• Nông nghiệp

Cù Lao Dung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng

03/02/2021 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 03/02/2021 | 06:00

STO - Trước đây, Cù Lao Dung được biết đến là vùng chuyên canh mía nhưng cây mía không đem lại nguồn thu nhập tốt cho hộ dân. Chính vì vậy, trong vài năm trở lại đây, huyện Cù Lao Dung đã chuyển dịch cơ cấu cây trồng bằng cách chuyển đổi sang trồng các loại cây màu có giá trị kinh tế cao; nâng cấp, cải tạo các vườn cây ăn trái canh tác truyền thống chuyển sang sản xuất theo quy trình VietGAP hay chuyển đổi để nuôi trồng thủy sản. Thông qua cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã góp phần nâng cao thu nhập người dân trên cùng diện tích đất.

Nông dân chuyển đổi từ cây mía sang trồng màu cho thu nhập tốt. Ảnh: THÚY LIỄU

Vượt chuyến đò nhỏ ngang sông thuộc địa bàn xã An Thạnh Tây, chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Phước, ở ấp An Phú A, xã An Thạnh Tây (Cù Lao Dung) đúng lúc ông vừa thăm rẫy khoai lang về. Gặp khách phương xa đến, ông Phước hồ hởi chia sẻ: “Kể từ ngày phá bỏ một phần diện tích đất trồng mía sang trồng khoai lang, cuộc sống gia đình ổn định hơn. Trước đây, toàn bộ diện tích 10 công đất tôi chỉ chuyên canh trồng mía nhưng hiệu quả kinh tế thấp. Nghe ngành chuyên môn khuyến cáo việc chuyển đổi cây trồng nên tôi mạnh dạn đốn bỏ 3 công mía để trồng các loại khoai, đặc biệt là cây khoai lang dễ trồng, cho năng suất tốt, chất lượng ngon, được nhiều thương lái ưa chuộng tìm đến tận rẫy thu mua. Với diện tích 3 công trồng khoai lang, mỗi vụ (khoai trồng được 2 - 3 vụ/năm) thu hoạch trừ hết các khoản chi phí thu lợi nhuận hơn 30 triệu, tính ra cao hơn gấp vài lần so với trồng mía…”. 

Nếu như ông Phước chuyển đổi trồng cây mía lâu đời sang trồng màu thì anh Phan Thanh Tòng, ở ấp An Thường, xã An Thạnh 1 (Cù Lao Dung) lựa chọn việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng bằng cách nâng chất lượng vườn cây ăn trái đang canh tác theo truyền thống để thực hiện quy trình sản xuất cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP, đã đem lại nguồn thu nhập tăng đáng kể tại hộ. Anh Tòng chia sẻ: “Tôi có diện tích đất trồng xoài cát chu 14 công, trong đó xen canh thêm xoài Đài Loan. Với diện tích như trên năng suất hàng năm ước hơn 45 tấn/2 loại xoài/2 vụ. Thường vào các tháng thu hoạch rộ, giá xoài xuống thấp nên có năm năng suất cao nhưng lợi nhuận chẳng đáng là bao, nhà vườn cứ loay hoay tìm phương cách giải quyết vấn đề về giá. Chính vì vậy, để xoài bán được giá, qua sự hỗ trợ của ngành chuyên môn, tôi tham gia vào hợp tác xã (HTX) và được hướng dẫn quy trình trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo đó, thành viên trong HTX có diện tích trồng xoài đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP hơn 2 năm qua và chính nhờ xoài đạt tiêu chuẩn VietGAP nên giá xoài của thành viên trong HTX bán ra cao hơn giá thị trường khoảng 10.000 đồng/kg. Như vậy, diện tích trồng xoài 14 công cho thu nhập từ 600 triệu đồng đến 1 tỉ đồng/năm. Vào HTX, tôi còn được hỗ trợ hệ thống tưới phun tự động cho toàn bộ diện tích vườn xoài, góp phần ứng phó tốt với hạn, mặn đang xảy ra trên địa bàn xã vào tháng mùa khô như hiện tại…”.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung Nguyễn Văn Đắc cho biết: “Sau 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện Cù Lao Dung (giai đoạn 2015 - 2020), nông nghiệp Cù Lao Dung đã có những chuyển biến tích cực, định hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng cơ bản đúng hướng và với mục tiêu từng bước giảm diện tích mía, phát triển diện tích màu, cây ăn trái gắn với phát triển du lịch đã hình thành và đang trên đà phát triển tốt. Nếu như năm 2015 diện tích mía trên địa bàn huyện là 6.631ha thì đến năm 2020 diện tích mía giảm xuống chỉ còn hơn 3.800ha để chuyển đổi sang trồng cây ăn trái như: nhãn, dừa, xoài, bưởi, chanh... cho giá trị kinh tế cao và hình thành nên các vùng sản xuất cây ăn trái tập trung được cấp mã code trên xoài, nhãn nhằm phục vụ thị trường xuất khẩu; một phần diện tích chuyển đổi nuôi trồng thủy sản”. 

“Riêng trong năm 2020, huyện tiếp tục chuyển đổi tổng diện tích mía hơn 483ha sang trồng cây ăn trái là hơn 346ha; rau màu 137ha và nuôi thủy sản hơn 30ha, kéo giảm diện tích mía xuống đến thời điểm hiện tại chưa đến 3.500ha đúng như kế hoạch Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện đề ra. Tới đây, huyện sẽ tiếp tục vận động nhân dân chuyển đổi diện tích trồng mía, chuyển sang trồng cây ăn trái nhằm phát triển vườn cây ăn trái để hình thành vùng cây ăn trái tập trung gắn với phát triển du lịch. Đồng thời, hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong việc tìm đầu ra cho nông sản, ký kết các hợp đồng bao tiêu sản phẩm, hàng hóa; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, cách chăm sóc và phòng trừ các loại dịch bệnh trên cây trồng…” - đồng chí Nguyễn Văn Đắc cho biết thêm.

THÚY LIỄU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: