• Nông nghiệp

Cây trồng “sống” cùng hạn, mặn - kỳ 1

29/07/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 29/07/2020 | 06:00

STO - Sóc Trăng là tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, do điều kiện tự nhiên nên các vùng đất được phân định thành các vùng nước: mặn, lợ, ngọt, tạo thuận lợi cho người dân trong phát triển trồng trọt, chăn nuôi. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, những khu vực được xem là “thủ phủ” của vườn cây ăn trái đã bị các đợt hạn, mặn “càn quét”, gây thiệt hại đến năng suất cây trồng, nặng nề hơn khi những vườn cây trồng ngày nào cho trái trĩu cành, giờ thành những khúc gỗ khô… Trước thực trạng trên, ngành chức năng cùng chung sức với người dân ráo riết tìm giải pháp thích ứng với hạn, mặn.

KỲ 1: NỖI NIỀM NGƯỜI DÂN VÙNG HẠN, MẶN

Ánh mắt buồn bã nhìn những cây chôm chôm mới cách đây vài tháng cành lá sum suê nay trơ trụi không còn chiếc lá nào nên đành chặt bỏ, ông Kim Nhi, ấp An Thành, thị trấn Kế Sách (Kế Sách) cảm thấy tiếc nuối quá đỗi bởi cây chôm chôm đã mấy chục năm tuổi, cành lá tốt tươi, nếu thời điểm hiện tại cây còn sống bình thường chắc chắn mọi người sẽ thỏa mắt ngắm nhìn cây trái sum suê.

Mất ngủ vì hạn mặn

Ông Kim Nhi, ấp An Thành, thị trấn Kế Sách (Kế Sách) buồn bã mỗi khi nhìn vườn chôm chôm xanh tốt ngày nào giờ chỉ còn là những cây khô trụi lá do ảnh hưởng hạn, mặn. Ảnh: THÚY LIỄU

Ông Kim Nhi gọi vọng vào nhà để mấy đứa cháu ra phụ kéo các nhánh cây chôm chôm xếp cho gọn gàng vào một góc vườn để dành làm củi. Ông Nhi bộc bạch: “Tôi không nghĩ rằng công sức mấy mươi năm trồng cây chỉ vì nước mặn mà nó bị chết khô như thế này. Từ trước đến giờ Kế Sách mình nổi tiếng là vùng nước ngọt quanh năm, là “thủ phủ” của các vườn cây ăn trái đặc sản bởi một phần nhờ nguồn nước ngọt dồi dào nhưng không ngờ rằng, năm 2016, đợt hạn, mặn bất ngờ đã làm ảnh hưởng nhiều vườn cây của người dân nơi đây. Lúc đó, vườn tôi ở sâu phía trong, khi nghe thông tin mặn xâm nhập, tôi kịp thời đậy ngay các cống, bọng nên giữ được vườn chôm chôm không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đợt hạn, mặn năm 2020 này xem như tôi đã “thua toàn tập” vì vườn chôm chôm 2 công, cây hơn 20 năm tuổi đã chết sạch, những mùa vụ tiếp theo sẽ không còn cây chôm chôm nào trong vườn nữa rồi. Cả tháng nay, hễ ra sau vườn nhìn thấy cây khô queo là tôi lại không ngủ được bởi thu nhập hàng chục triệu đồng/năm bán trái chôm chôm nay đã không còn nữa. Tới đây, đời sống của gia đình tôi sẽ gặp khó khăn, vì giờ đã lớn tuổi không thể làm lụng nhiều kiếm thêm thu nhập”.

Vườn ổi của chị Nguyễn Thị Linh, ấp An Ninh 1, thị trấn Kế Sách (Kế Sách) bị chết khô vì ảnh hưởng hạn, mặn mùa khô 2019 - 2020. Ảnh: THÚY LIỄU

Tương tự ông Nhi, hơn 300 cây mít Thái siêu sớm cùng vườn ổi Đài Loan đang hái trái của chị Nguyễn Thị Linh, ấp An Ninh 1, thị trấn Kế Sách (Kế Sách) bị ảnh hưởng hạn, mặn đã chết sạch, thưa thớt chỉ còn vài cây ổi. Chỉ từng cây trong khu vườn rộng hơn 2.000m2 đang độ cho trái giờ chỉ còn lại những cây khô, chị Linh tâm sự: “Tôi buồn nhất là thấy cả vườn mít Thái đã chết khi cây mới vào vụ cho trái đầu tiên. Mỗi cây đều mang từ 2 trái - 3 trái, hứa hẹn một vụ mít thành công để lấy lại số tiền vốn đầu tư ban đầu lên đến vài chục triệu đồng, nhưng không ngờ nước mặn xâm nhập vào vườn không hay nên lấy nước mặn đó tưới cho cây, giờ thiệt hại nặng nề, xem như đã mất trắng”.

Nông dân nghĩ cách ứng phó

Đưa chúng tôi tham quan vườn cây măng cụt của gia đình bị ảnh hưởng hạn, mặn, ông Lâm Thanh Sơn, ấp An Ninh 1, thị trấn Kế Sách (Kế Sách) cho biết, hơn 60 năm tuổi đời, ông đã gắn bó với vùng đất Kế Sách bao đời nay. Từ thời ông, bà, việc dự đoán thời tiết chỉ dựa vào kinh nghiệm là chính, bởi người dân Kế Sách nghĩ rằng đây là vùng nước ngọt trù phú quanh năm và được phù sa bồi đắp bởi dòng sông Hậu hiền hòa nhưng ngày nay, bà con nhà vườn đã “thấm đòn đau” khi vào năm 2016, nước mặn tràn về gây thiệt hại nặng nề nhiều diện tích vườn cây ăn trái trên địa bàn huyện.

Tâm sự cùng chúng tôi, ông Sơn cho rằng vườn cây măng cụt đã có lâu đời, do ông bà để lại nên ông sẽ duy trì khu vườn bằng cách liên tục cập nhật thông tin trên các phương tiện truyền thông về tình hình thời tiết trong các tháng mùa khô nhằm kịp thời ứng phó hạn, mặn. Cách ông làm là tuyệt đối không để nước mặn xâm nhập vào các ao vườn và tuyệt đối không tưới nước dưới ao trên cây măng cụt lâu năm trong các tháng nắng hạn, tận dụng nguồn nước ngọt ngoài sông, nước mưa rửa ao trong vườn khi qua đợt hạn, mặn để ao nước hoàn toàn ngọt mới lấy nước tưới. Còn chị Linh thì để ứng phó hạn, mặn trên cây ăn trái, tới đây nếu có trồng mới chị sẽ quan tâm quản lý tốt hơn việc nước mặn rò rỉ vào vườn. Riêng ông Nhi nhất định sẽ đốn hạ, dọn sạch cả khu vườn chôm chôm chuyển đổi trồng dừa.

THÚY LIỄU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: