• Nông nghiệp

Biện pháp giảm nhẹ thiệt hại biến đổi khí hậu vụ Hè - Thu

16/11/2019 09:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 16/11/2019 | 09:00

STO - Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, tình hình thời tiết, thủy văn những tháng còn lại của năm 2019 diễn biến phức tạp, do đó cần chủ động đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan, như: mưa lớn, áp thấp nhiệt đới, bão…

Vụ lúa Hè - Thu 2019, toàn tỉnh đã thu hoạch hơn 42.380ha, đạt 29% diện tích gieo trồng, diện tích còn lại chủ yếu ở giai đoạn từ làm đòng đến trổ chín. Giống lúa gieo trồng đa dạng, tập trung chủ yếu là các nhóm lúa thơm, đặc sản và nhóm lúa chất lượng cao, là các giống lúa mẫn cảm với các loại dịch hại. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích lúa nhiễm dịch hại hơn 14.300ha, chủ yếu là rầy nâu, sâu cuốn lá, đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, cháy bìa lá, lem lép hạt...

Trước tình hình dịch hại tấn công trên lúa, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nguyễn Thành Phước nêu một số giải pháp, trong thời điểm này bà con nên thăm đồng thường xuyên, phát hiện và xử lý kịp thời theo nguyên tắc “4 đúng” các loại dịch hại quan trọng, như: rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, các bệnh do vi khuẩn và thực hiện biện pháp phòng trị rầy nâu và bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá, là khi thấy rầy nâu nở rộ ở tuổi từ 1 - 3, mật độ trên 2.000 con/m2 thì tiến hành phun trừ bằng các loại thuốc đặc trị rầy nâu, phun thuốc trừ rầy nâu cần tuân thủ nguyên tắc “4 đúng”, để thuốc dễ tiếp xúc với rầy nâu tăng hiệu lực phòng trừ của thuốc.

Trong vụ mùa Đông - Xuân 2019 - 2020 nông dân xuống giống theo đúng lịch thời vụ để tránh ảnh hưởng hạn, mặn. Ảnh: Thúy Liễu

Ngoài ra, bà con cần tăng cường sử dụng phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học như nấm xanh, nấm trắng… ngay từ đầu vụ để giảm áp lực của sâu rầy, đặc biệt là rầy nâu ở giai đoạn sau. Áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như công nghệ sinh thái, 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, tưới ngập khô xen kẽ giúp rễ lúa ăn sâu chống chịu với điều kiện bất lợi thời tiết vụ Hè - Thu. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nếu xuất hiện các trận mưa lớn gây ngập úng, lốc xoáy gây đổ ngã cho lúa, tập trung các phương tiện bơm thoát nhanh chóng và thu hoạch kịp thời diện tích đã chín với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Tránh bón thừa phân đạm, tăng cường sử dụng phân bón có chứa các chất kali, canxi, silic giúp lúa cứng cây, hạn chế đổ ngã…

Ngoài công tác đảm bảo vụ lúa Hè - Thu năm 2019, hiện trên địa bàn tỉnh cũng đang triển khai sản xuất lúa vụ Thu - Đông, mùa 2019 - 2020 và vụ Đông - Xuân 2019 - 2020 tại các địa phương. Để các vụ mùa thắng lớn, ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân sử dụng các giống lúa phù hợp từng vùng. “Sản xuất lúa Thu - Đông, mùa năm 2019 -  2020 và vụ Đông - Xuân năm 2019 - 2020 thì địa phương, đơn vị chuyên môn cần lưu ý rầy nâu trên đồng ruộng và theo dõi bẫy đèn ở địa phương để chỉ đạo xuống giống theo lịch né rầy nhằm hạn chế thấp nhất khả năng rầy nâu lan truyền bệnh. Bảo đảm thời gian cách ly giữa 2 vụ lúa ít nhất 25 ngày đến 30 ngày; bố trí thời vụ tránh mặn, hạn cuối vụ ở những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng cao, nhất là ở các khu vực thuộc Dự án Long Phú - Tiếp Nhựt, Ba Rinh - Tà Liêm và vùng giáp ranh tỉnh Bạc Liêu” - đồng chí Nguyễn Thành Phước chia sẻ thêm.

Cũng theo đồng chí Phước, riêng đối với vụ lúa Thu - Đông tại những vùng có điều kiện sản xuất khó khăn, không cho hiệu quả kinh tế thì ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chuyển đổi cơ cấu sang cây trồng khác hoặc nuôi trồng thủy sản cũng như sử dụng giống xác nhận trong sản xuất; thay đổi cơ cấu giống, sử dụng các giống lúa có năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống chịu với những điều kiện bất lợi về thời tiết, dịch bệnh và có thị trường tiêu thụ, nông dân nên áp dụng các biện pháp sinh học trong canh tác lúa như sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học bảo vệ thực vật…

Đồng chí Huỳnh Ngọc Vân - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Đơn vị sẽ tăng cường dự báo tình hình xâm nhập mặn hay các đợt triều cường, đặc biệt xảy ra vào tháng 12-2019, vào 1-2020 tới cũng như phối hợp các đơn vị chuyên môn thường xuyên thông báo tình hình khí tượng thủy văn. Đồng thời, xây dựng lịch thời vụ sản xuất, cơ cấu giống phù hợp; chỉ đạo sản xuất chặt chẽ từng mùa vụ; thông tin tình hình dịch hại và đề xuất các giải pháp phòng trừ. Cung ứng đầy đủ giống đạt chất lượng phục vụ sản xuất trong tỉnh. Phục tráng những giống chất lượng cao, chống chịu các điều kiện bất lợi như phèn, mặn, đáp ứng yêu cầu thị trường”.

Theo dự báo thì thời tiết sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của người dân trong vụ mùa năm 2019 -  2020, các cấp, các ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động trong công tác chỉ đạo đơn vị trực thuộc chuyên môn rà soát lại tình hình thực tế trên địa bàn và có kế hoạch sản xuất, xây dựng lịch thời vụ cụ thể cho từng vùng cũng như phân công cán bộ kỹ thuật phụ trách địa bàn, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra kịp thời nắm tình hình và đề xuất các giải pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và dịch hại gây ra. Cần tập trung thực hiện các hình thức tuyên truyền đến người dân để mọi người nắm rõ diễn biến thời tiết trong mùa khô 2019 - 2020, từ đó phòng tránh các tác hại đến sản xuất và đời sống người dân…

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: