• Nông nghiệp

Góc nhìn kinh tế

EVFTA và hành động của chúng ta

05/07/2019 14:23 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 05/07/2019 | 14:23

STO - Ngày 30-6, tại Hà Nội, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) đã chính thức được ký kết sau hơn 9 năm đàm phán. Đây là hiệp định được đánh giá có tác động lớn đến hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU, trong đó có mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Tuy nhiên, để EVFTA thật sự là cơ hội lớn cho hàng xuất khẩu Việt Nam vào EU chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt là vấn đề chất lượng, trách nhiệm (môi trường và xã hội) và truy xuất nguồn gốc.

Theo ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, trong số các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết thì EVFTA là hiệp định có tác động mạnh đối với ngành tôm Việt Nam và sẽ tạo ra một bước ngoặt lớn cho cơ cấu thị trường tôm của Việt Nam nếu chúng ta biết khai thác tốt cơ hội từ EVFTA mang lại.

Nuôi tôm đạt chuẩn ASC, truy xuất được nguồn gốc sẽ tạo lợi thế lớn cho sản phẩm tôm Việt Nam tại thị trường EU.

Cơ hội đầu tiên theo ông Lực là tôm Việt Nam bán vào EU chủ yếu là tôm chế biến, chỉ có 2 đối thủ cạnh tranh chính là Thái Lan và Indonesia. Tuy nhiên, thuế suất đối với tôm chế biến của 2 quốc gia này từ 10% đến 20% là rất cao so với tôm Việt Nam sau khi EVFTA có hiệu lực. Với sự chênh lệch lớn về thuế suất sẽ tạo lợi thế cạnh tranh lớn cho tôm chế biến Việt Nam so với 2 đối thủ này. Cũng cần nói thêm là trước khi có EVFTA, từ năm 2015, tôm Thái Lan đã không còn được hưởng hệ thống ưu đãi phổ cập, trong khi tôm Việt Nam được hưởng ưu đãi này (với mức thuế giảm gần ½), giúp thị phần tôm Việt Nam ở EU liên tục tăng mạnh trong vòng 3 năm qua, đưa EU trở thành thị trường lớn nhất của con tôm Việt Nam trong năm 2018.

Một lợi thế khác mà ông Lực từng trao đổi với người viết nhiều lần trước đây chính là trình độ chế biến của các doanh nghiệp Việt Nam. Ông Lực nhận xét: “Giá thành sản xuất tôm Việt Nam luôn cao hơn một số nước nhưng sở dĩ vẫn cạnh tranh được là nhờ ở trình độ chế biến của các doanh nghiệp Việt Nam thuộc cấp cao, giúp con tôm Việt Nam chiếm lĩnh được phân khúc thị phần cao cấp. Có thể nói, dư địa để các doanh nghiệp tôm Việt Nam chọn lựa hệ thống phân phối phù hợp và rất rộng, đặc biệt là với các sản phẩm nhiều tiện ích”. Cũng theo ông Lực, mặt hàng tôm chế biến luôn có tỷ suất lợi nhuận cao và ít bị biến động hơn sản phẩm cấp thấp. Điều này cũng đồng nghĩa với cơ hội gia tăng lợi nhuận của các doanh nghiệp tôm Việt Nam lớn hơn, nên ít nhiều họ cũng có cơ hội và điều kiện để chia sẻ với người nuôi tôm, giúp ngành tôm có điều kiện phát triển mạnh hơn trong những năm tới.

Con tôm chế biến sẽ có lợi thế lớn ở phân khúc thị trường cao cấp EU nếu đáp ứng các quy định.

Tương tự như con tôm và một số mặt hàng thủy sản khác, một số mặt hàng nông sản của Việt Nam cũng có điều kiện thâm nhập mạnh mẽ hơn vào thị trường EU nhờ biểu thuế suất thấp, nhất là các mặt hàng rau quả và trái cây chủ lực của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, bởi sau khi EVFTA có hiệu lực sẽ có khoảng 85,6 dòng thuế được xóa bỏ. Khi đó, không chỉ có vú sữa, thanh long hay xoài mà còn nhiều mặt hàng trái cây cùng các loại rau gia vị có cơ hội góp phần ở thị trường lớn, có giá bán tốt này.

Cơ hội là rất lớn cho các mặt hàng nông nghiệp, thủy sản tại thị trường EU nhưng để biến cơ hội này trở thành hiện thực là một điều không hề dễ dàng chút nào nếu chúng ta không kịp thời thay đổi việc thực hành sản xuất theo đúng yêu cầu từ phía EU, bởi EVFTA chỉ giảm mạnh về thuế suất, còn tiêu chuẩn chất lượng chỉ có tăng chứ không hề giảm. Đơn cử như mặt hàng thế mạnh là con tôm, để vào được hệ thống phân phối cao cấp, các doanh nghiệp tôm của Việt Nam phải đáp ứng hàng loạt tiêu chuẩn chung và riêng của từng hệ thống. Vấn đề này tuy khó nhưng theo ông Lực, các doanh nghiệp vẫn có thể hoàn thiện để đáp ứng ngay theo yêu cầu của EU nhưng còn quy định về trách nhiệm xã hội mới là thứ khó đáp ứng ngay được mà một trong số đó là chuyện tăng ca, làm thêm giờ. Một cái khó nữa đối với con tôm là quy định tôm nuôi phải đạt chuẩn ASC và phải được truy xuất nguồn gốc dễ dàng, trong khi hiện chỉ mới có khoảng 5% diện tích nuôi tôm trên cả nước đạt tiêu chuẩn này.

Một số mặt hàng trái cây chủ lực của đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Sóc Trăng cần thay đổi kịp thời tư duy sản xuất để nắm bắt cơ hội lớn từ thị trường EU. 

Tương tự như vậy, đối với các mặt hàng nông sản khác, thị trường EU rất chú trọng đến yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và thực hành sản xuất có trách nhiệm. Trong khi đó, hầu hết các mặt hàng nông sản của chúng ta đều sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, quy trình sản xuất không đồng nhất, nguồn gốc các yếu tố đầu vào như: cây, con giống; thức ăn, phân bón; thuốc thú y, bảo vệ thực vật… đều rất khó truy xuất được nguồn gốc. Đây là một thực tế đã và đang là rào cản đối với nông sản Việt Nam khi xuất khẩu sang các thị trường. Không nói đâu xa, ngay như thị trường Trung Quốc trước đây rất dễ dãi về mặt chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm thì nay cũng siết chặt các quy định này.

Như vậy có thể thấy, EVFTA chính là cơ hội lớn nhưng đồng thời cũng là một thách thức không nhỏ đối với các mặt hàng nông, thủy sản Việt Nam nếu muốn bán được ở thị trường này. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ví EVFTA là một đại lộ nối Việt Nam với EU nhưng để các mặt hàng nông, thủy sản thông suốt trên đại lộ này ngay từ bây giờ chúng ta phải nhanh chóng thay đổi tư duy sản xuất theo hướng thực hành có trách nhiệm, đạt chuẩn quốc tế và truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm của mình. Chỉ có như vậy, EVFTA mới sớm thật sự trở thành cơ hội lớn cho mặt hàng nông, thủy sản, bởi nếu không chúng ta sẽ bị bỏ lại phía sau khi hiện tại, một số nước cũng đang chuẩn bị cho việc đàm phán thương mại tự do với EU.

Tích Chu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: