• Nông nghiệp

Cây trồng “sống” cùng hạn, mặn - kỳ 3

31/07/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 31/07/2020 | 06:00

STO - Sóc Trăng là tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, do điều kiện tự nhiên nên các vùng đất được phân định thành các vùng nước: mặn, lợ, ngọt, tạo thuận lợi cho người dân trong phát triển trồng trọt, chăn nuôi. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, những khu vực được xem là “thủ phủ” của vườn cây ăn trái đã bị các đợt hạn, mặn “càn quét”, gây thiệt hại đến năng suất cây trồng, nặng nề hơn khi những vườn cây trồng ngày nào cho trái trĩu cành, giờ thành những khúc gỗ khô… Trước thực trạng trên, ngành chức năng cùng chung sức với người dân ráo riết tìm giải pháp thích ứng với hạn, mặn.

Kỳ 3: Tiếp sức cây trồng thích ứng hạn, mặn

Nhà vườn Sóc Trăng không chỉ biết lựa chọn loại cây trồng phù hợp với từng vùng mà còn có nhiều cách làm hay để thích ứng với hạn, mặn. Bên cạnh đó, để giúp người dân vượt qua hạn, mặn, các ngành chuyên môn cũng đã quyết liệt vào cuộc và đưa ra nhiều giải pháp kỹ thuật hiệu quả trong thích ứng với hạn, mặn.

Cách làm hay nhằm thích ứng hạn, mặn

Có dịp tham quan một vòng khu vườn nhãn đang chuẩn bị thu hoạch của anh Trần Văn Khánh, ấp An Lạc, xã An Thạnh Tây (Cù Lao Dung) ai nấy cũng đều thích thú. Bởi cây nhãn có trái sai trĩu cành, mùi nhãn chín thơm thoang thoảng xóa tan bao mệt nhọc của chặng đường dài hàng chục km từ TP. Sóc Trăng sang tận vùng đất cù lao. Mời chúng tôi thưởng thức trái nhãn Ido xem thử nhãn vùng đất cù lao bốn bề sông nước có gì đặc sắc, bởi nhãn được chăm sóc rất cẩn thận nên kể từ lúc trồng đến giờ chưa từng thiếu nước ngày nào, mặc dù mùa hạn, mặn vừa diễn ra. Đưa tay chỉ xuống những cái ao được lót bạt cẩn thận, anh Khánh cho biết, đây chính là bí quyết giúp cây nhãn “chống chọi” hạn, mặn.

Mương vườn được lót bạt cao su nhằm tích trữ nước ngọt ứng phó hạn, mặn của anh Trần Văn Khánh tại ấp An Lạc, xã An Thạnh Tây (Cù Lao Dung). Ảnh: THÚY LIỄU

Với thông tin trên, chúng tôi khá ngỡ ngàng vì thường chỉ có hộ nuôi tôm mới dùng bạt lót đáy ao, còn anh Khánh cũng dùng bạt cao su này để lót hết các mương chứa nước trong vườn. Anh Khánh bộc bạch: "Nắm được quy luật của thời tiết khắc nghiệt, ngay từ năm thứ hai khi trồng cây nhãn bén rễ và bắt đầu cho trái, tôi đã triển khai ngay việc dùng bạt cao su lót cho các mương vườn. Quê tôi khác với một số địa phương khác đó là bắt đầu vào các tháng mùa khô là có nước mặn nên không thể dùng nước đó tưới cho cây. Do vậy, tôi nghĩ ngay đến việc dùng bạt cao su lót cho vườn kết hợp luôn hệ thống tưới phun tự động và dùng nguồn nước giếng khoan bơm lên các ao đã được lót bạt tưới cho nhãn khi mùa hạn, mặn bắt đầu. Nhờ vậy, vườn nhãn luôn phát triển xanh tốt, cùng với đó tôi “khiển” được nhãn ra trái theo hình thức rải vụ nên có trái bán quanh năm, thu về lợi nhuận tốt. Mô hình lót bạt cho mương vườn tính ra chi phí đầu tư cao nhưng đảm bảo an toàn tuyệt đối cho vườn cây, không bị nước mặn xâm nhập vào như ao đất, kèm theo đó bạt sử dụng được vài năm. Theo tôi, với hạn, mặn ngày càng xâm nhập sâu như hiện nay, nhà vườn nên áp dụng mô hình lót bạt đáy ao trữ nước mưa tưới cho cây trồng hay trữ nước ngọt trong vườn nhằm hỗ trợ cây trồng ứng phó hạn, mặn".

Nếu như anh Khánh tự nghĩ cách dùng miếng bạt cao su lót ao vườn, thì tại Ấp 2, xã Trinh Phú (Kế Sách), anh Hồ Văn Hội được Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản tỉnh hỗ trợ hệ thống máy tưới phun tự động cho vườn cây vú sữa hơn 1ha. Anh Hội tâm sự: "Cây vú sữa là một trong những loại cây trồng mẫn cảm với nước mặn. Do đó vào các tháng mùa khô, bản thân tôi vô cùng lo lắng bởi nếu chỉ cần sơ suất nhỏ là xem như vườn vú sữa thiệt hại lớn và vì trái vú sữa tím là mặt hàng xuất khẩu, ngoài việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng trái cũng phải ổn định để cung cấp đến khách hàng. Với hệ thống phun tưới tự động được dự án đầu tư tại hộ, tôi vô cùng phấn khởi và yên tâm bởi nguồn nước sử dụng là nước ngầm được bơm vào bể chứa lắng lọc mới tưới cho cây kèm theo đó là lượng nước tưới phù hợp, tiết kiệm, cây hút nước từ từ nên giữ được độ ẩm lâu hơn, thời gian tưới ngắn, chỉ tầm 15 phút cả khu vườn đã được bổ sung nước đầy đủ…”.

Giải pháp thích ứng hạn, mặn của ngành chuyên môn

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình xâm nhập mặn mùa khô năm 2019 - 2020 có một số đặc điểm nổi bật khác với quy luật nhiều năm là xuất hiện sớm hơn so với cùng kỳ trung bình năm (gần 3 tháng), sớm hơn so với mùa khô năm 2015 - 2016 gần một tháng và thời giam xâm nhập mặn kéo dài hơn 2 - 2,5 lần so với mùa khô năm 2015 - 2016. Độ mặn ở các cửa sông liên tục duy trì ở đỉnh, cao liên tục suốt tháng 2 đến tháng 5, hầu như không giảm hoặc giảm không đáng kể trong các kỳ triều thấp, khác với đặc điểm thông thường là tăng theo kỳ triều cường, giảm theo kỳ triều thấp. Với mức độ hạn, mặn ngày càng kéo dài như trên, để chủ động bảo vệ cây trồng, đặc biệt là đối với các vườn cây ăn trái thì đòi hỏi nhà vườn cần phải thực hiện ngay các biện pháp phòng chống bắt đầu vào các tháng mùa khô nhằm ứng phó kịp thời.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nguyễn Thành Phước chia sẻ: “Diện tích cây ăn trái của tỉnh gần 30.000ha, tập trung tại các huyện: Kế Sách, Cù Lao Dung, Long Phú, Châu Thành và TX. Ngã Năm. Các vùng cây ăn trái trên đều là các loại trái cây đặc sản như: sầu riêng, xoài, vú sữa, chôm chôm, măng cụt… Chính vì vậy, khi hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra trong các tháng mùa khô sẽ gây tác động rất lớn đến diện tích cây ăn trái. Chính vì vậy, để bảo vệ tốt diện tích cây ăn trái của tỉnh vào các tháng mùa khô, đơn vị phối hợp các đơn vị liên quan và địa phương tiến hành các giải pháp phòng chống hạn, mặn trên cây ăn trái bằng cách thường xuyên kiểm tra, củng cố hệ thống đê bao, cống bọng của mỗi vườn cho chắc chắn để tránh nước mặn xâm nhập vào vườn; dự trữ nước ngọt trong mương để tưới cho cây ăn trái khi nước mặn xâm nhập. Đồng thời, khuyến cáo nhà vườn gia tăng chăm sóc vườn cây ăn trái như tăng cường bón phân hữu cơ và kali để tăng sức chống chịu của cây trồng. Bên cạnh đó, nhà vườn tiến hành ủ gốc bằng lá dừa nước, rơm rạ, lục bình, cỏ khô, kết hợp tỉa cành, nhằm giảm bốc thoát hơi nước, tăng cường giữ ẩm cho cây…”.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Minh Quyết cho rằng, trong suốt các tháng mùa khô 2019 - 2020, ngành Nông nghiệp tỉnh đã phối hợp cùng các địa phương thực hiện tốt công tác phòng chống hạn, mặn trên các mặt sản xuất nông nghiệp và đặc biệt với cây ăn trái là một trong những loại cây trồng lâu năm, nếu ảnh hưởng hạn, mặn sẽ thiệt hại lớn về kinh tế cho nhà vườn. Chính vì vậy, trong đợt hạn, mặn vừa qua, tỉnh đã vận hành hệ thống cống, tích trữ nước ngọt, ngăn mặn, công bố lịch vận hành cống rộng rãi trên các hệ thống thông tin, đảm bảo giao thông thủy lợi nhưng không thất thoát nước ngọt cho sản xuất; quản lý chặt chẽ nguồn nước không để rò rỉ, thất thoát và trong giai đoạn mặn gay gắt, ưu tiên nước sinh hoạt, nước tưới cho cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, duy tu sửa chữa các công trình thủy lợi hư hỏng, xuống cấp để vận hành khai thác, kịp thời ngăn mặn trữ ngọt phục vụ sản xuất. Theo đó, những năm tiếp theo để ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn, ngành nông nghiệp vẫn sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp trên cùng các giải pháp hữu hiệu hơn nữa nhằm đảm bảo cho người dân sản xuất nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh có vụ mùa bội thu…”.

THÚY LIỄU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: