• Nông nghiệp

Cây trồng “sống” cùng hạn, mặn - kỳ 2

30/07/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 30/07/2020 | 06:00

STO - Sóc Trăng là tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, do điều kiện tự nhiên nên các vùng đất được phân định thành các vùng nước: mặn, lợ, ngọt, tạo thuận lợi cho người dân trong phát triển trồng trọt, chăn nuôi. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, những khu vực được xem là “thủ phủ” của vườn cây ăn trái đã bị các đợt hạn, mặn “càn quét”, gây thiệt hại đến năng suất cây trồng, nặng nề hơn khi những vườn cây trồng ngày nào cho trái trĩu cành, giờ thành những khúc gỗ khô… Trước thực trạng trên, ngành chức năng cùng chung sức với người dân ráo riết tìm giải pháp thích ứng với hạn, mặn.

Kỳ 2: “Trái ngọt” vùng hạn, mặn

“Cái khó ló cái khôn”, người dân đã tìm hướng đi phù hợp trong lựa chọn loại cây trồng thích ứng với hạn, mặn. Theo đó, một số loại cây trồng đã bén rễ tại các địa phương giữa mùa hạn, mặn. Để sản xuất cây ăn trái trên địa bàn toàn tỉnh hiệu quả, Sóc Trăng đã quy hoạch vùng trồng nhằm định hướng cho nhà vườn phát triển sản xuất, nhất là trong điều kiện hạn, mặn.

Cây bén rễ giữa mùa hạn, mặn

“Tôi đang trồng dừa thay thế cho vườn cam sành vừa bị hạn, mặn gây thiệt hại hết 5 công (5.000m2), mất thu nhập hơn 300 triệu đồng” - anh Đào Ngọc Minh, ấp Thiện Tánh, xã Thuận Hưng (Mỹ Tú) vừa chia sẻ vừa trồng những trái dừa đã lên cây xuống lỗ đất đã đào. Ánh mắt anh Minh rạng ngời niềm vui khi nhìn về phía vườn mãng cầu gai hơn 8 công của gia đình, nở nụ cười tươi rói, anh Minh cho biết, vẫn còn vườn mãng cầu gai sống tốt qua các mùa hạn, mặn. Chính vườn mãng cầu đã cho anh thêm kinh nghiệm tốt trong cách lựa chọn loại cây trồng thích ứng hạn, mặn.

Anh Đào Ngọc Minh, ấp Thiện Tánh, xã Thuận Hưng (Mỹ Tú) khoe vườn mãng cầu gai 8 năm tuổi cho thu nhập cả trăm triệu đồng/năm. Ảnh: THÚY LIỄU

Rửa xong đôi tay dính bùn, anh Minh nhiệt tình dẫn chúng tôi tham quan vườn mãng cầu hơn 8 năm tuổi. Chủ nhân khu vườn nắm rất rõ từng gốc cây mãng cầu trong vườn có diện tích 8 công. Anh Minh tâm tình, mấy năm qua nhờ cây mãng cầu gai mà đời sống gia đình anh ổn định. Điều này cho thấy việc chuyển đổi cây lúa sang mãng cầu là sáng suốt. “Trước đây, toàn bộ diện tích vườn mãng cầu tôi làm lúa. Tuy nhiên, tôi thường xuyên chịu cảnh mất mùa được giá và ngược lại, cộng thêm có năm nước mặn gây thất thu nặng. Thấy nhiều bà con ở các địa phương khác trồng mãng cầu gai lợi nhuận tốt, tôi chuyển sang trồng chúng, tính đến nay đã thu hoạch trái hơn 6 năm” - anh Minh bộc bạch. Cũng theo anh Minh, không biết rõ mãng cầu gai chịu được độ mặn bao nhiêu phần ngàn nhưng đợt hạn, mặn năm 2016, nhiều diện tích vườn cây ăn trái của người dân tại các địa phương bị thiệt hại rất lớn, vườn mãng cầu gai của anh lúc đó khoảng 2 năm tuổi vẫn phát triển tốt, xanh tươi mơn mởn, trái ra đầy cành đến mức phải hái bớt để trái có độ lớn đồng đều nhau. Đồng thời, trong suốt quá trình trồng mãng cầu, anh Minh cũng không lo lắng khi hạn, mặn đến. Trong đợt hạn, mặn vừa xảy ra (2019 - 2020), anh vẫn lấy nước tưới cho vườn mãng cầu, cây ra hoa kết trái bình thường. Riêng vườn cam sành, cam xoàn hơn 1ha, anh Minh luôn theo dõi độ mặn của nước để tranh thủ nước ngọt đưa vào vườn tưới cho cây nhưng hơn 50% diện tích vườn bị thiệt hại, trong đó 5 công cam sành chết rụi hoàn toàn, còn lại cây cam xoàn bị rụng lá hơn 50% và đang được “chăm sóc đặc biệt” để chờ phục hồi. “Qua kinh nghiệm nhiều năm trồng mãng cầu gai, tôi thấy đây là loại cây trồng thích nghi tốt vùng nước nhiễm mặn, phèn. Nó như loại cây rừng, có sức sống mãnh liệt, cây lớn tầm 2 năm tuổi không tưới vài tuần vẫn xanh tươi, năng suất trái rất tốt, cây 6 năm tuổi cho khoảng 30kg trái/năm và cây có tuổi thọ hơn 20 năm nếu chăm sóc tốt” - anh Minh đúc kết.

Ông Nguyễn Văn Hạnh, ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Tú (Mỹ Tú) bên vườn dừa dứa cho thu nhập 5 - 7 triệu đồng/tháng. Ảnh: THÚY LIỄU

Dưới ánh nắng gay gắt của những ngày hè, ngồi dưới tán cây dừa xanh tươi, thưởng thức từng ngụm nước dừa thơm mùi lá dứa cảm giác thật thoải mái, càng thích thú hơn nữa khi được ngắm nhìn những quầy dừa dứa to lớn đeo bám đầy cây của ông Nguyễn Văn Hạnh, ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Tú (Mỹ Tú). Uống nước dừa thơm mùi lá dứa, kể cả bông dừa đang trổ cũng tỏa mùi thơm của lá dứa, bao mệt nhọc vượt chặng đường xa trong tôi khi đến tham quan vườn dừa đã tan biến. Ông Hạnh, chủ nhân khu vườn dừa nở nụ cười hiền hòa chia sẻ: “Hơn 4 năm gắn bó cùng cây dừa dứa, tôi thật sự tiếc nuối sao không trồng dừa sớm hơn, bởi cây dừa nhẹ công chăm sóc, năng suất trái cao và cây dừa thích nghi tốt với nước mặn, thậm chí tôi còn bỏ muối hạt lên đọt cây dừa 2 lần/năm để ngăn ngừa các loại sâu hại cắn phá dừa”.

Cũng theo ông Hạnh, với diện tích 4 công trồng dừa dứa này, trước kia ông trồng mía. Do giá mía thấp nên ông chuyển sang trồng dừa dứa. Cây dừa 4 năm tuổi cho trái quanh năm, mỗi cây thu hoạch từ 18 quầy - 20 quầy dừa/năm, mỗi quầy tầm 20 trái - 30 trái, giá bán 10.000 đồng/trái dừa tươi, thương lái vào tận vườn thu hoạch. Hiện tại mỗi tháng tiền bán dừa, ông Hạnh bỏ túi 5 - 7 triệu đồng. Nếu như các loại cây trồng khác phải lo lắng nước mặn, thì cây dừa vẫn phát triển xanh tốt qua các mùa hạn, mặn...

Quy hoạch vùng trồng phù hợp

Theo thống kê của ngành chuyên môn, Sóc Trăng có diện tích cây ăn trái gần 30.000ha, phân bố ở các huyện: Kế Sách, Long Phú, Mỹ Tú, Châu Thành, Cù Lao Dung và TX. Ngã Năm, TX. Vĩnh Châu. Các loại trái đặc sản được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng, điều đặc biệt là các loại trái cây của tỉnh có chất lượng ngon, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng được các thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, để khai thác, phát huy tiềm năng diện tích cây ăn trái thích ứng với biến đổi khí hậu, tỉnh đã quy hoạch việc sản xuất cây ăn trái cho từng địa phương phù hợp điều kiện tự nhiên của từng vùng nhằm tạo ra số lượng hàng hóa lớn tập trung, thuận lợi cho việc liên kết tiêu thụ sau thu hoạch.

Theo đó, cây bưởi, xoài sẽ được trồng nhiều hơn tại các huyện như: Kế Sách, Cù Lao Dung, Long Phú, Châu Thành; cây cam quýt trồng tại các huyện Kế Sách, Long Phú, Châu Thành, Mỹ Tú; nhãn trồng tại huyện Kế Sách, Cù Lao Dung, Long Phú; vú sữa trồng tại huyện Kế Sách. Thông qua đó, việc trồng cây ăn trái được phát triển trồng nhiều tại các địa phương sẽ hình thành các vùng sản xuất cây ăn trái tập trung, thu hút công ty, doanh nghiệp đầu tư nhà máy bảo quản và chế biến các sản phẩm trái cây, góp phần tăng thu nhập cho các nhà vườn và tăng trưởng kinh tế tỉnh Sóc Trăng. Đối với việc sản xuất cây ăn trái trong tình hình hạn, mặn xảy ra thường xuyên hơn, nhà vườn đã quan tâm nhiều đến việc lựa chọn nhóm cây trồng phù hợp như: nhóm cây mẫn cảm với mặn (chịu được nồng độ mặn 0,5o/oo - <1o/oo) là chuối, khế, đu đủ, chanh dây, sầu riêng, chôm chôm, bòn bon, măng cụt…; nhóm cây chịu mặn trung bình (chống chịu được nồng độ mặn 1o/oo - 2o/oo) là sơ ri, ca cao, nhãn, mít, cây có múi, ổi, khóm, vú sữa; nhóm cây chống chịu khá với mặn (chống chịu được nồng độ mặn 3o/oo - 4o/oo) là xoài, mãng cầu… và nhóm cây chống tốt với mặn (chống chịu được nồng độ mặn 5o/oo - 6o/oo) là dừa, sapô, me…

THÚY LIỄU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: