• Văn hóa - Thể thao

Những nghệ nhân làm đẹp cho chiếc ghe ngo

18/10/2019 15:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 18/10/2019 | 15:00

STO - Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo truyền thống, các chùa Nam tông Khmer, nơi có đội ghe ngo tham gia đều có kế hoạch chuẩn bị khá chu đáo từ khâu tuyển chọn lực lượng vận động viên, sửa chữa, đến đóng chiếc ghe ngo mới. Theo đó, khâu làm đẹp cho những chiếc ghe ngo ấy là phải kể đến những bàn tay khéo léo và sự góp công không nhỏ từ các nghệ nhân Khmer.

Đến với chùa Pua Pus Tứk không khí chuẩn bị cho mùa lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo khá náo nhiệt. Năm nay, nhà chùa tiếp tục đóng mới và mời nghệ nhân đến sơn phết, vẽ hoa văn toàn bộ trên thân ghe. Dưới mái nhà dành cho chiếc ghe ngo của chùa, chúng tôi được tận mắt chứng kiến 2 nghệ nhân Lâm Phiên và Sơn Sà The chăm chú vẽ hình linh vật, đường nét hoa văn rất tỉ mỉ.

Anh Lâm Phiên cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ gần tới mùa hội đua ghe ngo, chúng tôi được ban quản trị ở một số chùa mời đi sơn vẽ lại cho những chiếc ghe ngo. Những hoa văn trên thân ghe thường vẽ theo yêu cầu của nhà chùa. Anh thấy đó, ngoài vẽ các linh vật Sath Krud (chim thần) đặt trên mũi ghe, chúng tôi còn vẽ hình Sath Krud bắt con rồng ở 2 bên mũi ghe ngo, nhà chùa muốn thể hiện sức mạnh cho đội ghe ngo của mình. Bởi họ cho rằng, một linh vật khó có thể tồn tại trong thế giới tự nhiên, nhưng lại xuất hiện khá phong phú trong các câu chuyện thần thoại, trong những công trình kiến trúc tôn giáo”.

Đôi nghệ nhân Lâm Phiên và Sơn Sà The đang làm đẹp cho chiếc ghe ngo chùa Pua Pús Tứk. Ảnh: Thạch Pích

Từ lâu, hình tượng Sath Krud đã gắn chặt trong đời sống tâm linh và đời sống thẩm mỹ của người Khmer. Theo ban quản trị, từ khi hình thành được chiếc ghe ngo, sư sãi và bà con phật tử đã thống nhất chọn lựa con vật linh thiêng Sath Krud làm biểu tượng cho đội ghe ngo của mình. Khi trò chuyện với chúng tôi, chị Sơn Sà The chia sẻ: “Một chiếc ghe ngo mới, chúng tôi vẽ, phối màu trong thời gian khoảng từ 3 đến 4 ngày (tùy điều kiện thời tiết). Năm nay, ngoài vẽ chiếc ghe ngo mới cho chùa Pua Pús Tứk, chúng tôi còn vẽ 2 chiếc cho chùa Đăy Ta Suốs, xã Phú Mỹ (Mỹ Tú), 2 chiếc ghe ngo cho chùa Ompuyear, xã Thạnh Phú (Mỹ Xuyên)… Nếu tính từ trước đến nay, chúng tôi vẽ hàng chục chiếc ghe ngo, không chỉ trong tỉnh mà một số chùa của các tỉnh Kiên Giang, Trà Vinh cũng mời đi vẽ”.

Theo nghệ nhân Lâm Phiên, nghề này phải có “máu” đam mê và đòi hỏi thợ vẽ phải am hiểu về thể loại hoa văn Khmer, cùng với đó là vẽ theo ý tưởng, nhu cầu của các chùa. Dù gần đến mùa hội đua hơi mệt đôi chút, nhưng gia đình rất vui khi đã góp phần tạo màu sắc cho lễ hội thêm rực rỡ.

Còn đến với chùa Prếk Ta Kuôn, xã Thạnh Quới (Mỹ Xuyên), nơi đây không chỉ sở hữu những ghe ngo mà còn có cả chiếc ghe Ka hâu được lưu giữ gần 100 năm nay. Dưới mái nhà tĩnh lặng, hình ảnh một nghệ nhân mặc áo cà sa đang say mê, chăm chút từng đường nét hoa văn sắc sảo của mình. Điều đó càng làm cho tôi bị lôi cuốn và ngắm nhìn tận mắt những màu sắc khắc họa, tinh xảo, sống động từ phần đầu cho đến phần đuôi của 2 chiếc ghe.

Sư Sơn Bình Định chia sẻ: “Trước đây, sư thường vẽ các tác phẩm Đức Phật trên tường của ngôi chánh điện, ngôi am, sala. Còn sơn vẽ trên thân ghe đây là lần đầu tiên sư đảm nhận. Đó là điều sư mong ước từ lâu, nay đã trở thành hiện thực. 2 chiếc ghe này, một mình sư vẽ trong thời gian hơn 1 tháng. Dù vậy, sư cảm thấy rất vui. Khi sơn, vẽ cho nhà chùa hoàn thành, sư được một chùa ở huyện Cầu Kè và một chùa của đội ghe ngo Càng Long cũng thỉnh đi vẽ trên thân ghe ngo nữa”.

Thượng tọa Dương Nê - Trụ trì chùa Prếk Ta Kuôn cho biết: “Qua bàn tay khéo léo của sư Sơn Bình Định sơn, vẽ trên thân ghe, không chỉ bản thân sư mà bà con phật tử, tay bơi đến chiêm ngưỡng đều đánh giá cao về mặt nghệ thuật, cũng như độ tinh xảo rất cao. Nhờ có thợ sẵn trong chùa, năm nay ban quản trị chùa tiết kiệm được một phần kinh phí. Hy vọng, sư Bình Định sẽ phát huy hết tài năng nghệ thuật của mình để mang đến cho công chúng chiêm ngưỡng ”.

Thạch Pích

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: