• Nông nghiệp

Chọn đối tượng nào cho nông nghiệp hữu cơ?

01/01/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 01/01/2018 | 06:00

STO - Thời gian gần đây, cụm từ nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm hữu cơ xuất hiện ngày một nhiều hơn trên các phương tiện thông tin lẫn thị trường tiêu thụ. Thị trường đã có, nhưng để làm ra sản phẩm đạt chứng nhận hữu cơ là không đơn giản, nên để phát triển sản phẩm hữu cơ một cách hiệu quả nhất, ngoài việc bắt buộc phải tuân thủ theo đúng quy trình sản xuất thì việc chọn lựa đối tượng nào, vùng sản xuất nào mới là vấn đề quan trọng, cần phải cân nhắc.

Sóc Trăng có khá nhiều nông sản đặc sản có khả năng phát triển theo hướng hữu cơ, trong số đó chính là gạo thơm ST và hành tím Vĩnh Châu. Đây được xem là 2 sản phẩm có lợi thế cạnh tranh nhất trên thị trường hiện nay, nên việc nâng cấp từ chuẩn VietGAP, GlobalGAP lên hữu cơ sẽ góp phần gia tăng đáng kể giá trị, hiệu quả cũng như khả năng tiêu thụ.

Thực tế cho thấy, thời gian qua đã có doanh nghiệp tìm đến Sóc Trăng để làm lúa hữu cơ tại vùng tôm – lúa của huyện Mỹ Xuyên và chỉ sau 2 năm thực hiện, các kết quả phân tích mẫu gạo đều đạt tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ. Tuy nhiên, vì các lý do khác nhau, việc liên kết sản xuất gạo hữu cơ trên vùng tôm – lúa của tỉnh với doanh nghiệp này đã không thể tiếp tục, dù việc sản xuất đang rất thuận lợi. Trong khi đó, tỉnh Trà Vinh, dù thực hiện sau nhưng đã có sản phẩm gạo hữu cơ cung ứng cho thị trường.

Ruộng ST24 sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ đang được DNTN Hồ Quang Trí thực hiện tại xã Thạnh Quới (Mỹ Xuyên).

Sóc Trăng đã quy hoạch và có đề án phát triển vùng lúa đặc sản, với chủ lực là giống ST và Tài nguyên Thạnh Trị, sản xuất theo “3 giảm, 3 tăng”, hay “1 phải, 5 giảm”, một số đã đạt chứng nhận VietGAP hay GlobalGAP, nên rất thuận lợi cho việc làm lúa hữu cơ sau này. Hiện tại, trên địa bàn xã Thạnh Quới (Mỹ Xuyên) đã xuất hiện vùng canh tác lúa hữu cơ bằng giống ST24 (vừa lọt vào tốp 3 gạo ngon nhất thế giới) xen canh với tôm càng xanh toàn đực do doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí thực hiện.

Tuy diện tích sản xuất chưa nhiều, nhưng theo nông dân tham gia mô hình, đối với vùng sản xuất tôm – lúa này, việc chuyển sang sản xuất lúa hữu cơ sau vụ tôm nước lợ là không khó. Ông Phạm Văn Sơn, hộ tham gia mô hình chia sẻ: “Bây giờ mình nuôi tôm chủ yếu sử dụng vi sinh chứ không còn xài kháng sinh như trước nữa, nên chất thải từ vụ tôm đảm bảo là sạch. Đến vụ lúa, mình cũng không dám sử dụng phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật hóa học để tránh ao nuôi bị dư lượng ảnh hưởng đến vụ tôm năm sau, nên rất phù hợp với mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Thực tế từ đầu vụ đến giờ, mình làm lúa theo quy trình hữu cơ được hướng dẫn thấy lúa vẫn phát triển tốt bình thường”.

Đây được xem là mô hình nông nghiệp hữu cơ đầu tiên của tỉnh do Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ Hoa Sen làm tư vấn. Việc chọn giống ST24 để thực hiện mô hình này được xem là rất phù hợp, bởi đây là giống lúa đặc sản, vốn đã có chất lượng mềm, dẻo, thơm, ngon bán được giá cao trên thị trường trong và ngoài nước, nên khi được nâng cấp lên tiêu chuẩn hữu cơ cũng đồng nghĩa với giá trị sẽ được nâng lên rất nhiều.

Hành tím Vĩnh Châu với tiền đề đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP cũng rất có tiềm năng trở thành sản phẩm hữu cơ nếu được đầu tư phát triển.

Bên cạnh cây lúa, một đặc sản khác của nông nghiệp Sóc Trăng là hành tím Vĩnh Châu cũng rất có tiềm năng phát triển thành sản phẩm hữu cơ. Hành tím Vĩnh Châu sau thời gian khó khăn trong tiêu thụ, nay đã tìm được thị trường trong nước khá tốt nhờ có sự thay đổi mạnh mẽ quy trình canh tác theo VietGAP và cả GlobalGAP.

Những chứng nhận trên dù chưa giúp ích được nhiều cho hành tím vươn xa hơn trên thị trường, nhưng cũng đã tạo được niềm tin vào sự an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. Do đó, nếu được tiến thêm một bước nữa lên chuẩn sản phẩm hữu cơ, hành tím Vĩnh Châu sẽ có đủ điều kiện có mặt tại các phân khúc thị trường cao cấp, với giá trị cao hơn.

Phát triển nông nghiệp hữu cơ là hướng đi mới để đáp ứng xu hướng tiêu dùng ngày một cao, nhưng việc canh tác cũng không quá xa lạ với nhà nông. Vấn đề ở đây là làm sao nông dân từ bỏ được tư duy năng suất, sản lượng để chuyển sang tư duy giá trị, bởi sản xuất theo hữu cơ năng suất sẽ không cao, nhưng chắc chắn giá bán sẽ cao hơn so với kiểu canh tác truyền thống và cả tiêu chuẩn VietGAP.

Mới đây, khi trò chuyện với ông Nguyễn Văn Nhiệm – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh, ông đặt thẳng vấn đề: “Trong nuôi tôm, có 3 tiêu chí để người nuôi chọn lựa là: nuôi lấy tiếng, lấy tấn (năng suất) và lấy tiền, chắc chắn là người nuôi sẽ chọn cách lấy tiền, bởi đây mới là mục tiêu cuối cùng của họ khi quyết định đầu tư nuôi tôm. Mà muốn lấy tiền nhiều thì phải nuôi tôm đạt chuẩn (năng suất, kích cỡ, chất lượng), tiết kiệm chi phí và bán được giá cao”.

Rõ ràng, phát triển nông nghiệp hữu cơ là một xu thế không thể bỏ qua, nhưng cũng không thể phát triển bằng mọi giá theo kiểu phong trào, bởi theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nếu phát triển nông nghiệp hữu cơ mà làm theo kiểu phong trào thì hỏng hết.

Tích Chu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: