• Nông nghiệp

Hạn hán, xâm nhập mặn, nỗi lo vụ mùa

03/01/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 03/01/2020 | 06:00

STO - Theo dự báo của ngành chuyên môn, do chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều biển Đông và gió mùa Đông Bắc nên mực nước cao nhất năm 2019 trên các sông, rạch trong địa bàn tỉnh xuất hiện vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11-2019, sau đó mực nước đỉnh triều sẽ giảm dần trong các tháng tiếp theo.

Cụ thể, tại Trạm Đại Ngãi, mực nước cao nhất ở mức từ 2,05 - 2,15m, tại Trạm Trần Đề (sông Hậu) mực nước cao nhất ở mức từ 2,35 - 2,45m... Do đó, dự báo mùa khô năm 2019 - 2020, mặn sẽ xâm nhập sâu vào nội đồng hơn so với trung bình nhiều năm, nhưng thấp hơn so với năm xâm nhập mặn lịch sử 2015 - 2016. Giữa tháng 12 vừa qua, mực nước đo được cách cửa biển Trần Đề 30km, độ mặn lên đến 10.7‰. Với độ mặn như trên diễn ra thường xuyên sẽ làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh.

Khá lo lắng trước tình hình mùa hạn và tình hình xâm nhập mặn đang đến, ông Trương Văn Hùng - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hưng Lợi, xã Long Đức (Long Phú) chia sẻ: “Hiện tại, toàn bộ diện tích lúa ở cánh đồng của HTX đã thu hoạch dứt điểm và mặn đang đến nhưng một số thành viên HTX đã và đang làm đất để xuống giống lúa vụ tiếp theo dù chính quyền địa phương, ngành chuyên môn và Ban Giám đốc HTX đã tích cực vận động, tuyên truyền đến thành viên không nên làm lúa vụ 3, vì so cùng kỳ năm trước, mặn về sớm hơn và nguy cơ xâm nhập mặn sẽ làm ảnh hưởng đến diện tích lúa xuống giống của hộ dân. Thống kê, ước tính có hơn 100ha đã xuống giống và thành viên vẫn đang tiếp tục cày xới để xuống giống tiếp tục”.

Để đảm bảo các diện tích lúa phát triển tốt tại các địa phương trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, cần sử dụng giống chịu mặn, ngắn ngày. Ảnh minh họa: Thúy Liễu

Cũng theo thông tin từ ông Hùng, hiện tại, tại kênh lấy nước bơm vào ruộng độ mặn là 1.1‰ nên các cống đã đóng lại để đảm bảo nguồn nước bên trong kênh. “Dự đoán nếu mặn lên cao, việc đóng cống thời gian tầm 1 tháng chắc chắn cây lúa sẽ bị ảnh hưởng do thiếu nước, bởi bà con nông dân có thói quen sản xuất lúa vụ 3 nhưng vụ mùa mỗi năm mỗi khác do ảnh hưởng biến đổi khí hậu khó lường. Nếu xảy ra tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn như năm 2016, chắc chắn nông dân là người chịu thiệt hại về kinh tế…” - ông Hùng cho biết thêm.

Giám đốc HTX Nông nghiệp Mỹ Đức, xã Mỹ Hương (Mỹ Tú) Nguyễn Quốc Khởi thông tin: “Toàn bộ diện tích lúa của HTX đã thu hoạch dứt điểm và đang chuẩn bị xuống giống vụ Đông - Xuân (2019 - 2020) với diện tích 40ha. Đây là vụ mùa HTX được ngành chuyên môn chọn để sản xuất thử nghiệm giống lúa chất lượng cao, chống chịu độ mặn lên đến 5‰, toàn bộ giống, phân bón đều được ngành chuyên môn hỗ trợ 100% và bao tiêu luôn sản phẩm đầu ra. Do vậy, thành viên HTX rất hào hứng tham gia sản xuất giống lúa trên để có giống lúa chống chịu mặn tốt đưa đến người nông dân sản xuất đảm bảo vụ mùa bội thu…”.

Khá lo lắng trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn vào sâu nội đồng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Đề Trần Hoàng Dũng cho biết: “Tổng diện tích lúa trên địa bàn toàn huyện xuống giống trong vụ Đông - Xuân (2019 - 2020) là 22.400ha, trong đó diện tích làm đòng 3.500ha. Đây là giai đoạn lúa cần nước nhất để sinh trưởng và hiện độ mặn đo trong các kênh nội đồng 0,5 - 0,7‰ và độ mặn này không ảnh hưởng đến cây lúa. Tuy nhiên, chỉ sợ vào tháng 12 (âm lịch) do nước kém nên độ mặn lên cao không lấy nước vào ruộng được chắc chắn sẽ gây nguy hiểm cho số diện tích lúa trên. So cùng kỳ năm trước thì mặn lên sớm hơn gần 1 tháng nên diện tích lúa Đông - Xuân chính vụ của các địa phương mới có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn. Giải pháp trước mắt là khuyến cáo bà con trước khi lấy nước lên ruộng phải kiểm tra độ mặn mới đưa vào ruộng, sử dụng nước tiết kiệm; kịp thời đóng cống khi mặn lên cũng như tích trữ nước trong kênh rạch nhằm ứng phó nếu mặn lên cao…”.

Trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đã và đang xảy ra tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, có nguy cơ gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hiểu đề nghị các cấp, các ngành và bà con nông dân tích cực chủ động phòng chống, ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn; khuyến cáo sử dụng giống lúa cấp xác nhận, giống chịu mặn, ngắn ngày, thích nghi với điều kiện hạn, mặn và những vùng điều kiện sản xuất khó khăn không hiệu quả kinh tế khuyến cáo người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang cây trồng khác. Đồng thời, rà soát hệ thống thủy lợi, tăng cường trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, khắc phục tình trạng thiếu nước, xâm nhập mặn tại các vùng, khu vực trọng điểm. Tập trung huy động mọi nguồn lực, chuẩn bị các phương án để thực hiện hiệu quả công tác phòng chống thiếu nước, hạn, xâm nhập mặn, đảm bảo việc ngăn mặn, trữ ngọt và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn, xâm nhập mặn gây ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân…

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: