• Nông nghiệp

Cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của dự án VnSAT

22/03/2019 12:50 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 22/03/2019 | 12:50

STO - Đó là ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) tại Việt Nam Lê Quốc Doanh tại Hội nghị tổng kết năm 2018 và triển khai thực hiện dự án VnSAT năm 2019 vào sáng ngày 22-3.

Hội nghị do Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng và Ngân hàng Thế giới tổ chức tại Trung tâm Văn hóa và Hội nghị tỉnh Sóc Trăng. Tham dự hội nghị có đồng chí Lê Văn Hiểu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng; các đồng chí đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo UBND và Sở NN-PTNT 13 tỉnh tham gia thực hiện dự án.

Quang cảnh hội nghị.

Theo Ban Quản lý Dự án VnSAT, trong 3 năm (2016 - 2018) thực hiện dự án, thông qua các hoạt động đào tạo quy trình canh tác bền vững, dự án đã tác động tích cực tới 421 tổ chức nông dân (TCND) ở cả 2 vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Tây Nguyên; đào tạo được 206.044 hộ nông dân về thực hành sản xuất cà phê và lúa gạo bền vững; tạo điều kiện cho liên kết chuỗi nông dân sản xuất lúa và doanh nghiệp thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm ở các tỉnh ĐBSCL; các vườn ươm cà phê được dự án hỗ trợ đã đi vào sản xuất và đồng thời dự án đã thực hiện chứng nhận vườn ươm đạt chuẩn cho 43 vườn ươm.

Dự án VnSAT do Ngân hàng Thế giới tài trợ và được triển khai thực hiện tại 13 tỉnh, với mục tiêu đổi mới phương thức quản lý canh tác bền vững và nâng cao chuỗi giá trị cho cây cà phê ở Tây Nguyên và lúa gạo ở ĐBSCL, với tổng vốn hỗ trợ hơn 300 triệu USD. Theo đó, có khoảng 140.000 hộ nông dân trồng lúa ở ĐBSCL được tiếp cận áp dụng công nghệ tiên tiến, lợi nhuận của nông dân trên mỗi hécta tăng thêm khoảng 30%, tổng giá trị cho toàn vùng từ 40 triệu USD đến 60 triệu USD/năm; khoảng 63.000 hộ nông dân ở Tây Nguyên được tiếp cận áp dụng biện pháp canh tác bền vững, tái canh tác cà phê, thu nhập tăng khoảng 20% và giá trị tăng thêm cho toàn vùng khoảng 250 triệu USD cho 5 năm thực hiện dự án.

Trao quyết định công nhận đặc cách và chính thức giống lúa thơm ST24.

Đồng chí Lê Văn Hiểu cho biết: “Xác định dự án VnSAT góp phần quan trọng trong thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo động lực và điều kiện ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, thúc đẩy phát triển cánh đồng lớn, hợp tác hóa, cơ giới hóa trong sản xuất lúa. Qua 3 năm triển khai thực hiện, dự án đạt gần 70% mục tiêu về tập huấn đào tạo, gần 50% trong việc áp dụng, cơ bản làm thay đổi lớn hành vi, nhận thức người trồng lúa từ việc sản xuất lúa kém bền vững sang kỹ thuật sản xuất bền vững. Nâng chất, mở rộng, phát triển 30 hợp tác xã/30 xã trong vùng dự án, có 10 hợp tác xã đã được Ngân hàng Thế giới và VnSAT đầu tư hạ tầng và thiết bị. Đến nay, có 3 tiểu dự án khởi công và 7 tiểu dự án dự kiến sẽ khởi công trong quý II-2019”.

Tại hội nghị, đại diện các đơn vị thực hiện dự án đã trình bày những thuận lợi và khó khăn trong quá trình thực hiện. Qua đó, đề xuất một số kiến nghị như: sớm giao vốn kế hoạch năm 2019 cho các tỉnh, thành phố tham gia thực hiện dự án; xem xét lồng ghép, phối hợp các nguồn vốn địa phương, các chương trình đầu tư để khắc phục tình trạng thiếu vốn đóng góp của TCND, hợp tác xã; bổ sung máy cấy, máy phun hạt vào danh mục hỗ trợ của TCND, hợp tác xã…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Lê Quốc Doanh đánh giá cao kết quả thực hiện dự án tại các tỉnh, tuy nhiên vẫn còn những mặt tồn tại, vướng mắc như: về kế hoạch giao vốn; một số hoạt động đã hết hoặc chưa bố trí vốn trong kế hoạch tổng thể làm ảnh hưởng đến công tác quản lý, chuẩn bị đầu tư và giải ngân; cơ cấu bộ máy các Ban Quản lý dự án cấp tỉnh có nhiều cán bộ kiêm nhiệm và hầu hết chưa có lãnh đạo có chuyên môn và kinh nghiệm hạ tầng; yêu cầu đóng góp vốn đối ứng của TCND, hợp tác xã… Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, Ban Chỉ đạo quản lý dự án phải sớm tổ chức cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo để có giải pháp giải quyết các vấn đề tồn tại trên.

Dịp này, Bộ NN-PTNN công bố trao quyết định công nhận đặc cách và chính thức 3 giống lúa mới, gồm: giống lúa thơm ST24 của nhóm tác giả Trần Tấn Phương, Hồ Quang Cua, Trần Thị Thu Hương - Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí; giống lúa thuần OM232 của tác giả, đơn vị Viện lúa ĐBSCL và giống lúa thuần BC15 của Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình.

Tuyết Xuân

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: