• Văn hóa - Thể thao

Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng lần thứ IV - khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2019

Hạ thủy là một nghi thức văn hóa độc đáo của ghe ngo

02/11/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 02/11/2019 | 06:00

STO - Đua ghe ngo là một trong những môn thể thao truyền thống hấp dẫn, sôi nổi, đặc trưng của người Khmer Nam bộ. Năm nay, Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng lần IV, khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2019 sẽ diễn ra vào ngày 5 đến ngày 11-11. Trước khi đến với hội đua, các chùa có đội ghe ngo tham gia đều tổ chức một nghi thức mang đậm nét văn hóa độc đáo. Đó là nghi thức hạ thủy ghe ngo.

Vào những ngày này, đến các chùa Khmer có đội ghe ngo chuẩn bị tham gia giải đua cấp huyện hay Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng lần IV, khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2019, chúng ta mới cảm nhận được không khí tập luyện thật sôi động, háo hức, cùng với đó là tiếng trống vang dội, tiếng còi thôi thúc báo hiệu ngày hội lớn sắp đến gần.

Có mặt trong buổi hạ thủy chiếc ghe ngo tại chùa Kom Pong Tróp (Bưng Tróp), xã An Hiệp (Châu Thành), nơi có 3 đội ghe ngo (2 đội nam và 1 đội nữ) đăng ký tham gia hội đua năm nay, chúng tôi mới cảm nhận được sự náo nức của vận động viên (VĐV) cũng như bà con trong bổn đạo đối với môn thể thao này. Ông Lý Dách - đại diện đội ghe ngo của chùa khẳng định: “Đây là nghi thức chúng tôi phải tổ chức mỗi khi các đội ghe ngo đi tham gia các giải đấu lớn nhỏ. Đợt hạ thủy 3 chiếc ghe ngo lần này là nhằm thử tốc độ, chỉnh cần câu, theo dõi nhịp bơi, thể lực, sức dẻo dai của các VĐV để đánh giá, rút kinh nghiệm của từng đội. Sau đó, sẽ chọn một đội ghe ngo nam đi tham dự giải đua ghe ngo truyền thống huyện Long Phú diễn ra vào ngày 2-11”.

Các VĐV chuẩn bị hợp sức nhấc bổng chiếc ghe đưa xuống nước. Ảnh: Thạch Pích

Cũng trong buổi nghi thức đầy trang nghiêm này, ban quản trị chùa bố trí dành một góc riêng cho đội dàn nhạc cụ truyền thống, gồm: khưm, sáo, đàn cò, cồng... để tấu khúc đồng loạt tạo không khí khá sôi nổi. Còn phía trên của 3 chiếc ghe ngo được các vị Achar hay cụ cao niên chuẩn bị trước đó một ngày để làm vật lễ cúng, người Khmer gọi là Pê-ruốth (làm bằng bẹ chuối có hình vuông) đặt dọc theo hai bên chiếc ghe tại vị trí của các tay bơi ngồi. Ông Danh Minh Chẹo - Ban Quản trị chùa cho biết: “Việc tổ chức cúng hạ thủy ghe ngo là nghi thức rất quan trọng đối với các đội ghe ngo trước khi đi tham dự giải. Có một số chùa, họ không làm Pê-ruốth như chùa Kom Pong Tróp mà thay vào đó là làm Sla-thor chếk (làm bằng cây chuối). Còn những vật lễ cúng đầu ghe và mũi ghe ngo đối với chùa chúng tôi là không thể thiếu những mâm bánh, đầu heo, vịt luộc… Bởi mục đích chính cũng là khấn nguyện các vị thần bảo hộ ghe ngo đi theo giúp sức để các đội ghe của chùa giành chiến thắng trong hội đua sắp tới”.

Sau những lời khấn nguyện của các vị Achar, ban quản trị chùa, thầy cúng bắt đầu bằng màn thỉnh nhạc và dạo nhạc cúng ghe ngo với những bài ca cổ truyền thống với nhịp điệu đu đưa, theo trình tự các bước như: sene kru (cúng thần trên), chom riêng bork both tuk ngua (hát mở đầu) và run-tua (hát theo dàn). Mỗi một ghe ngo thường có một biểu tượng riêng, thông thường là các con vật có sức mạnh hoặc là có khả năng chạy nhanh như: sath neak (rồng), sath khla (hổ), sath tô (sư tử), sath sés (ngựa), reach sey (kỳ lân), đom rey (voi), neang mach chha (nàng tiên cá), rắn… Dựa theo con linh vật của từng đội ghe, nên khi hát xướng, thầy cúng cũng hát theo biểu tượng riêng để mời gọi thần linh phù hộ cho đội ghe ngo.

Trao đổi với chúng tôi, ông Liên Tứp - thầy cúng cho đội ghe ngo chùa Kom Pong Tróp chia sẻ: “Sau những nghi thức cúng đầu ghe xong, các vị chư tăng trong chùa cũng đến tụng kinh chúc phúc, buộc một miếng vải đỏ ngay đầu ghe ngo, rải nước cho tất cả VĐV có mặt để cầu sự bình an và tăng thêm sức mạnh, thi đấu tự tin để đạt kết quả cao. Khi sư chúc phúc, rải nước kết thúc, cũng là lúc tiếng trống, nhạc cụ truyền thống đồng loạt nổi lên, mọi người cùng nhau tiếp sức nhấc lên từng chiếc ghe ngo để di chuyển ra bờ kênh hạ xuống nước”.

Tương tự, theo cụ Kim Cho, một vị Achar chùa Pôthi Thlâng, xã Thới An Hội (Kế Sách), cúng đầu ghe và mũi ghe đều có chỗ đặt mâm bánh, trái cây, đầu heo hoặc gà, vịt tùy theo từng đội ghe ngo của các chùa. Thường các chùa đều chọn giờ, ngày lành tháng tốt để tổ chức hạ thủy chiếc ghe ngo. Đến giờ định, thầy cúng thắp nhang, đèn cầy mời gọi thần linh.

Cúng lặp lại như vậy đủ 3 lần rồi lấy dầu dừa thoa lên mũi ghe và chia cho các VĐV đứng xung quanh ghe thoa lên đầu cùng đưa tay lên, nguyện đoàn kết một lòng quyết tâm thi đấu để giành thứ hạng. Lễ nghi này có vai trò đặc biệt quan trọng, thể hiện niềm tin của đồng bào Khmer vào yếu tố tâm linh, tin vào sức mạnh của lực lượng siêu nhiên, có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của đội ghe ngo trong những cuộc đua. Sau lễ cúng, Sla-tho đôn (trái dừa trang trí để cúng) và đùm tóc rối tượng trưng cho nữ thần Neang Khmau được đặt lên mũi ghe trong suốt cuộc đua. Ngày nay, người ta thay đùm tóc rối bằng miếng vải đỏ (có một số đội vẫn giữ cho đến ngày nay).

Đối với đồng bào Khmer, nghi thức hạ thủy ghe ngo vừa mang tính truyền thống, vừa mang yếu tố tâm linh và là nét văn hóa độc đáo riêng. Ngày nay, nghi thức hạ thủy không chỉ một lần vào dịp lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo như trước, mà có khi nhiều lần trong năm (tùy theo điều kiện của các chùa) để tham gia các giải đua được các huyện, tỉnh bạn mời tham dự.

Thạch Pích

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: