• Văn hóa - Thể thao

Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng lần thứ IV, khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2019

Những chiếc Protip và ghe Kà hâu đua nhau khoe sắc

10/11/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 10/11/2019 | 06:00

STO - Hội thi Lôi Protip (thả đèn nước) và phục dựng ghe Kà hâu đã diễn ra khai mạc vào tối ngày 9-11, trên đoạn sông Maspéro từ giữa cầu C247 (cầu quay) và cầu 30-4 (cầu cao) khu vực trung tâm TP. Sóc Trăng. Đây là một trong chuỗi hoạt động của Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng lần thứ IV, khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2019.

Những chiếc Protip lung linh khoe sắc trên dòng sông Maspéro. Ảnh: Thạch Pích

Ngay từ chiều tối, tại các tuyến đường Điện Biên Phủ và Lý Thường Kiệt nơi diễn ra hội thi đông đảo người dân khắp nơi đến đây để thưởng lãm những chiếc Protip và ghe Kà hâu cùng nhau khoe sắc, đua tài, với những bóng đèn lung linh màu sắc, rực rỡ hoa văn được các nghệ nhân Khmer thiết kế theo mô típ ngôi chánh điện, hay con Naga (rồng). Anh Kim Thanh Dũng - một trong những thanh viên đang trang trí chiếc ghe Kà hâu chùa Prếk Ta Kuône, xã Thạnh Quới (Mỹ Xuyên) phấn khởi cho biết: “Chúng tôi chuẩn bị hơn 2 tháng nay, mục đích là mang đến cho du khách gần xa biết chiếc Kà hâu của chùa. Việc trang trí, nhà chùa sáng tạo thêm 4 con rồng hướng về 4 phương, trên có đặt một màn hình led để trình chiếu về quá trình chuẩn bị tập luyện của đội ghe ngo cũng như sơn sửa, vẽ hoa văn trên chiếc ghe Kà hâu. Mang đến đây được bà con khen đẹp, chúng tôi cũng cảm thấy vui lắm”. Chị Lâm Thị Sa Phi - theo đội ghe ngo đến từ tỉnh Bạc Liêu khi đến xem hội thi Lôi Protip bày tỏ: “Ở Bạc Liêu chúng tôi dù có đội ghe ngo tham gia hội đua, nhưng không có tổ chức hội thi như thế này. Năm nay, được đến xem không khí vui lắm, nhiều chiếc Protip trang trí bằng ánh đèn đẹp cực kỳ. Đặc biệt là ghe Kà hâu mang đến thật đẹp, với sắc màu lung linh trên dòng sông”.

Mỗi chiếc Protip có một nét đẹp riêng. Ảnh: Thạch Pích

Lôi Protip là một loại hình lễ hội văn hóa độc đáo xuất phát từ Phật giáo và phát triển theo điều kiện kinh tế đời sống xã hội của cộng đồng người Khmer. Từ một truyền thuyết gắn với tôn giáo là nhằm cúng chiếc răng nanh Phật Thích Ca được rắn thần Naga cất giữ nơi long cung. Ngoài ra, Protip cũng tượng trưng cho hàm răng dưới của Đức Phật ở lại hạ giới độ trì chúng sinh. Lễ hội còn mang ý nghĩa là để tạ ơn Prés thôrni (thần mặt đất) và Prés kôong kear (thần nước). Bởi theo quan niệm của đồng bào Khmer qua một năm lao động sản xuất và sinh hoạt hàng ngày, con người đã làm ô uế đến thiên nhiên, nên con người làm lễ cúng để tạ lỗi. Lôi Protip người ta muốn tưởng nhớ đến công ơn của đấng thiên nhiên đã phù hộ con người làm ăn sinh sống bình yên và mong muốn điều tốt lành hơn cho năm sau. Chính vì sự phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên và nhất là nước có một vai trò, vị trí quan trọng trong cuộc sống con người, nên đồng bào Khmer cho rằng, nước là một dạng vật chất có mặt trong vũ trụ từ rất sớm. Nước còn là biểu tượng của sự tinh khiết, trong trắng, mềm mại, hiền hòa, tự do và xem nước như vị thần có thể đem lại hạnh phúc nhưng cũng có thể đưa đến tai họa cho con người. Lôi Protip đã ăn sâu vào tâm thức của người Khmer và duy trì từ đời này đến đời khác. Hơn nữa, Lôi Protip còn nhắc nhở con người quay về với thiên nhiên, làm sạch môi trường sống, bảo vệ đất và nước, đó là hai yếu tố quan trọng giúp cho sự tồn tại của nhân loại.

Chiếc ghe Kà hâu chùa Prếk Ta Kuôn (Mỹ Xuyên). Ảnh: Thạch Pích

Hội thi năm nay có 11 chiếc Protip đến từ các đơn vị huyện, thị xã và thành phố và 4 chiếc ghe Kà hâu của các chùa: Prếk Ta Kuône, Phnôr Kam Bốt (Mỹ Xuyên), Tum Núp (Châu Thành) và Bâng Kók (Mỹ Tú). Mỗi chiếc Protip hay Kà hâu đều đặc sắc và mang đậm chất văn hóa của dân tộc. Đồng chí Sơn Thanh Liêm - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: “Hội thi Lôi Protip và phục dựng ghe Kà hâu được tổ chức hàng năm là nhằm bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, giàu tính nhân văn của đồng bào Khmer, nó còn là một sản phẩm du lịch hấp dẫn, trở thành một điểm nhấn về những sắc màu văn hóa - du lịch của Sóc Trăng để thu hút du khách đến với tỉnh và góp phần cho không khí lễ hội thêm tưng bừng, náo nhiệt, tạo nên sự đa dạng của văn hóa Sóc Trăng nói riêng và của vùng ĐBSCL nói chung. Đồng thời, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc, phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng đồng bào các dân tộc, gắn với kế hoạch phát triển chung của cả nước, đưa vùng đồng bào các dân tộc cùng cả nước thực hiện thành công tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Thạch Pích

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: