• Nông nghiệp

Giá gia cầm giảm sâu, người chăn nuôi lo lắng

05/04/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 05/04/2020 | 06:00

STO - Theo thống kê, hiện tại đàn gia cầm toàn tỉnh hơn 6,6 triệu con, vượt 4,8% kế hoạch, giảm 14% so cùng kỳ năm trước. Gia cầm chủ yếu tập trung nuôi nhiều tại 2 huyện Kế Sách và Châu Thành, tại 2 địa phương trên có nhiều trang trại, gia trại lớn của các công ty, doanh nghiệp, kể cả số hộ dân nuôi bên ngoài từ vài trăm con đến cả nghìn con. Việc chăn nuôi gia cầm đã đem về nguồn thu nhập tốt cho nhiều hộ nuôi. Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2020, giá gia cầm xuống thấp, đầu ra gặp khó ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của hộ chăn nuôi.

Anh Trần Thanh Phong, ở ấp Nam Hải, xã Đại Hải (Kế Sách) lo lắng vì giá gà bán ra thấp. Ảnh: THÚY LIỄU

Hơn 10 năm gắn bó với công việc nuôi gà thịt, anh Trần Thanh Phong, ở ấp Nam Hải, xã Đại Hải (Kế Sách) bộc bạch: “Trước khi nuôi gà, tôi đã có thời gian dài chăn nuôi heo nhưng giá heo xuống thấp, dịch bệnh nên đành chuyển chuồng trại sang nuôi gà. Lúc mới nuôi chỉ số lượng nhỏ, dần dần tăng số lượng lên và hiện tại mỗi năm xuất bán ra thị trường khoảng 150.000 con. Bình quân hàng tháng đều có gà bán, bởi nuôi gà theo dây chuyền nối tiếp nhau, có lúc lời, lúc lỗ. Theo thời giá hiện tại là 50.000 đồng/kg, người nuôi bị lỗ vốn nếu như mua thức ăn tại đại lý, còn nếu mua thức ăn trực tiếp tại các công ty cung ứng thì phá huề. Do vậy, nếu bà con nuôi số lượng 1.000 - 2.000 con gà xem như lỗ trắng. Năm nay, so giá bán cùng kỳ năm rồi thấp hơn nhiều nên người nuôi gà không thu về lợi nhuận và tìm thương lái mua cũng khó. Vì vậy, tôi mong muốn được doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra để người chăn nuôi không phải lo lắng về giá bán cũng như chắc chắn có lợi nhuận khi tới đợt xuất bán gà”.

“Chẳng những giá bán gà xuống thấp mà thời tiết còn bất lợi làm ảnh hưởng đến việc chăn nuôi. Để bảo vệ đàn gà trước thời tiết và dịch bệnh, tôi nuôi gà áp dụng đệm lót sinh học, xây dựng chuồng trại nuôi theo hướng hở thông thoáng, trang bị thêm giàn quạt nhằm làm mát cho đàn gà trong chuồng nếu nhiệt độ bên ngoài quá nóng, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin, thường xuyên sát trùng chuồng nuôi. Sau khi đàn gà xuất bán, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ mới nuôi đợt kế tiếp” - anh Phong thông tin thêm.

Với đàn vịt siêu thịt 500 con chỉ còn 7 ngày nữa là tới đợt xuất bán nhưng giá vịt thịt chỉ 33.000 đồng/kg nên bà Trần Thị Bay, ở ấp Nam Hải, xã Đại Hải (Kế Sách) rất buồn, bởi gần 1 năm chuyển từ con heo do ảnh hưởng của dịch bệnh sang nuôi vịt mong cải thiện thu nhập mà nguồn thu không tăng, còn luôn gặp cảnh đàn vịt nuôi rớt giá liên tiếp. Bà Bay bộc bạch: “Ở nông thôn sống dựa vào làm ruộng nhưng ruộng ít, làm bao giờ mới khấm khá, nếu muốn cuộc sống ổn định cần phải chăn nuôi thêm. Nhưng giờ nuôi con gì cũng khó, không gặp dịch bệnh thì giá thị trường lên xuống thất thường, nuôi con vật chỉ mong đến ngày bán mà phập phồng lo lắng nào dịch bệnh, rồi giá, rồi tìm đầu ra cả một vấn đề. Chỉ mong ngành chuyên môn có cách nào hỗ trợ người chăn nuôi bán gia cầm được giá tốt, bởi thực tế người chăn nuôi bán giá ở mức rất thấp nhưng tại các chợ tiểu thương họ vẫn bán giá cao gấp vài lần”. Theo chia sẻ của bà Bay, với giá vịt thịt hiện nay thương lái mua 33.000 đồng/kg, tính bình quân mỗi kílôgam vịt, người nuôi lỗ từ 5.000 đồng - 7.000 đồng, nếu nuôi số lượng càng lớn lỗ càng nhiều.

Ánh mắt buồn bã khi nhìn đàn vịt vài ngày xuất bán nhưng giá quá thấp, chị Nguyễn Thị Thanh Xuân, ở ấp Nam Hải, xã Đại Hải (Kế Sách) bộc bạch: “Tôi nuôi heo thịt, heo sinh sản hàng trăm con gặp dịch tả heo châu Phi phải tiêu hủy cả đàn, được Nhà nước hỗ trợ tiền nên tận dụng chuồng trại nuôi vịt thịt bán. Ai ngờ nuôi vịt tính đến nay xuất bán đều lỗ... Qua mấy đợt nuôi vịt lỗ liên tiếp như vậy, tôi sẽ ngưng việc chăn nuôi, chờ xem giá cả thị trường thế nào mới khởi động lại việc chăn nuôi heo hay gia cầm…”.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Lâm Minh Hoàng chia sẻ: “Nếu so cùng kỳ năm 2019, đàn gia cầm năm 2020 trên địa bàn tỉnh giảm, nguyên nhân giảm do giai đoạn dịch tả heo châu Phi, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con phát triển chăn nuôi gia cầm để bù đắp lượng thịt heo cung ứng trên thị trường. Riêng với giá gia cầm xuống thấp, theo cá nhân nhận định có thể do lượng gia cầm cung trên thị trường đồng loạt nên kéo giá giảm, cùng với đó lượng thịt heo về các chợ khá nhiều do dịch tả heo châu Phi đã qua, người chăn nuôi heo đã và đang tái đàn, giá thịt heo giảm hơn so với trước nên người tiêu dùng có thêm các lựa chọn, cộng thêm tác động tình hình dịch bệnh Covid-19 trên người. Đứng về góc độ chuyên môn, dù giá gia cầm có giảm so cùng kỳ năm nhưng khuyên người chăn nuôi tiếp tục áp dụng quy trình nuôi theo hướng an toàn sinh học, vệ sinh chuồng trại, đảm bảo môi trường nuôi sạch, tiêm ngừa đầy đủ các loại vắc xin phòng chống dịch bệnh trên gia cầm để đảm bảo cung cấp sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Để khi dịch bệnh Covid-19 qua đi, giá cả thị trường sẽ bình ổn trở lại”.

THÚY LIỄU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: