• Nông nghiệp

Đưa hạt gạo Sóc Trăng vươn xa

05/03/2020 10:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 05/03/2020 | 10:00

STO - Trước nhu cầu thị trường gạo chất lượng cao ngày càng tăng và cùng xu thế sản xuất theo nhu cầu khách hàng, Sóc Trăng đã xây dựng Đề án Phát triển sản xuất lúa đặc sản, gồm 2 giai đoạn: giai đoạn 2012 - 2015, giai đoạn 2016 - 2020. Với mục tiêu đạt được trên 800.000 tấn lúa thơm, lúa đặc sản/năm cũng như xây dựng các vùng sản xuất lúa đặc sản, phát triển ổn định, bền vững, ứng dụng đồng thời tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra sản phẩm có chất lượng, giá trị, cung ứng cho thị trường trong nước và thế giới.

Trước khi Đề án Phát triển sản xuất lúa đặc sản được triển khai, diện tích sản xuất lúa đặc sản trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Năm 2012, diện tích sản xuất lúa đặc sản toàn tỉnh 66.018ha. Đến năm 2015, sau khi kết thúc giai đoạn 1 của đề án, diện tích sản xuất lúa đặc sản toàn tỉnh đạt 126.728ha, tăng gấp 2 lần so năm 2012. Trước sự thành công của giai đoạn 1, ngành nông nghiệp tiếp tục xây dựng Đề án Phát triển sản xuất lúa đặc sản giai đoạn 2 (2016 - 2020) và nhờ sự tích cực chung tay của chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể, diện tích lúa đặc sản tiếp tục tăng và đến năm 2019 diện tích lúa đặc sản đạt 176.967ha, tăng 1,4 lần so năm 2015 và tăng 2,7 lần so năm 2012, sản lượng lúa đặc sản ước đạt 1 triệu tấn, tăng 20% so với mục tiêu đề ra.

Diện tích lúa đặc sản tăng theo từng năm khi triển khai thực hiện đề án, bên cạnh sự chung tay của bà con nông dân thì phải kể đến phương thức triển khai bài bản của ngành nông nghiệp trong quy hoạch vùng trồng lúa đặc sản theo từng vùng, từng địa phương và thông qua việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trên đồng ruộng, năng suất lúa tăng cũng như được sự bao tiêu của doanh nghiệp. Tất cả những điều này đã góp phần giúp nông dân tăng lợi nhuận hơn so với trồng các giống lúa thông thường.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Sáu trong chuyến đến thăm giống lúa ST24, ST25 tại TX. Ngã Năm. Ảnh: Thúy Liễu

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nguyễn Thành Phước thông tin, trong năm 2019, toàn tỉnh có 243 cánh đồng lớn/52.133ha sản xuất lúa đặc sản, trong đó các cánh đồng có diện tích trên 300ha là 43 cánh đồng/22.386ha được ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất (cơ giới hóa, sử dụng giống lúa chất lượng, đầu tư cơ sở hạ tầng, nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận so với ngoài mô hình) và có trên 79 doanh nghiệp, đại lý ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, diện tích hơn 20.300ha, chiếm 17% diện tích gieo trồng của tỉnh. Bên cạnh công tác xây dựng cánh đồng lớn tại các địa phương, ngành nông nghiệp còn tích cực chỉ đạo xây dựng các mô hình sản xuất bền vững như: 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, mô hình công nghệ sinh thái, sản xuất theo hướng hữu cơ, sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP, theo đó diện tích được chứng nhận 340.19ha, trong đó có 46,5ha lúa ST24. Các sản phẩm đạt chứng nhận luôn thu hút được sự quan tâm ký kết hợp đồng tiêu thụ của các doanh nghiệp với giá thu mua cao hơn giá thị trường…

Đồng thời, để quảng bá cho sản phẩm lúa gạo đặc sản của tỉnh, ngành nông nghiệp thường tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị, diễn đàn gặp gỡ, ký kết hợp đồng liên kết giữa các tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp nhằm giúp các tổ hợp tác, hợp tác xã và người dân tiếp cận, đối thoại về các vấn đề giải pháp liên kết với các doanh nghiệp đạt hiệu quả. Song song đó, tổ chức trưng bày, quảng bá sản phẩm gạo đặc sản như gạo ST20, ST24, ST đỏ, ST tím… và gạo Tài nguyên sữa mùa Thạnh Trị tại các kỳ hội chợ xúc tiến thương mại, kể cả trên các phương tiện truyền thông nhằm góp phần đưa thương hiệu “Gạo thơm Sóc Trăng” được tuyên truyền rộng rãi đến người dân cả nước.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Minh Quyết cho biết: “Ban đầu mục tiêu của Đề án Phát triển sản xuất lúa đặc sản tỉnh sản lượng lúa là 800.000 tấn lúa đặc sản/năm. Tuy nhiên, trước xu hướng phát triển hiện nay, ngành nông nghiệp dự kiến trong năm 2020 diện tích lúa đặc sản của tỉnh sẽ đạt 178.000ha, sản lượng trên 1,08 triệu tấn. Tới đây, ngoài việc tăng diện tích sản xuất lúa đặc sản, ngành nông nghiệp còn triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng, giá trị hạt gạo thơm Sóc Trăng cũng như xây dựng các vùng sản xuất lúa đặc sản, bằng cách mở rộng mạng lưới sản xuất lúa giống xác nhận, hỗ trợ tập huấn sản xuất giống, triển khai các mô hình trình diễn giống, hội thảo đánh giá giống”.

“Xây dựng các mô hình sản xuất lúa đặc sản ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật, chú trọng các mô hình sản xuất sạch như sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, theo hướng hữu cơ. Đồng thời, tổ chức trưng bày sản phẩm gạo đặc sản Sóc Trăng tại hội chợ, festival lúa gạo ngoài tỉnh nhằm giới thiệu sản phẩm gạo thơm, gạo đặc sản Sóc Trăng đến nhiều địa phương khác nhau. Tiếp tục duy trì nhãn hiệu gạo thơm ST và phối hợp doanh nghiệp hỗ trợ sản xuất và xúc tiến thương mại đối với gạo ST24, ST25 và các giống lúa chất lượng cao của tỉnh để thúc đẩy hạt gạo Sóc Trăng ngày càng vươn xa…” - đồng chí Lương Minh Quyết chia sẻ thêm.

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: