa Chhung Thum (Xung Thum), xã Lai Hòa (TX. Vĩnh Châu), năm nay thiết kế biểu tượng con gà trống, con rắn hổ mang và chùa Bâng Kro Chắp Thmây, xã Tân Hưng (Long Phú); chùa Pôthi Satharam, Mahatúp (TP. Sóc Trăng); Prés Buône Prés Phék (Bốn Mặt), xã Phú Tân (Châu Thành) theo mô típ ngôi chánh điện…

Anh Sơn Satha, người thợ trang trí chiếc Protip chùa Pôthi Satharam, Phường 7 chia sẻ: “Công đoạn khó nhất của chiếc Protip là vẽ hoa văn, tô màu và chạy bóng đèn sao cho màu sắc phải hài hòa và hòa quyện với nhau”.

Lôi Protip là một loại hình lễ hội văn hóa độc đáo xuất phát từ Phật giáo và phát triển theo điều kiện kinh tế đời sống xã hội của cộng đồng người Khmer. Theo các vị Achar, Lôi Protip xuất phát từ một truyền thuyết gắn với tôn giáo. Theo truyền thuyết, Lôi Protip là nhằm cúng chiếc răng nanh Phật Thích Ca được rắn thần Naga cất giữ nơi long cung. Ngoài ra, Protip cũng tượng trưng cho hàm răng dưới của Đức Phật ở lại hạ giới độ trì chúng sinh.

Lễ hội còn mang ý nghĩa là để tạ ơn thần mặt đất (Prés thôrni) và thần nước (Prés kôong kea). Bởi theo quan niệm của đồng bào Khmer, qua một năm lao động sản xuất và sinh hoạt hàng ngày, con người đã làm ô uế đến thiên nhiên, nên làm lễ cúng để tạ lỗi. Mặt khác, thông qua lễ Lôi Protip người ta muốn tưởng nhớ đến công ơn của đấng thiên nhiên đã phù hộ con người làm ăn sinh sống bình yên và mong muốn điều tốt lành hơn cho năm sau. Do phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên và nhất là nước có một vai trò, vị trí quan trọng trong cuộc sống con người, nên đồng bào Khmer cho rằng, nước là một dạng vật chất, có mặt trong vũ trụ từ rất sớm. Nước còn là biểu tượng của sự tinh khiết, trong trắng, mềm mại, hiền hòa, tự do và xem nước như vị thần có thể đem lại hạnh phúc nhưng cũng có thể đưa đến tai họa cho con người. Do đó, khi bị hạn hán, người Khmer thường làm lễ cầu mưa, lúc gặp mưa to gió lớn gây lụt lội người ta lại cầu xin vị thần bớt phẫn nộ.

Lễ Lôi Protip ở xã Tài Văn (Trần Đề) nói riêng hay các chùa Khmer của Sóc Trăng nói chung đã ăn sâu vào tâm thức của người Khmer và duy trì từ đời này đến đời khác. Ông Phan Văn Sáu - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Sóc Trăng cho biết: “Hiện nay, tỉnh đã tích cực triển khai công tác bảo tồn di sản văn hóa, phát huy di sản văn hóa phi vật thể, xem di sản văn hóa là tài nguyên di sản quý báu, nên lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng lần thứ III - khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm nay, Ban Tổ chức tiếp tục đưa các hoạt động hội thi Lôi Protip, nhằm phát huy các giá trị văn hóa sẵn có và vừa tạo sinh khí nhộn nhịp, sắc màu rực rỡ, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Khmer phục vụ nhân dân và du khách đến tham quan lễ hội”.

Lễ Lôi Protip được khôi phục lại đúng là một điều đáng quý. Có thể khẳng định, Lôi Protip là lễ hội độc đáo của người Khmer, ngoài ý nghĩa tâm linh, chúng ta dễ dàng nhận thấy đây là lễ hội hướng về yếu tố khoa học, thể hiện tri thức của đồng bào Khmer đối với môi trường thiên nhiên và điều kiện sống, để ước mơ hướng về tương lai tốt đẹp. Hơn nữa, lễ Lôi Protip còn nhắc nhở con người quay về với thiên nhiên, làm sạch môi trường sống, bảo vệ đất và nước, đó là hai yếu tố quan trọng giúp cho sự tồn tại của nhân loại.

Thạch Pích

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: