• Nông nghiệp

GÓC NHÌN KINH TẾ

Ẩn số giá tôm năm 2018

30/03/2018 19:22 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 30/03/2018 | 19:22

STO - Giá tôm nguyên liệu ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu giảm mạnh từ cuối năm 2017 và đến nay, khiến người nuôi tôm không khỏi lo lắng, bởi thông thường vào thời điểm này giá tôm thường cao do nguồn cung thiếu hụt. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, việc tôm mất giá sâu từ đầu năm đến nay là hoàn toàn phù hợp với xu hướng cung - cầu và chính sách từ các nước nhập khẩu.

Dù chủ yếu là tôm cỡ nhỏ, nhưng sản lượng tôm thu hoạch từ đầu năm đến nay vẫn tăng 30% – 40% so với cùng kỳ.

Do không xảy ra mưa cuối mùa và trái mùa lớn như năm ngoái, nên phần lớn diện tích tôm thả nuôi những tháng cuối năm 2017 đều cho thu hoạch khá, khiến sản lượng tôm từ đầu năm đến nay cao hơn so với cùng kỳ 30% - 40%. Tuy nhiên, tôm thu hoạch từ đầu năm đến nay chủ yếu là tôm thẻ cỡ nhỏ (80 – 100 con/kg) do ảnh hưởng thời tiết lạnh, nuôi mật độ cao nên tôm chậm lớn. 

Trong khi đó, vụ tôm năm 2017, toàn vùng trúng mùa, nên hầu hết các nhà máy đều có tôm dự trữ cho hoạt động đầu năm tương đối khá, khiến nguồn cung vượt cầu. Ông Võ Văn Phục – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam cho biết: “Quý I năm nay, không còn cảnh tranh mua vì bức xúc về nguyên liệu, nên tiến độ thu mua của các nhà máy có phần chậm hơn mọi năm. Những ngày gần đây, nếu chịu thu mua, mỗi ngày doanh nghiệp có thể mua vào 40 - 50 tấn, thậm chí có thể cao hơn”.

Các doanh nghiệp không còn cạnh tranh thu mua vì vẫn đủ nguồn nguyên liệu dự trữ cho chế biến, nên khiến giá tôm giảm mạnh.

Giải thích thêm về việc giá tôm giảm mạnh trong những tháng đầu năm, theo ông Phục, ngoài sản lượng tôm đầu năm tăng, còn do vấn đề tồn kho của cả doanh nghiệp trong nước lẫn các nhà nhập khẩu mà nguyên nhân chính là cả Việt Nam lẫn một số nước đều trúng mùa tôm năm 2017. Trong khi đó, nước Mỹ vừa trải qua một mùa đông khắc nghiệt, khiến việc tiêu dùng tôm bị chậm lại, các nhà nhập khẩu không vội nhập hàng, nếu mua có thể họ ép giá. Ngoài ra, những thông tin dự báo sản lượng tôm thế giới, cũng như mục tiêu xuất khẩu tôm năm 2018 của Việt Nam và một số nước đều tăng… cũng góp phần làm giảm giá tôm trên thị trường. 

Tại Sóc Trăng, giá tôm thẻ loại 80 con/kg vào ngày 23-3 được các nhà máy thu mua chỉ ở mức 104.000 đồng/kg, tức giảm khoảng 6.000 đồng/kg so với đầu tháng, giảm khoảng 20.000 đồng/kg so với lúc cao điểm của vụ nuôi năm 2017 và loại 100 con/kg chỉ còn hơn 90.000 đồng/kg. Đối với tôm thẻ cỡ lớn, dù sản lượng không nhiều, nhưng giá cũng giảm mạnh. Cụ thể, tôm thẻ loại 50 con/kg, giá chỉ còn 132.000 đồng/kg trở lại; loại 40 con/kg giá 140.000 đồng – 145.000 đồng/kg.

Theo dự báo của các doanh nghiệp, doanh số xuất khẩu vào thị trường Mỹ năm nay của một số doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ bị giảm, do giảm giá và giảm sản lượng. Thực tế cho thấy, hiện giá tôm bán vào thị trường Mỹ đang thấp hơn 5% – 10% so với cùng kỳ năm 2017; còn so với giá tôm một số nước, tôm Việt Nam đang có giá cao hơn khoảng 2 USD/kg. 

Một số dự báo còn đưa ra kịch bản, giá tôm có thể giảm sâu như năm 2008, nếu các nước đồng loạt trúng mùa và mức thuế chống bán phá giá tôm của Việt Nam vào thị trường Mỹ không được cải thiện trong kết luận chính thức vào khoảng tháng 7 đến tháng 9 tới đây. Vì vậy, ngay từ bây giờ, doanh nghiệp đã chủ động phương án đối phó bằng cách chỉ đưa vào thị trường này những sản phẩm tôm không thuộc diện chịu thuế chống bán phá giá, hoặc sản phẩm tôm có giá trị gia tăng cao; đồng thời tập trung phát triển ở các thị trường khác.

Hiện tại, vẫn rất khó để đưa ra những nhận định tương đối chính xác cho giá tôm khi vào vụ thu hoạch chính, nhưng theo các doanh nghiệp, để hạn chế rủi ro về giá, trước mắt, người nuôi tôm nên nuôi rải vụ để sản lượng được phân bổ đều trong năm; phải cập nhật thông tin thị trường để chọn kích cỡ tôm phù hợp khi thu hoạch; chọn mô hình, quy trình nuôi để có con tôm đạt màu sắc, chất lượng theo nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường Trung Quốc với sức tiêu thụ khá lớn. 

Khi ẩn số về giá tôm năm 2018 vẫn chưa có lời giải chính thức, để hỗ trợ người nuôi tôm và doanh nghiệp, ngành chức năng cần có giải pháp ổn định thị trường giá cả, chất lượng sản phẩm đầu vào, nhất là con giống và thức ăn để giúp người nuôi giảm giá thành, vì hiện tại, giá hai mặt hàng này đã tăng khá nhiều so với năm 2017.

Tích Chu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: