• Nông nghiệp

Góc nhìn kinh tế

Điểm sáng lúa gạo

24/03/2020 13:30 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 24/03/2020 | 13:30

STO - Trong bối cảnh khó khăn chung về hạn hán, xâm nhập mặn và đặc biệt là dịch Covid-19 lây lan mạnh trên toàn thế giới, nhiều mặt hàng nông, thủy sản gặp không ít khó khăn trong sản xuất lẫn tiêu thụ thì cây lúa gần như “miễn nhiễm” với những khó khăn trên. Chẳng những thế, cây lúa còn đạt năng suất và giá bán khá cao so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu thống kê, toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 40.000ha lúa bị thiệt hại do hạn, mặn, số còn lại hầu hết đều đạt năng suất, giá bán và lợi nhuận khá cao. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ hơn sẽ thấy, phần lớn diện tích thiệt hại này không hoàn toàn do hạn, mặn gây ra, mà còn có một phần do nông dân không thực hiện theo các khuyến cáo của ngành chức năng.

Nhờ chủ động lịch thời vụ, chọn giống, những cánh đồng lúa vẫn chín vàng, bội thu ngay trước thời điểm hạn, mặn.

Tại Sóc Trăng, trong tổng số trên 3.000ha lúa bị thiệt hại có hơn 2.000ha là lúa Đông – Xuân muộn được gieo trồng ở huyện Long Phú, vốn đã được ngành chức năng khuyến cáo không nên tiếp tục gieo sạ. Như vậy có thể thấy, thành công của cây lúa là nhờ có sự chủ động rất tốt cả về nguồn nước, lịch thời vụ và chọn giống.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng gần như chỉ còn có trà lúa Đông – Xuân của TX. Ngã Năm là chưa thu hoạch dứt điểm. Tuy nhiên, với kết quả thu hoạch hơn 2.000ha/18.500ha cho năng suất bình quân 7,5 tấn/ha cho thấy đây tiếp tục là một vụ lúa thành công đối với nông dân Ngã Năm. Không chỉ đạt năng suất cao, giá lúa từ lúc thu hoạch đến nay luôn giữ ở mức cao, khiến nông dân thêm phấn khởi. Cụ thể: giá các giống lúa thơm nhẹ từ 5.000 – 5.500 đồng/kg, còn giống ST24, ST25 giá từ 7.400 – 8.000 đồng/kg. Với mức giá trên, cùng với năng suất thu hoạch đạt cao, những hộ trồng lúa ST ở Ngã Năm trong vụ này sẽ có mức lợi nhuận 30 - 40 triệu đồng/ha, còn với các giống lúa thơm nhẹ, mức lợi nhuận cũng trên 20 triệu đồng/ha.

Ai cũng biết, Đông – Xuân chính vụ luôn là vụ lúa dễ đạt năng suất và chất lượng lúa cao nhất trong năm, với điều kiện là phải có đủ nguồn nước ngọt cho cây lúa. Đây cũng chính là lý do vì sao, dù đã được khuyến cáo, nhưng vẫn có khoảng 4.000ha lúa tại những vùng không đủ điều kiện về nguồn nước nhưng nông dân vẫn bất chấp xuống giống để rồi gánh lấy thiệt hại. Sở dĩ họ dám chấp nhận đánh cược với thiên tai không chỉ vì năng suất hay giá bán ở vụ lúa này thường đạt cao, mà còn có một phần ỷ lại vào kinh nghiệm sản xuất trong những năm trước, đó chính là câu “trong mặn có ngọt” mà họ đã không ít lần thành công.

Thị trường gạo đang tốt, nên lúa thu hoạch đến đâu được thương lái thu mua đến đó với mức giá khá cao so với cùng kỳ.

Những nông dân làm lúa vụ 3 ở Long Phú chia sẻ: “Mỗi mùa mặn gần như đều có một vài con nước triều xuống có độ mặn thấp nhất có thể lấy vào kênh mương dự trữ hay đưa lên đồng, giúp cây lúa cầm cự ít nhất cũng tuần lễ, 10 bữa. Chỉ cần lấy được 2 - 3 lần như vậy coi như có thu hoạch. Bởi vậy nông dân thường hay nói “trong mặn có ngọt” là như vậy”. Đây cũng chính là kinh nghiệm mà ngành chức năng đã vận dụng để lấy nước ngọt bổ sung vào hệ thống kênh rạch trong những thời điểm hạn, mặn. Không nói đâu xa, ngay trong tuần đầu tháng 3, nhờ vận dụng kinh nghiệm này mà ngành nông nghiệp đã đưa được nước ngọt bổ sung vào một số vùng sản xuất trong tỉnh, như: Kế Sách, Long Phú – Tiếp Nhựt… giúp giải hạn phần nào cho những vườn cây ăn trái và một số loại cây trồng khác. Ông Đặng Văn Nám – Giám đốc Hợp tác xã Bưởi da xanh Kế Thành (Kế Sách) cho biết: “Nói ngọt chứ thật ra là nước hơi lơ lớ một chút, mà nông dân hay gọi là nước pha chè, tức khoảng 1‰ trở xuống, nhưng được cái là cây trồng vẫn sử dụng được mà không bị ảnh hưởng gì”.

Giá lúa hứa hẹn sẽ còn mang đến niềm vui thêm nữa cho nông dân khi giá gạo Việt Nam trên thị trường liên tục được điều chỉnh tăng lên hàng tuần, điều mà trước nay chưa từng diễn ra đối với xuất khẩu gạo của Việt Nam. Đây chính là điểm sáng lớn nhất của ngành nông nghiệp trong bối cảnh khó khăn chung do tác động từ hạn, mặn và dịch Covid-19 và cũng là điều đáng để nông dân nhận ra một cách rõ ràng hơn về các thách thức cũng như cơ hội trước những bất lợi đến từ thiên tai, dịch bệnh hay thị trường. Đó là việc bố trí cơ cấu cây trồng, lịch thời vụ và chọn giống phù hợp cho từng vùng theo khuyến cáo của chính quyền và ngành chức năng, bởi thời tiết ngày càng cực đoan nên nếu chỉ áp dụng kinh nghiệm không thôi là chưa đủ, mà nông dân cần phải cập nhật thông tin, ứng dụng khoa học công nghệ thì sản xuất mới thành công.

Tích Chu

 

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: