• Nông nghiệp

Chăn nuôi phải thực hiện khai báo theo luật định

24/09/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 24/09/2020 | 06:00

STO - Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, hoạt động chăn nuôi có xu hướng gia tăng trong thời gian tới nên việc hộ dân cần nắm rõ Luật Chăn nuôi là rất cần thiết. Để cung cấp đến người chăn nuôi về một số quy định trong Luật Chăn nuôi đã được ban hành năm 2018 và đã có hiệu lực trong 2020, phóng viên Báo Sóc Trăng đã có cuộc trao đổi với Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Lâm Minh Hoàng về một số điểm trong chăn nuôi mà người chăn nuôi cần lưu ý.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết một số điểm mới của Luật Chăn nuôi số 32/2018/QH14 của Quốc hội ban hành ngày 19-11-2018 và có hiệu lực từ 1-1-2020, quy định về hoạt động chăn nuôi như thế nào?

Đồng chí Lâm Minh Hoàng: Một trong những điểm mới của Luật Chăn nuôi đó là việc quy định về đối xử nhân đạo với vật nuôi; nghiêm cấm bơm nước vào thịt gà, vịt nhằm gian lận thương mại; di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư; kê khai hoạt động chăn nuôi; không được để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi… Theo đó, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động chăn nuôi theo Điều 54 Luật Chăn nuôi và Thông tư số 23/2019-BNNPTNT, ngày 30-11-2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì tổ chức, cá nhân chăn nuôi phải kê khai hoạt động chăn nuôi tại UBND cấp xã và số lượng kê khai gia súc trâu, bò, ngựa, heo nái, heo đực giống là 1 con; dê, cừu, heo thịt quy định số lượng kê khai 5 con và thỏ là 25 con. Đối với gia cầm, đàn gà, vịt, ngan, ngỗng là 20 con, đà điểu 1 con, bồ câu 20 con và chim cút 100 con. Riêng với một số động vật khác, như: hươu sao, chim yến, ong mật, chó, mèo, dông, vịt trời, dế, bò cạp, tằm, trùn quế, rồng đất cũng phải khai báo theo luật quy định.

Thời điểm kê khai hoạt động chăn nuôi được quy định từ ngày 25 đến ngày 30 của tháng cuối quý. Đồng thời, tổ chức, cá nhân có thể đến trực tiếp UBND xã nộp bản kê khai vật nuôi hoặc nộp qua đường bưu chính, qua thư điện tử, email, fax.

Phóng viên: Thưa đồng chí, ngoài việc kê khai vật nuôi theo luật định, tổ chức, cá nhân trong hoạt động chăn nuôi có các quyền và nghĩa vụ gì?

Đồng chí Lâm Minh Hoàng: Sau khi tổ chức, cá nhân chăn nuôi tiến hành việc kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định tại Điều 54 của luật này sẽ được hỗ trợ thiệt hại, khôi phục sản xuất khi bị thiên tai, dịch bệnh theo quy định của pháp luật; được hưởng chính sách của Nhà nước có liên quan đến hoạt động chăn nuôi; được tập huấn, đào tạo về chăn nuôi; quảng bá sản phẩm theo quy định của pháp luật; khiếu nại, tố cáo, khởi kiện liên quan đến chăn nuôi theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tổ chức, cá nhân chăn nuôi có các nghĩa vụ, như: thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định tại Điều 54 của luật này; thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, vệ sinh môi trường trong chăn nuôi; xử lý chất thải nuôi theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; bảo đảm đối xử nhân đạo với vật nuôi theo quy định của pháp luật.

Phóng viên: Theo Luật Chăn nuôi số 32/2018/QH14, đồng chí cho biết các hành vi nào sẽ bị nghiêm cấm trong chăn nuôi?

Đồng chí Lâm Minh Hoàng: Theo Luật Chăn nuôi thì hành vi cấm trong chăn nuôi đó là chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư, trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường; sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi không phải là thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam; sử dụng thức ăn kháng sinh trong chăn nuôi nhằm mục đích kích thích sinh trưởng; phá hoại, chiếm đoạt nguồn gen giống vật nuôi; xuất khẩu trái phép nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm; nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi có sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; nhập khẩu, kinh doanh, chế biến sản phẩm chăn nuôi từ vật nuôi chết do bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân; nhập khẩu, nuôi, phóng thích, sử dụng trái phép vật nuôi biến đổi gen, sản phẩm chăn nuôi từ vật nuôi biến đổi gen; sử dụng, đưa chất, vật thể, bơm nước, cưỡng bức vào cơ thể vật nuôi, sản phẩm vật nuôi nhằm mục đích gian lận thương mại; thông đồng gian dối trong thử nghiệm, khảo nghiệm, kiểm định, công bố chất lượng chứng nhận sự phù hợp trong lĩnh vực chăn nuôi; xả thải chất thải chăn nuôi chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu vào nơi tiếp nhận chất thải theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; gian dối trong kê khai hoạt động chăn nuôi nhằm trục lợi; cản trở, xâm phạm hoạt động chăn nuôi hợp pháp.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

THÚY LIỄU (Thực hiện)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: