• Nông nghiệp

GÓC NHÌN KINH TẾ

“Chuông” đã đổ nơi xứ người

12/11/2017 06:05 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 12/11/2017 | 06:05

STO- Ngay trong lần đầu tiên góp mặt tại “sân chơi” lớn quốc tế, gạo ST24 do nhóm nghiên cứu của kỹ sư Hồ Quang Cua, TS. Trần Tấn Phương và Ths. Nguyễn Thị Thu Hương lai tạo đã tạo được tiếng vang lớn tại “Hội nghị quốc tế lần thứ 9 về thương mại Gạo” tổ chức tại Ma Cao - Trung Quốc khi vinh dự lọt vào top 3 gạo ngon nhất thế giới.

Bộ 3 nhóm tác giả giống gạo ST24 (từ trái sang) gồm: kỹ sư Hồ Quang Cua, Ths. Nguyễn Thị Thu Hương và TS. Trần Tấn Phương. 

Thông tin trên được TS. Trần Tấn Phương - Giám đốc Công ty Giống cây trồng tỉnh Sóc Trăng xác nhận với người viết vào chiều ngày 9-10, khi đoàn vừa về tới TP. Hồ Chí Minh. TS. Phương chia sẻ: “Đối với hội nghị quốc tế về thương mại gạo, hội đồng giám khảo sẽ không bình chọn giải nhất, nhì, ba như các kỳ hội thi của chúng ta, mà chỉ bình chọn và vinh danh những loại gạo ngon nhất đạt các tiêu chuẩn của gạo ngon thế giới. Vì vậy, đây không chỉ là vinh dự, mà còn là cơ hội rất lớn để gạo ST24 nói riêng và các giống ST khác của Sóc Trăng tiếp cận được với phân khúc thị trường cao cấp, giá cao của thế giới”.

Trong top 3 gạo ngon nhất thế giới, bên cạnh gạo ST24 của Việt Nam còn có gạo Thái Hom Mali của Thái Lan và gạo CRF-F-04 của Campuchia. Ở lần hội nghị này, đại diện gạo Việt Nam chỉ có gạo của Sóc Trăng tham gia với 2 giống chủ lực là ST20 và ST24.

TS. Phương chia sẻ thêm: “Dù chỉ chọn 3 loại gạo ngon nhất thế giới, nhưng gạo ST20 của Sóc Trăng vẫn được hội đồng giám khảo đánh giá cao và xếp vào hàng gạo ngon không thua kém gì so với gạo ST24”.

Hội nghị quốc tế lần thứ 9 về thương mại gạo được Tổ chức “Người buôn bán gạo” có trụ sở tại California (Mỹ) tổ chức hàng năm quy tụ khoảng 200 công ty xuất nhập khẩu gạo và các công ty kiểm phẩm gạo thế giới. Bên cạnh việc bình chọn các loại gạo ngon nhất thế giới, hội nghị còn là nơi để trao đổi thông tin thị trường gạo của các nước xuất - nhập khẩu gạo và thảo luận, dự báo tình hình lương thực thế giới cho năm tới.

Để được lọt vào top 3 loại gạo ngon nhất thế giới, gạo ST24 của Sóc Trăng phải được hội đồng giám khảo quốc tế gồm những đầu bếp nổi tiếng bình chọn theo các tiêu chuẩn về hạt dài, trắng trong, cơm dẻo, hương thơm đặc trưng… Cũng theo TS. Phương, ngoài việc đạt các tiêu chuẩn do hội đồng giám khảo quốc tế đề ra, gạo thơm ST24 của Sóc Trăng còn có ưu điểm nổi bật hơn so với gạo của Thái Lan và Campuchia là ngắn ngày (100 - 105 ngày). 

Như vậy, chỉ chưa đầy 10 ngày, giống gạo thơm ST24 của Sóc Trăng nhận đươc 2 giải thưởng quan trọng (trước đó là Hội thi gạo ngon - lúa thơm năm 2017, tổ chức ngày 3-11, tại Sóc Trăng). Điều đó một lần nữa cho thấy tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của các giống gạo thơm ST là rất lớn nếu được đầu tư đúng mức. Và tuy có đôi chút “thơm lây”, nhưng người viết vẫn không quá bất ngờ, bởi qua tiếp xúc với các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu gạo thơm tại Hội thi gạo ngon – lúa thơm mới đây, hầu hết đều đánh giá, hiện chỉ có gạo thơm ST của Sóc Trăng là ngon nhất có thể sánh ngang với một số giống gạo ngon trên thế giới.

Trước đây, rất ít doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo trong nước tham gia hội nghị này, nên đến lần thứ 9 này, Việt Nam cũng chỉ mới có 2 loại gạo ngon được lọt vào top 3 là gạo AGPPS 103 của Tập đoàn Lộc Trời (An Giang) vào năm 2015 và mới đây là gạo ST24 của Sóc Trăng. Điều đó cho thấy, để vượt qua cái bóng của những tên tuổi đã thành danh trên thị trường gạo thế giới, như: Thái Lan, Mỹ, Ấn Độ và gần đây nhất là Campuchia luôn là điều các doanh nghiệp trong nước e ngại.

“Chuông” đã đổ nơi xứ người. Gạo thơm ST24 của tỉnh đã chính thức được vinh danh, nhưng bấy nhiêu đó vẫn chưa đủ để thị trường gạo cao cấp thế giới biết đến và sử dụng nhiều hơn loại gạo thơm mang tên ST của tỉnh. Vì thế, gạo ST24 nói riêng và các giống ST hay gạo ngon khác của tỉnh nói chung rất cần được tổ chức sản xuất một cách khoa học hơn trong chuỗi liên kết giá trị bền vững và hiệu quả, để hương thơm ST mãi bay xa, mang lại niềm tự hào và thu nhập cao cho người trồng lúa Sóc Trăng. Đó là mới là sự “vinh danh” cao quý nhất mà những người nghiên cứu, tâm huyết với gạo thơm Sóc Trăng (ST) mong mỏi bấy lâu nay.

Tích Chu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: